Gieo hạnh phúc gặt nhân tâm

Một ngày trung tuần tháng 6-2024, thoáng qua Bộ phận tiếp dân của Công an phường Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), tôi vô tình bắt gặp hình ảnh cán bộ chiến sĩ Tổ tiếp dân và Cảnh sát khu vực (CSKV) ân cần gửi trả kết quả cho một bà cụ tuổi độ 'thất thập cổ lai hi'. Không hiểu sao cái nụ cười mãn nguyện của cụ bà khi cầm trên tay tờ giấy thông báo kết quả đăng ký thường trú, cái nụ cười thân thiện của người nữ Thượng úy làm tôi tò mò muốn tiếp cận câu chuyện.

Công an phường Hòa Khánh Bắc trao kết quả giải quyết cư trú cho bà Nguyễn Thị Trình.

Công an phường Hòa Khánh Bắc trao kết quả giải quyết cư trú cho bà Nguyễn Thị Trình.

Cụ bà tên là Nguyễn Thị Trình (1947) không nhớ mình đã rời bỏ quê nhà Quảng Nam từ bao giờ và đã từng đi qua những đâu. Ký ức duy nhất còn sót lại trong tâm trí bà là từ 31 năm trước đã được gia đình ông Trần Trung Sỹ (có địa chỉ hiện nay tại 136 đường Nguyễn Lương Bằng) cưu mang khi bà lưu lạc ra mảnh đất này, trở thành một thành viên không thể thiếu của gia đình ông Sỹ tự bao giờ...

Nhu cầu có giấy tờ tùy thân để trước lúc từ giã cõi trần này là một công dân hợp pháp và hợp hiến không chỉ là niềm khát khao của chính bản thân cụ Trình mà cả gia đình của ông Sỹ. Tuy nhiên chạy tháng, chạy ngày, qua nhiều cơ quan, đơn vị, gia đình ông Sỹ chỉ nhận được một giải thích rất ngắn gọn: “Có cắt khẩu thì mới nhập được khẩu”… Sự thất vọng vì những quy định thành văn ấy đã khiến niềm khao khát chính đáng của cụ Trình và ông Sỹ bị chôn vùi trong tiềm thức không dám nghĩ cũng chẳng muốn bàn… Tuy nhiên, ước vọng lớn lao ấy lại được thắp lên hy vọng khi chị Nguyễn Thị Lệ Thu (vợ ông Sỹ) gặp được Trung tá Nguyễn Xuân Cường- Trưởng Công an phường Hòa Khánh Bắc trong một hội nghị phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nắm được tình tiết câu chuyện, cảm thông cho một khát vọng chính đáng của một công dân, Trung tá Nguyễn Xuân Cường đã quyết liệt chỉ đạo CSKV tập trung xác minh, mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Công an quận thống nhất giải quyết thủ tục đăng ký thường trú cho bà cụ với sự bảo lãnh của gia đình ông Trần Trung Sỹ.

Qua 3 tháng mày mò xác minh, bằng sự nỗ lực, tận tâm của Trung úy Nguyễn Viết Tùng, CSKV Quang Thành 3B, những mảnh ghép về nhân thân, lai lịch của cụ Trình dần được tái hiện… Và có lẽ rằng buổi sáng lún trưa của ngày trung tuần tháng 6 ấy, là ngày vui nhất, hạnh phúc nhất của những tháng ngày cuối cùng trong cuộc đời cụ Trình, khi cầm trên tay tờ giấy có ghi rõ dòng chữ “Công dân Nguyễn Thị Trình”… Những con số định danh mặc nhiên như cái mặc nhiên của tình thương và trách nhiệm cần có ở những người cán bộ có tâm, có tầm trong thời đại mới.

Cụ Trình không phải là trường hợp duy nhất. Mộc mạc, chân tình, Trung tá Nguyễn Xuân Cường tâm sự: “Mục đích của cải cách hành chính đó là cải cách cái nhìn, quan điểm và thái độ của người dân đối với nền hành chính công. Làm sao đó để xóa bỏ cái tư tưởng về khái niệm “hành chính thì hành là chính” trong dân… Muốn vậy từng cán bộ chiến sĩ đơn vị ngoài việc tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định các trường hợp đăng ký cư trú thì cũng phải tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn, rào cản về pháp lý để giải quyết cho những trường hợp đặc biệt nhất, vướng mắc nhất… Giúp dân một việc là đã gieo được một hạt mầm phúc đức cho mai sau”.

Công an phường Hòa Khánh Bắc thường xuyên tổ chức thu nhận hồ sơ căn cước cho người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại nhà.

Công an phường Hòa Khánh Bắc thường xuyên tổ chức thu nhận hồ sơ căn cước cho người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại nhà.

Trên tinh thần đó, đã có 12 trường hợp công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mấy chục năm không có giấy tờ tùy thân được cán bộ chiến sĩ Công an phường Hòa Khánh Bắc giải quyết, như trường hợp ông Lê Tiến Nam, bà Lưu Thị Bảy hay ông Văn Quý Sanh…

Đi sâu vào câu chuyện, tôi tìm đến tiếp xúc với bà Lưu Thị Bảy, một trường hợp bị thất lạc giấy tờ, sau 30 năm mới được nhập khẩu, có mã số định danh. Bà Bảy bộc bạch: “Mấy đêm rày tôi không thể chợp mắt được vì quá xúc động và vui mừng”.

Bà Bảy sinh ra và lớn lên tại Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Trước năm 1975, đây là chiến trường ác liệt, địch thường xuyên càn quét nên dân phải di chuyển chỗ ở nhiều nơi, giấy tờ tùy thân thất lạc. Sau giải phóng, sa vào cuộc mưu sinh, bà Bảy cũng không quan tâm đến việc làm lại giấy tờ. Lượm ve chai nay đây mai đó, mãi đến năm 2009 bà Bảy mới chuyển ra Đà Nẵng sống cùng người thân. Trong suốt quá trình đó vì không còn giấy tờ gốc nên không thể nhập khẩu hay làm được chứng minh nhân dân. Lúc trái gió, trở trời đau ốm cũng không có bảo hiểm y tế. “Nay được anh Cảnh sát khu vực tận tình giúp đỡ, giúp cho bản thân có được mã số định danh, hộ khẩu, tôi quá đổi vui mừng, không thể nào diễn tả được!”, bà Bảy cảm xúc như khi được gọi lên nhận giấy tờ.

Trên tinh thần “Sự hài lòng của người dân là thước đo cho tinh thần phục vụ nhân dân”, cán bộ chiến sĩ Công an phường Hòa Khánh Bắc đã nỗ lực gieo mầm hạnh phúc cho những ước vọng chính đáng…

Ngọc Tài

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/gieo-hanh-phuc-gat-nhan-tam-post298670.html