Giếng khoan cho học trò vùng cao
ĐBP - Bên cạnh các dự án làm đường, làm nhà nội trú, thư viện, sân chơi, nhà bếp, nhà vệ sinh… cho các trường ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thời gian qua, các đơn vị, tổ chức cũng đã quan tâm đầu tư các công trình mang nước sạch đến với thầy và trò vùng cao. Một trong những giải pháp hữu hiệu đó là đầu tư khoan giếng. Giải pháp này góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn nước sạch cho các nhà trường, đặc biệt là các trường vùng cao có học sinh bán trú.
Một lần đến bản Sơn Tống, xã Na Tông (huyện Điện Biên), chúng tôi chứng kiến những cháu học sinh Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông xách từng xô nước từ bể chứa nước cách xa trường khoảng 1km về sử dụng. Những đứa trẻ thân hình nhỏ bé, xiêu vẹo mang nước về trường khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng những hình ảnh ấy giờ đã không còn, vì cách đây khoảng 3 tháng, nhà trường đã được đầu tư giếng khoan và không còn lo thiếu nước sinh hoạt.
Nhớ về khoảng thời gian vất vả vì thiếu nước, thầy giáo Đặng Hùng Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông chia sẻ: “Do trường xa nhà nên gần 20 thầy, cô giáo thường ở lại trường giảng dạy và sinh hoạt từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ngoài ra còn có gần 70 học sinh bán trú nên nhu cầu sử dụng nước rất cao. Thiếu nước, các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường phải xách từng xô nước từ những bể nước đầu nguồn về trường sử dụng. Thậm chí, có thời gian thường xuyên bị mất nước từ 3 - 5 ngày, nhà trường phải xin và chở nước từ nhà dân về để phục vụ cho công tác vệ sinh, nấu ăn cho học sinh. Tất cả các hộ dân ở bản cũng chỉ có một nguồn nước dùng chung cho nấu ăn và sinh hoạt nên vào mùa khô, nguồn nước đầu nguồn cũng cạn kiệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt của học sinh bán trú và các hoạt động dạy và học của học sinh trường trung tâm. Thiếu nước nên việc trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho học sinh và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự quan tâm của Quỹ trò nghèo vùng cao, Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Na Tông đã được đầu tư công trình giếng khoan. Nhờ đó mà thầy và trò nhà trường đã có đủ nguồn nước phục vụ cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày”.
Điểm trường Mầm non bản Huổi Hua, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) nằm cách xa trung tâm nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vấn đề chưa có nước sinh hoạt cũng là nỗi ám ảnh với cô và trò điểm trường này suốt thời gian qua. Để có nước vệ sinh, phục vụ sinh hoạt, hàng ngày giáo viên lại cùng phụ huynh và học sinh phải đi vào khe suối để lấy nước về sử dụng. Bắt đầu từ năm học 2023 - 2024, cô và trò điểm trường đã nhận được sự quan tâm của Quỹ trò nghèo vùng cao tài trợ 1 chiếc giếng khoan; giúp cho cô và trò tại điểm trường có điều kiện tốt hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ dạy và học ở vùng cao. Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Núa Ngam tâm sự:“Có nước sạch từ giếng khoan rồi, cô và trò ở điểm trường sẽ có nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giảng dạy cho các em tại điểm bản, tạo tiền đề giúp học sinh được phát triển toàn diện cả về trí lực và thể chất”.
Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng gần 10% dân số thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, chủ yếu tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nằm trên địa bàn của các xã, bản này, nhiều trường học, điểm bản, nhất là các trường nằm trên địa hình núi cao thiếu nước trầm trọng, đặc biệt vào mùa khô. Vì vậy, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt và học tập không chỉ xảy ra tại Trường PTDTBT Tiểu học xã số 2 Na Tông, Điểm trường Mầm non Huổi Hua, mà còn rất nhiều trường, điểm trường tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng… cũng rất khó khăn về nguồn nước. Trong khi đó, địa hình đồi núi cao, xa so với trung tâm, việc lắp đặt và dẫn đường ống nước từ nhà máy nước của huyện đến các trường cần chi phí rất lớn, nhiều trường không có nguồn kinh phí. Vậy nên, nhiều điểm trường vẫn tiếp tục dùng nước khe, suối hay nước mó. Đến mùa khô, nguồn nước không được chủ động, do suối, khe thường ít nước hoặc hạn hán do mùa khô kéo dài. Việc đi lấy nước ở suối, khe khá xa và thiếu an toàn đối với thầy và trò. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống nước sạch từ các giếng khoan cho các trường điểm trường là một giải pháp hữu ích, khả thi và vô cùng ý nghĩa.
Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Quỹ trò nghèo vùng cao cho biết: “Thực tế, hiện nay, nhiều trường học ở vùng cao Điện Biên vẫn đang sử dụng nước suối, nước khe, nước mó... phục vụ sinh hoạt cho thầy và trò. Tuy nhiên, các nguồn nước đó khá hạn chế, thường không đủ dùng vào mùa khô; còn mùa mưa lũ thì nguồn nước rất đục và bẩn chỉ tưới rau tưới cây mà không phục vụ cho việc sinh hoạt. Với mong muốn mang nguồn nước hợp vệ sinh đến với trò nghèo vùng cao Điện Biên, Quỹ đã hỗ trợ kinh phí khoan giếng cho các điểm trường. Hy vọng, những chiếc giếng khoan này sẽ góp phần mang đến nguồn nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho thầy và trò tại các điểm trường; để các em dần thay đổi thói quen về sử dụng nước và lớn lên ngày càng khỏe mạnh, có điều kiện học tập tốt hơn”.
Mặc dù đã được tài trợ, đầu tư khoan nhiều giếng nước, song toàn tỉnh vẫn còn khá nhiều trường, điểm trường tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới có nhu cầu nước sạch và giếng nước khoan. Tuy nhiên, do địa hình trên miền núi thường cao và dốc, nhiều nơi khi khoan gặp đá, sỏi hoặc các hang các-xtơ nên yêu cầu giếng phải sâu thường từ 50-100m và dùng nhiều ống có đường kính từ 90-110mm để lượng nước khoan được nhiều, nên chi phí khoan giếng khá cao. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân. Sự đóng góp của cộng đồng sẽ giúp cho cuộc sống sinh hoạt, học tập của các em học sinh được đảm bảo hơn, góp phần nâng cao sức khỏe. Và hơn thế là sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của học sinh vùng cao, vì sự tiến bộ của giáo dục và đào tạo tại một tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên.