Gieo bữa cơm lành, trao tình thương ấm
Giữa nhịp sống đô thị hối hả, khi nhiều người còn đang mải miết với cơm áo, gạo tiền, vẫn có những con người âm thầm mang đến những điều giản dị mà ấm áp - một suất cơm nóng, một lời hỏi han, một cái nhìn nhớ mặt, gọi tên - tất cả gói ghém trong hành trình gieo tình thương bằng bữa ăn thiện nguyện.

Suất ăn 0 đồng tại Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội được trao tận tay người nhận.
Những suất cơm từ thiện...
Tại một khoảng sân nhỏ cách Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chừng 200m, không khí bỗng rộn ràng bởi tiếng gọi sang sảng, có phần... “đanh đá”: “Xếp hàng đi, ai chưa nhận thì lùi ra sau!”; “Mang hộp đến chưa, không phát vào túi nilon đâu nhé!”. Giọng nói có phần “đanh đá” ấy lại khiến nhiều người bật cười, bởi họ biết đó là chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, hay còn được biết đến với cái tên “Bảo Đồng Nát” trên TikTok, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng mỗi ngày đều đặn gánh vác hơn trăm suất cơm cho người nhà bệnh nhân.
Đều đặn 12 giờ trưa mỗi ngày, giữa góc sân nhỏ với vài chiếc bàn inox và nồi cơm nghi ngút khói, chị Thủy cùng các tình nguyện viên cặm cụi nấu gần 350 suất ăn đủ rau, thịt, canh.
Không dễ gì ăn được cơm của chị Thủy nếu không tuân thủ quy tắc: phải mang theo hộp đựng (không dùng hộp nhựa một lần), không chen lấn, không xô đẩy và... phải vui vẻ. Với chị Thủy, một bữa cơm tử tế không chỉ cần ngon và đủ chất, mà còn cần được trao đi trong tinh thần văn minh, có trách nhiệm với cộng đồng.
Chị bảo: “Cho đi là chuyện của mình, nhưng nhận lại thế nào, có trân trọng hay không mới là điều khiến mình thấy ấm lòng”. Bữa cơm vì thế không chỉ là sự cứu đói mà còn là cách chị truyền đi thông điệp: mỗi hành động nhỏ, nếu được làm bằng cái tâm, đều có thể gieo mầm yêu thương.
Chị thường nhắc mọi người một cách thẳng thắn: “Mang đồ ăn tới bệnh viện thì đừng mang rác thải tới bệnh viện. Một chiếc túi nilon tưởng chừng vô hại, nhưng là thứ gián tiếp làm tổn thương môi trường sống của chính chúng ta”.
Nhiều người nhà bệnh nhân đã “quen mặt” chị Thủy suốt 3 - 4 năm nay. Hàng ngày, họ xếp hàng đúng giờ, không chỉ để nhận cơm mà còn để nghe chị nói vài câu bông đùa, động viên. Đó là thứ gia vị tinh thần đi kèm với những suất cơm ấm áp tình người.
Chị Phượng (quê Hòa Bình) - người đã có 4 tháng túc trực ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để chăm chồng điều trị. Chị Phượng cho biết, từ những ngày đầu, chị đã quen với những bữa cơm giản dị mà ấm lòng tại nơi này. “Cơm thì ngon, nhưng cái quý là cảm giác mình không bị bỏ lại một mình. Có người lạ lo cho mình từng bữa ăn, từng câu nói, tự nhiên thấy nhẹ lòng lắm. Tôi thấy chị Thủy có thể hơi nóng tính, nhưng lại là người có cái tâm rất tốt” - chị Phượng chia sẻ.
Nói về cách làm từ thiện của mình, chị Thủy cho biết, chị sở hữu tài khoản TikTok với hơn 300.000 người theo dõi, không ít lần chị đối mặt với những ý kiến trái chiều. Người thì khen tận tâm, người thì chê “thô lỗ, không đúng chuẩn từ thiện”. Nhưng chị điềm đạm: “Tôi không làm video để xây dựng hình ảnh. Tôi chỉ muốn mọi người thấy được sự chân thật nhất của những bữa cơm. Có người không hiểu mình, nhưng nếu mình đàng hoàng thì không sợ. Đôi khi những lời góp ý lại giúp mình soi lại chính mình, làm đúng ngay từ đầu”.

Những khay đầy đủ rau, thịt, cơm canh được chuẩn bị trước giờ phát của Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai.
Lan tỏa sự tử tế, tình yêu thương
Cứ đúng 16 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, “Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai” do nhóm thiện nguyện Từ Đức sáng lập là điểm hẹn quen thuộc cho người nhà bệnh nhân và những người lao động nghèo quanh khu vực Bệnh viện Bạch Mai. Nằm sâu trong ngõ 15 Phương Mai, giữa cái nắng mùa hè gắt hay rét buốt mùa đông, những hàng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cơm - đó là hình ảnh minh chứng cho niềm tin vào lòng tốt giữa đời thường.
