12 năm chiến đấu với căn bệnh Thalassemia để đến trường
Năm học 2024-2025, Huỳnh Linh Trân vào lớp 10, Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau). Cô nữ sinh có dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh này luôn vui vẻ, lạc quan và quyết tâm, nỗ lực duy trì thành tích khá giỏi trong học tập mặc dù suốt 12 năm qua em phải chiến đấu với căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) để thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi.
Cận kề năm học mới, chị Hồ Quý Nhi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nụ cười hồng, cùng các thành viên CLB đến nhà thăm Linh Trân (ở xã Hòa Thành, TP Cà Mau) và trao học bổng hỗ trợ của Tỉnh đoàn cho em (1 triệu đồng/quý) cùng quà bánh nhân tết Trung thu sắp đến.
Chị Nhi xúc động chia sẻ: “Tuy sức khỏe yếu nhưng Linh Trân luôn nỗ lực trong học tập, em còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở trường, sở hữu rất nhiều giấy khen. 2 năm qua, Chi bộ 2, Ðảng bộ Tỉnh đoàn, đã đồng hành cùng em đến trường, với kỳ vọng em sẽ vượt qua bệnh tật, thực hiện được ước mơ tri thức của mình”.
Nghị lực sống mãnh liệt...
Linh Trân là một trong số các hoàn cảnh đặc biệt được CLB Nụ cười hồng tiếp sức trong suốt 12 năm qua. Em cũng là nhân vật trên chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" của Báo Cà Mau tại thời điểm gia đình mới phát hiện em mắc bệnh Thalassemia phải truyền máu và thải sắt suốt đời để duy trì sự sống.
Chị Nhi nhớ như in cảm xúc lần đầu gặp cô bé Linh Trân vào năm 2013, khi đó Trân mới lên 5 tuổi, dáng người nhỏ bé, xanh xao, tình trạng sức khỏe suy yếu và em phải đến truyền máu tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau liên tục, đồng thời buộc phải thải sắt.
“Năm 2013 là năm khởi động chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện xuyên Việt (Hành trình đỏ) trên toàn quốc và được phát động tại Cà Mau. Như một cái duyên, tôi giới thiệu Linh Trân cho chương trình và em được hỗ trợ tích cực thời gian đó. Từ đó đến nay, CLB Nụ cười hồng luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho em. Sau 12 năm dõi theo hành trình điều trị căn bệnh nguy hiểm này, CLB Nụ cười hồng và gia đình trở nên thân thiết như người nhà. Rất mừng vì Linh Trân mạnh mẽ, vượt qua tất thảy nỗi đau đớn để đi đến ngày hôm nay, trở thành cô nữ sinh THPT lạc quan, yêu đời”, chị Nhi xúc động.
Hiện Linh Trân sống cùng ông bà ngoại, cha mẹ em vì lo trang trải cuộc sống và rất nhiều khoản chi phí điều trị căn bệnh quái ác nên phải tha hương làm việc. Ðiều ông bà ngoại em cảm thấy hạnh phúc nhất chính là được CLB Nụ cười hồng làm cầu nối kịp thời đến nhà hảo tâm gần xa, thường xuyên đến thăm, tặng quà với tình cảm ưu ái cho Linh Trân.
Bà Phan Thị Huỳnh, 75 tuổi, bà ngoại Linh Trân, bày tỏ: “Tôi rất biết ơn Báo Cà Mau đã nhiều lần viết bài kêu gọi hỗ trợ và động viên con bé thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật. Ðã có rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm thông qua bài viết tìm đến thăm hỏi, giúp đỡ cháu. Nếu không có tình yêu thương đó, gia đình chắc không gồng gánh nổi, đó cũng là sự tiếp sức lớn đối với cháu”.
