Để có ngày 10-10 trọn vẹn
Tôi nhớ vào một sáng đầu thu năm 2004, nhóm chúng tôi làm phim tài liệu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 có tới nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để phỏng vấn.
Hồi ức hôm qua
Hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được khỏe. Dù chúng tôi đã có hẹn, nhưng theo Đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký của Đại tướng cho biết thì khả năng Đại tướng sẽ không tiếp được. Thực tình chúng tôi cũng hơi buồn và đang thu dọn máy móc để ra về thì bất chợt Đại tướng xuất hiện. Ông mặc lễ phục chỉnh tề cố gắng ra tiếp chúng tôi. Đại tá Nguyễn Huyên cho hay: “Tuy hôm nay Đại tướng không khỏe, nhưng biết mục đích của nhóm làm phim về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô nên Đại tướng sẽ trả lời phỏng vấn”.
Trong câu chuyện với nhóm làm phim (đúng là câu chuyện chứ không phải là buổi phỏng vấn một cách cứng nhắc), Đại tướng đã đôn hậu bắt tay từng thành viên. Thái độ thân mật của Đại tướng khiến chúng tôi xúc động. Ông vui vẻ hỏi: “Các cậu định hỏi gì nhỉ?”. Thoáng chút suy nghĩ, tôi chợt nhớ ra và trả lời: “Dạ, chúng cháu muốn Đại tướng nói về Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 ạ”. Đại tướng quay sang nhìn Đại tá Nguyễn Huyên cười: “Cậu vẫn còn nhớ hồi ấy chứ nhỉ?”. Tôi hiểu Đại tướng muốn người thư ký của mình cùng nghe để kiểm tra lại thông tin. Thì ra, khi chuẩn bị tiếp quản Hà Nội dự kiến vào ngày 10-10-1954, Bộ Chính trị (nói như cách nói thông thường là Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu) đã họp và thành lập Ban Chỉ đạo tiếp quản Hà Nội. Thành viên trong Ban Chỉ đạo đó gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Trưởng Ban chỉ đạo tiếp quản Hà Nội, cùng các đồng chí Lê Văn Lương, Xuân Thủy và Tố Hữu.
Tiếp đó, để Ban Chỉ đạo được đầy đủ hơn nên ngày 29-8-1954, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 145, bổ sung các đồng chí: Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng vào Thành ủy Hà Nội. Ngày 6-9-1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô (đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư), phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn (lúc đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Chỉ một chi tiết nhỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đủ để cho thấy công tác tiếp quản Thủ đô được ta thực hiện chu đáo và cẩn thận đến mức nào. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn việc tiếp quản Hà Nội được trọn vẹn và hân hoan trong toàn Đảng toàn dân.
Theo dòng hồi tưởng đó, một ngày cũng vào dịp chào mừng ngày 10-10 cách đây hơn 20 năm, chúng tôi tìm đến số nhà 24 phố Tống Duy Tân để gặp nhà văn Lê Thị Túy, nữ cán bộ Thanh niên xung phong hoạt động tại nội thành Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ trên gác hai của ngôi nhà, chúng tôi được nghe bà Lê Thị Túy kể về công tác may cờ để chuẩn bị cho ngày đón bộ đội về tiếp quản Hà Nội. Bà cho hay: “Do Hà Nội vẫn do quân Pháp tạm đóng nên việc may cờ đòi hỏi nhanh, nhiều và phải tuyệt đối bí mật. Những lá cờ được may xong thì lập tức được chuyển đến các khu phố. Cách đó vừa đưa cờ đến mọi nơi, mọi chỗ, lại vừa phân tán tránh bị kẻ địch phá hoại”. Theo đó, các đội viên Thanh niên xung phong hoạt động bí mật trong nội thành Hà Nội đã phân công nhau, người tìm mua vải đỏ, vải vàng, người cắt, người may cờ. Công việc khẩn trương nhưng cũng rất bí mật.