Được thành lập năm 2023 bởi nhóm thiện nguyện do chị Phạm Thị Thúy khởi xướng, nhà ăn hiện duy trì đều đặn khoảng 400 - 500 suất cơm mỗi ngày. Suất cơm miễn phí nhưng luôn đầy đủ chất dinh dưỡng với cơm trắng, món mặn, món rau, canh, đôi khi đổi món bằng xôi hoặc cháo. Toàn bộ công việc từ sơ chế, nấu nướng đến phát cơm đều do chính tay các thành viên trong nhóm tình nguyện thực hiện chỉ vỏn vẹn 5 người thường trực, cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và hàng xóm láng giềng.
“Nhà ăn không của riêng ai. Người góp tiền, người góp gạo, người không có của thì góp công” - chị Thúy chia sẻ.
Những bữa cơm miễn phí đã giúp không ít gia đình bệnh nhân vơi bớt gánh nặng tài chính trong những ngày tháng điều trị kéo dài. Chị Lê Thị Oanh - người mẹ từ Thanh Hóa ra Hà Nội chăm con tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Nếu mua cơm cho hai người mỗi ngày cũng tốn gần 200 nghìn đồng, chưa kể thuốc thang. Nhờ những bữa cơm 0 đồng mà mẹ con tôi mới trụ được đến giờ”.
Từ một nhóm nhỏ, “Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai” giờ đây đã trở thành biểu tượng ấm áp giữa lòng thành phố, nơi mỗi suất ăn không chỉ “no bụng” mà còn “no tình người”.
Ngoài “Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai” thì một địa điểm thiện nguyện kết nối sự yêu thương không thể bỏ qua đó là Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội. Với phương châm “Vì cho đi là còn mãi”, suốt hơn 11 năm qua, Câu lạc bộ đã biến con số 5.000 thành biểu tượng của sự sẻ chia.
Ít ai biết rằng, những suất cơm đầu tiên được nhóm thực hiện vào mùa thi đại học năm 2012, với mục đích phát cơm miễn phí cho sĩ tử và phụ huynh từ các tỉnh về Hà Nội ôn thi. Khi kỳ thi kết thúc, nhận ra rằng còn biết bao người khác cũng cần một bữa ăn đủ đầy, như bệnh nhân nghèo, người vô gia cư, lao động tự do nên nhóm quyết định tiếp tục và mở rộng hoạt động.
Mỗi sáng Chủ nhật, từ 6h15, tại ngôi nhà nhỏ trên phố Minh Khai (Câu lạc bộ mượn để làm bếp) có khoảng 40 tình nguyện viên cùng nhau đi chợ, sơ chế thực phẩm, nấu nướng và trao đi hàng trăm suất cơm đến bệnh nhân, người lao động nghèo, trẻ khuyết tật tại các bệnh viện như: Bạch Mai, Thanh Nhàn và Phổi Hà Nội.
Anh Chung - phụ trách Ban hậu cần Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội chia sẻ: Mỗi suất cơm chỉ 5.000 đồng, nhưng đó là mức giá khiến ai trong hoàn cảnh khó khăn cũng có thể mua được mà không cảm thấy xấu hổ. Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và sự cống hiến của các thành viên đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động suốt 13 năm qua.
Thế nhưng, hành trình ấy chưa bao giờ dễ dàng. Thiếu kinh phí, nhóm hiện sử dụng khay nhựa dùng một lần để đựng cơm, thay vì hộp giấy hay hộp nhựa an toàn vệ sinh hơn. Việc lo toan từng cân gạo, từng bó rau, từng cái thìa cũng là một bài toán nan giải khi nguồn lực luôn giới hạn. Nhưng bằng tinh thần kiên trì và sự gắn kết, họ vẫn giữ cho ngọn lửa thiện nguyện không bao giờ lụi tắt.
Không dừng lại ở việc nấu cơm, Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình từ thiện khác như “Suất ăn nhẹ 0 đồng” cho bệnh nhân điều trị dài ngày, các chuyến thiện nguyện tới vùng sâu, vùng xa, dịp lễ, Tết... lan tỏa sự ấm áp của tình người.
Câu chuyện của chị Thủy, của Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai, Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội... và còn nhiều nữa những tấm lòng, những nhóm thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước đã gieo mầm cho sự tử tế, lan tỏa tình yêu thương. Những bữa ăn không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là ngọn lửa nhỏ giữ ấm niềm tin cho những phận đời đang loay hoay giữa bệnh tật và nghèo khó.
Và như cách những người thiện nguyện vẫn lặng lẽ làm mỗi ngày, họ không cần được tán dương, chỉ cần một ánh mắt biết ơn, một cái cúi đầu cảm ơn, hoặc đơn giản là một tin nhắn báo rằng: "Hôm nay cháu không xuống nhận cơm đâu, vì cháu được xuất viện rồi...".
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gieo-bua-com-lanh-trao-tinh-thuong-am-10304084.html