Giếng trời trong nhà ở đô thị
Yếu tố không khí, ánh sáng cần đặt lên hàng đầu khi thiết kế nhà ở đô thị. Ảnh: Internet
Nhà ở đô thị được quy hoạch đa phần là nhà liền kề (nhà ống), nhà chỉ có một mặt tiếp giáp với đường phố, còn hai mặt bên và mặt sau giáp với nhà liền kề nên không mở được cửa sổ. Chính vì vậy, hiện chỉ còn cách tạo ra khoảng sân lộ thiên, còn gọi là giếng trời để thông hơi, thoáng khí, lấy ánh sáng tự nhiên bên trong ngôi nhà.
Chuyện căn nhà khó thở
Nhu cầu cuộc sống của mỗi con người nói xa thì thật phức tạp, đa dạng, mà nói gần thì cũng đơn giản, nhiều khi còn sơ sài. Nếu hỏi bạn muốn gì trong căn nhà của mình, câu trả lời nhận được là vô cùng: Từ nhu cầu về quy mô đến công năng, rồi đến kỹ thuật, thẩm mỹ... Có người còn nói, nhà tôi rất hoàn hảo chỉ có điều là hơi bị tối và thiếu thông thoáng.
Trong nhiều lần trò chuyện với gia chủ về căn nhà đẹp mới xây, cũng như lúc hàn huyên bên ly cà phê với bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy nổi lên nhu cầu về “hô hấp” trong căn nhà của cư dân đô thị, nhất là nhà ống. Giá như nhà mình thoáng hơn một chút, ước gì nhà có khoảng sân lộ thiên để vài chậu cảnh… rồi lại có anh bạn nói muốn về quê ở với ông bà cho thoáng khí, ở đó nhà vườn đất rộng, có anh lại nói thôi đành, tối thì bật điện, nóng thì lắp điều hòa cho xong chuyện.
Từ khi thiết kế đến quá trình thi công xây dựng căn nhà, mâu thuẫn cơ bản của mỗi gia chủ thường xảy ra ở việc cần nhiều diện tích sử dụng, nhiều phòng và không gian thông thoáng; đa phần gia chủ chấp nhận tấc đất tấc vàng, chẳng biết làm sao giải quyết mâu thuẫn này. Khi nhà làm xong, chạm vào chuyện “khó thở”, người ta lại hình dung, nhìn về cái giếng trời quen thuộc, một chi tiết nhỏ mà không nhỏ chút nào.
Hơn 40 năm làm nghề kiến trúc và xây dựng, tiêu chí thiết kế một căn nhà ở liền kề đô thị xinh đẹp, tôi thấy đôi khi còn dễ hơn nhiều là làm một căn nhà có môi trường thông thoáng, sống dễ chịu… Tôi luôn quan tâm, đặt yếu tố không khí, ánh sáng lên hàng đầu khi thiết kế nhà ở liền kề đô thị.
Thiết kế cái giếng trời
Cũng như sân vườn, khoảng trống quanh nhà, giếng trời trong ngôi nhà xưa cũng như ngày nay là cần thiết, là phần quan trọng để tạo sự kết nối môi trường thiên nhiên và con người, là nơi dẫn gió lành vào nhà, thoát khí nóng, khí độc ra khỏi nhà. Ngày nay đất đai ở đô thị càng khan hiếm, mặt tiền nhà không phải lúc nào cũng có hướng tốt, nhà ống đô thị chỉ có một mặt tiếp giáp với bên ngoài nên càng trở nên thiếu dưỡng khí, chỉ còn giải pháp là thông hơi, thoát khí lên trời.
Việc bố trí một khoảng trống để hít thở cho ngôi nhà hợp lý lại càng cần thiết cả về mặt sử dụng lẫn phong thủy, trong một ngôi nhà rất cần có chỗ chiếu ánh sáng mặt trời, nếu không thì dễ dẫn đến tù hãm, ẩm thấp, âm tính trong nhà.
Việc mở một giếng trời không chỉ thu vào nhà nhiều ánh sáng hay thoát khí nóng ra khỏi nhà, mà bản chất là làm cho căn nhà có âm - dương cân bằng. Nếu căn nhà ống rộng 5m có độ sâu lớn hơn 20m, khi ta đi vào đến khoảng giữa căn nhà thì cảm thấy luồng khí đã bị hao hụt, lẩn quẩn và gián đoạn. Nếu có giếng trời ở giữa nhà thì sẽ kích hoạt được luồng khí, có ánh sáng tự nhiên sẽ làm tăng khả năng hô hấp cho các thành viên trong gia đình.
Trường hợp nhà không quá dài, chiều sâu nhỏ hơn 15m, nhà không tối, không có phòng ngủ ở tầng trệt giữa nhà; khi đó việc thông gió ngang và thông thiên ở phía sau nhà (kết hợp với sân nước, sân phơi) lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc mở nhiều giếng trời trong một ngôi nhà là không nên, dễ gây ra dương thịnh, nhất là những vùng có bức xạ nóng như các tỉnh Nam Trung Bộ. Khi thiết kế các giếng trời, các giải pháp che mưa, tránh gió lùa, thu gom nước mưa, chống ẩm ướt trên vách cần phải tính đến.
Trong phong thủy có nguyên tắc tụ thủy tắc khí bất tán, có nghĩa là tụ thủy nhưng không phải úng thủy, tức là có nước đến, nước luân chuyển và nước chảy đi; vừa kích hoạt sinh khí vừa tránh ẩm thấp. Giữ được trường khí tốt cho ngôi nhà chính là chỗ có tụ thủy hay không.
Việc kết hợp hồ nước tại giếng trời sẽ có lợi về điều kiện môi sinh vì hơi nước được luân chuyển tự nhiên lại thêm ánh sáng chiếu trực tiếp vào hồ nước, không ẩm thấp. Có thể đưa tiểu sơn thủy (núi sông thu nhỏ) vào khu vực giếng trời, kết hợp với bể cá, tạo không gian thư giãn, điểm nhấn thi vị trong căn nhà của bạn. Mặt khác, nơi giếng trời cũng nên cộng thêm không gian sinh hoạt khác như phòng ăn, kết hợp với không gian giao thông trong nhà như cầu thang, hành lang để biến đổi không gian linh hoạt hơn; hoặc là tổ chức vườn cây xanh nhỏ trong nhà.
Khi mở giếng trời thì cần xem xét thực tế cấu trúc ngôi nhà tiếp xúc với phương hướng nắng, gió… để bố trí mái che giếng trời là mái cố định hay mái kéo di động, nhằm chủ động hơn trong việc điều tiết ánh sáng, chống mưa tạt vào nhà. Đối với giếng trời để trống hoàn toàn như một sân lộ thiên thì việc thu gom nước mưa, tạo hòn non bộ là cần thiết, tạo nên không gian trong nhà thêm sinh động; cần có giải pháp bảo vệ, chống kẻ gian từ trên sân thượng vào nhà.
Vậy nên, quanh cái giếng trời là câu chuyện rất phong phú về vị trí, cách xử lý biến đổi không gian linh hoạt, tạo nên sự thông thoáng khí cho căn nhà. Cái giếng trời - chuyện phong thủy mang đầy đủ tính khoa học về môi trường là đối tượng cần được quan tâm, khai thác khi thiết kế xây dựng nhà ở.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281106/gieng-troi-trong-nha-o-do-thi.html