Niềm vui vang vọng
Ngoài ra, việc tiếp quản Hà Nội hồi đó còn là cuộc đấu tranh phức tạp trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, trong đó công tác ngăn chặn và vạch trần âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của kẻ thù để có ngày tiếp quản Thủ đô rực rỡ cờ hoa nhằm phát huy cao nhất tinh thần cách mạng của nhân dân Hà Nội đã 8 năm sống trong lòng địch. Cờ hoa rực rỡ cũng cho thấy lòng dân Hà Nội luôn hướng về cách mạng, hướng về Đảng, về Bác Hồ và hướng về bộ đội ta trở về giải phòng Thủ đô.
Tôi nhớ, cũng trong buổi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây tròn 20 năm, chúng tôi được biết 1 ngày trước khi bộ đội ta chính thức tiến về Hà Nội, ngày 9-10-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra bản nhật lệnh nêu rõ: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Do đó phải đoàn kết giữa các lực lượng để giữ trật tự an ninh Thủ đô. Phải nêu cao kỷ luật, triệt để chấp hành 8 chính sách và 10 điều kỷ luật của Chính phủ, bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại”.
Để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội, Trung ương điều động hàng trăm cán bộ từ các lớp học tiếp quản ở Việt Bắc và Liên khu 3 về Hà Nội, đồng thời tổ chức bộ máy tiếp quản ở từng khu vực, từng ngành, từng đơn vị, cả nội và ngoại thành. Đảng ủy tiếp quản Thủ đô mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho 500 cán bộ các ngành và cấp tốc bồi dưỡng, đào tạo hàng trăm cán bộ chủ chốt cho thành phố. Về mặt quân sự, để bảo vệ Hà Nội, đề phòng địch phá hoại, Trung ương Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308, một số đơn vị thuộc Đại đoàn 350 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), cùng nhiều đơn vị công an tiếp quản Thủ đô. Chúng tôi còn được biết, để có được ngày tiếp quản Thủ đô trọn vẹn, ngoài việc phân công Đại đoàn 308 trực tiếp vào tiếp quản Hà Nội, ta còn điều động một số đơn vị thuộc Đại đoàn 304 bí mật triển khai lực lượng đến đóng quân ở một số khu vực ngoại thành tiếp giáp với nội thành. Đây là lực lượng hỗ trợ cho lực lượng tiến vào Hà Nội, là lực lượng đảm bảo và sẵn sàng hỗ trợ nếu kẻ địch tráo trở hay phá hoại. Cụ thể là Đại đoàn 304 triển khai lực lượng ở các khu vực ơ phía Tây Hà Nội, thuộc huyện Từ Liêm khi đó.
Ngày 10-10-1954, các đơn vị bộ đội tiến quân vào nội thành tiếp quản các vị trí. Đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến về trong nụ cười và nước mắt. Trong đoàn quân ấy có những chàng trai, cô gái Hà Nội ngày nào đã thay mặt nhân dân cả nước đứng lên làm cuộc kháng chiến toàn quốc. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm kìm chân quân Pháp trong thành Hà Nội, tạo điều kiện để Chính phủ ta rút lên chiến khu an toàn. Những chàng trai cô gái Hà thành đó đã tự thân trở thành người chiến sĩ, họ rút khỏi Hà Nội đêm 17-2-1947 với lời thề “Hà Nội ơi, hẹn ngày trở lại”.
Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô giữa rừng cờ hoa. Đó là những lá cờ đỏ sao vàng được các mẹ, các chị bí mật, hối hả suốt ngày đêm may cho kịp. Những lá cờ thể hiện tấm lòng của người Hà Nội với Đảng, với Bác Hồ, với Quân đội nhân dân Việt Nam và với những người con Hà Nội ra đi. Cả thành phố dồn về cột cờ Hà Nội tập trung nhìn lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Đúng 15h ngày 10-10, quân nhạc cử Quốc ca, còi Nhà hát Lớn thành phố kéo một hồi dài. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội bước lên bục đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ trở về với Thủ đô, với đồng bào, muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể”.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-co-ngay-10-10-tron-ven-post590960.antd