“Không thể đếm nổi cháu đã bao lần truyền máu, thải sắt, chỉ biết khoảng từ 3-5 tuần là cháu phải lên Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh. Nếu dừng việc truyền máu, thải sắt, con bé sẽ nguy hiểm tính mạng. Cứ thế, 12 năm rồi, cháu đã trải qua rất nhiều lần đối mặt với những mũi kim kích vào tìm ven mạch máu, theo đó là những cơn đau đớn thấu da thịt, nhưng không dám khóc, con bé mạnh mẽ vượt qua hết. Song, cũng có lúc tôi tưởng cháu không qua được, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội không thể lên tuyến trên nhưng cháu vẫn kiên cường như một phép màu”, ông Võ Minh Quang, 74 tuổi, ông ngoại Linh Trân, bùi ngùi.
Theo lời kể của ông Quang, với tình hình sức khỏe của Linh Trân có thể xin miễn giảm một số môn học, nhưng em vẫn nỗ lực tham gia đầy đủ, rất ít khi em xin nghỉ. Nhiều lúc ở lớp mệt, thầy cô phải đưa về tận nhà, nhưng hôm sau em vẫn có mặt ở lớp vì sợ mất kiến thức.
Như minh chứng lời mình nói, ông Quang bảo Linh Trân soạn “bộ sưu tập” giấy khen 9 năm học vừa qua, trong đó có nhiều giấy khen về thành tích trong phong trào văn nghệ, học vượt trội các môn học, là học sinh khá, giỏi...
... Ðể chạm ước mơ
Nhìn cô trò nhỏ kiên cường và quá đỗi nghị lực, tôi hỏi: “Ðộng lực nào có thể khiến con luôn mạnh mẽ, lạc quan đến vậy?”. Linh Trân nở nụ cười, hướng mắt về phía ông bà ngoại, rồi bình thản khi chia sẻ về những tháng ngày vật lộn với căn bệnh tan máu bẩm sinh: “Ngày biết con mắc bệnh Thalassemia, một căn bệnh chưa từng nghe đến, ông bà ngoại và cha mẹ con đã rất buồn và xót thương con. Từ đó gia đình dần suy kiệt kinh tế. Cũng vì vậy mà con quyết tâm học tập thật tốt. Với con, được đến trường học là động lực và là mục tiêu lớn nhất của con. Con sẽ nỗ lực học tập để không phụ lòng gia đình và các cô chú mạnh thường quân, anh chị CLB Nụ cười hồng yêu thương, giúp đỡ con”.
Mắt đỏ hoe, ông Quang thổ lộ: “Suốt những năm tháng chống chọi với bệnh tật, cháu phải chứng kiến lần lượt từng người bạn, người em cùng điều trị với mình ra đi, trong đó có nhiều người do không thể truyền máu đúng hạn vì gia cảnh quá khó khăn... Mỗi đợt lên viện, lại có những tin buồn như vậy. Thế nhưng, con bé vẫn rất kiên cường. Ngay khi trở về là cắp sách đến trường cùng bạn bè, nên chỉ những người bạn thân mới biết cháu bệnh nặng vậy”.
Khi tâm sự về ước mơ tương lai, mắt Linh Trân sáng rực lên, em mỉm cười:
Là tình nguyện viên xuyên Việt của "Hành trình đỏ", với 38 lần sẻ chia giọt máu nóng yêu thương, chị Quý Nhi cho biết, các tình nguyện viên đã luôn tích cực tuyên truyền về căn bệnh này với mong muốn thêm nhiều số phận như Linh Trân được cứu sống, thêm nhiều ước mơ được nuôi dưỡng, và thông điệp chia sẻ sự sống với những bệnh nhân Thalassemia đang được nỗ lực lan truyền trong cộng đồng.
Thalassemia(tan máu bẩm sinh) là một trong những bệnh lý bẩm sinh phổ biến, liên quan đến tổng hợp hemoglobin trong máu. Bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng thiếu máu và thừa sắt ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, để điều trị sẽ cần truyền máu và dùng thuốc thải sắt liên tục suốt đời. Do vậy, chi phí điều trị bệnh Thalassemia rất lớn để duy trì sự sống cho người bệnh. Ðể có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nhiều cặp vợ chồng đã đi khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn và mang thai nhằm kịp thời phát hiện ra gen bệnh.