Giếng Ngọc - mạch nguồn của Phao Sơn cổ thành
Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, Giếng Ngọc là một di tích quan trọng của thành cổ Phao Sơn.
Chí Linh nổi tiếng với "bát cổ", trong đó Phao Sơn cổ thành còn cất giữ nhiều bí ẩn.
"Giếng cổ tại cổng đền Kiếp Bạc, một điểm thu hút du khách của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc là Mắt Rồng thứ nhất. Giếng Ngọc là mạch nguồn của Phao Sơn cổ thành, biểu trưng của nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người, phải chăng là Mắt Rồng thứ hai", ông Phạm Mạnh Nghiêu từng nhiều năm làm cán bộ văn hóa phường Phả Lại nhận định.
Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, Giếng Ngọc là một di tích quan trọng của thành cổ Phao Sơn. Giếng có nước trong và ngọt, đầy quanh năm nên thường được người dân địa phương dùng cho cúng lễ và sinh hoạt. Khi san lấp mặt bằng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, giếng đã bị vùi lấp, sau đó khu vực này được chia cho dân làm đất ở. Vì vậy, đoàn khảo cổ học đã đào thám sát và tìm lại được mạch nước của giếng cổ.
Gia đình ông Nguyễn Minh Sô ở khu dân cư 11 Ngọc Sơn, phường Phả Lại (Chí Linh) đã cho tôn tạo lại Giếng Ngọc (hay còn gọi là Giếng Rồng) từ mấy năm trước để phục vụ sinh hoạt và bảo tồn giếng cổ của Phao Sơn cổ thành. Giếng mới được xây cao hơn 3 m, gồm cả phần thành cao trên mặt đất hiện nay khoảng 1 m. Đường kính giếng rộng hơn 1 m. Theo người dân nhớ lại, giếng cổ trước đây chỉ là đá tảng xếp quanh tạo hình tròn rộng 4-5 m. Thành giếng chỉ cao hơn mặt đất xung quanh chừng gang tay...
Vùng đất cổ Phao Sơn xưa nay thuộc phường Phả Lại được bao bọc bởi sông Lục Đầu và dãy núi Phả Lại. Thành cổ Phao Sơn được xây từ thời Trần. Đến thời Mạc, thành được tu sửa, là một thành trì quan trọng. Thời thuộc Pháp, nơi đây trở thành căn cứ quân sự, thực dân Pháp xây dựng trường đào tạo sĩ quan... Đến những năm 80 của thế kỷ trước, di tích nổi tiếng này đã bị phá đi để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Theo một số tài liệu, cây gạo cổ có niên đại thời Nguyễn trước cổng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính là khu vực trung tâm thành cổ Phao Sơn.
Thành Phao Sơn xưa rộng chừng 500 trượng (5-7 ha), được xây bằng gạch vồ cao tầm 4 m. Thành có hào bao quanh, trung tâm là dãy núi Rồng (còn gọi là núi 9 chóp hay núi Kèn Lo) và núi Ngọc. Thời nhà Hồ, thành được mở rộng về phía nam, thời Mạc được tôn cao ở phía đông. Năm 1980, khi khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, toàn bộ dãy núi Rồng bị san làm mặt bằng. Theo người dân địa phương, khi chưa bị san lấp, dưới chân núi Rồng có đường hầm xây gạch vồ cao 2 m ăn sâu vào lòng núi cả km, gọi là hầm Nhà Mạc. Quanh khu vực nhà máy còn nhiều địa danh như Đấu Đong là nơi xưa từng có một ao to cho quân sĩ đứng xuống đó để đếm quân; Ao Cháo là nơi tập kết cháo trước khi chia cho quân lính; nhiều di tích cổ như chùa Dốc, chùa Bách Linh, chùa Báo Ân, đình Phao, đền Nhà Bà… Nhưng chứng tích thuyết phục nhất chính là bài thơ “Chí Linh cổ thành”, một trong 8 bài vịnh bát cổ Chí Linh của tác giả Thanh Hiên, được khắc trên tấm bia Chí Linh bát cổ năm 1798.
"Chính quyền, người dân Phả Lại luôn mong chờ khu di tích Phao Sơn cổ thành sớm được khôi phục tạo điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Chí Linh", ông Phạm Văn Bộ, cán bộ văn hóa phường Phả Lại cho biết.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/gieng-ngoc---mach-nguon-cua-phao-son-co-thanh-154271