Gieo hạt giống trách nhiệm và yêu thương vào tâm hồn trẻ nhỏ
Chương trình trải nghiệm hè đầu tiên tại Việt Nam đưa thiếu nhi khám phá nông nghiệp bền vững đã chính thức khởi động tại tỉnh Đồng Tháp - vùng đất của lúa, sen, nông sản đồng bằng, di sản nông thôn và những câu chuyện nông nghiệp sinh thái tiêu biểu.
Hạt gạo tương lai
Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Dự án "Đọc sách cùng xích lô", Tỉnh Đoàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Kỳ hè Nông nghiệp xanh - Hành trình Hạt gạo tương lai”.
Chương trình diễn ra từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2025 tại tỉnh Đồng Tháp - vùng đất giàu truyền thống nông nghiệp, nổi tiếng với lúa, sen, nông sản, di sản nông thôn và những mô hình nông nghiệp sinh thái tiêu biểu. Đây là chương trình giáo dục trải nghiệm thí điểm lần đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh từ 9 - 15 tuổi do Hội đồng Đội T.Ư đăng cai tổ chức.
Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, mỗi mùa hè là một hành trình trải nghiệm để các em thiếu nhi trưởng thành hơn. Và năm nay, hành trình ấy đã in dấu từ cánh đồng, nơi hạt gạo được gieo bằng tình yêu với đất và khát vọng về một tương lai xanh của đất nước.
Mỗi hạt gạo là kết tinh của đất, nước, nắng, phù sa và cả tấm lòng với bao công sức của những người nông dân. Nhưng để hạt gạo Việt Nam thực sự vươn xa, không chỉ cần những cánh đồng trĩu hạt, mà cần một thế hệ trẻ hiểu, yêu và biết trân trọng giá trị của ruộng đồng.
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, chương trình “Kỳ hè Nông nghiệp xanh - Hành trình Hạt gạo tương lai” được tổ chức là một hoạt động giáo dục nền tảng, gieo mầm từ nhận thức hôm nay tới hành động bền vững của ngày mai.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, đồng khởi xướng và truyền cảm hứng cho chương trình.
Gieo hạt giống trách nhiệm và yêu thương vào tâm hồn trẻ nhỏ
Qua chương trình, các em thiếu nhi không chỉ được “đi thực tế” mà còn được “sống giữa thiên nhiên”, tham gia canh tác thử nghiệm mô hình lúa - sen - cá - tôm; khám phá hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và hòa mình vào không gian văn hóa nông thôn.
"Kỳ hè Nông nghiệp xanh không chỉ là một hoạt động trải nghiệm, mà là bước đầu trong hành trình hình thành những công dân xanh biết yêu cây lúa, trân trọng hạt gạo, biết ơn người nông dân, biết giữ gìn môi trường và trân quý nghề nông. Đây là cách chúng ta gieo những hạt giống trách nhiệm và yêu thương vào tâm hồn trẻ nhỏ”, Chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết.
Với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục kỹ năng nông nghiệp xanh từ Dự án Đọc sách cùng Xích Lô và Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Đồng Tháp, giúp học sinh vừa học tập lý thuyết qua sách hay về nông nghiệp, môi trường và kỹ năng sống, vừa thực hành tương tác thực địa. Mỗi em sẽ được phát sổ tay hành trình “Hè du ký cùng Xích Lô” để ghi chép, phản hồi, sáng tạo nội dung dưới sự hướng dẫn của nhân vật Sếu đầu đỏ và trở thành "đại sứ nông nghiệp xanh nhí".
Hành trình bao gồm các chặng qua các mô hình tiêu biểu: Từ Gò Tháp - di sản lúa cổ, đến Tràm Chim - hệ sinh thái nước nổi tiêu biểu, HTX Giống Định An - nơi sáng tạo và gìn giữ giống lúa Việt chất lượng cao, giảm phát thải, đến di sản văn hóa làng nghề truyền thống - Làng bột Sa Đéc và nhà máy Cỏ May Sa Đéc đạt chuẩn quốc tế. Tại mỗi điểm đến, các em được học cách gieo trồng thuận thiên, hiểu giá trị của từng hạt gạo, rèn kỹ năng sống xanh.
Sau chương trình thí điểm tại tỉnh Đồng Tháp, Hội đồng Đội Trung ương sẽ đánh giá, tổng kết và hoàn thiện mô hình hoàn toàn mới này để nhân rộng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, mỗi mùa hè là một hành trình trải nghiệm để các em thiếu nhi trưởng thành hơn. Và năm nay, hành trình ấy đã in dấu từ cánh đồng, nơi hạt gạo được gieo bằng tình yêu với đất và khát vọng về một tương lai xanh của đất nước.

Chương trình trải nghiệm hè đầu tiên tại Việt Nam đưa thiếu nhi khám phá nông nghiệp bền vững đã chính thức khởi động tại tỉnh Đồng Tháp.
Là địa phương đăng cai thực hiện chương trình thí điểm Ông Lê Hà Luân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Môi trường Đồng Tháp cho biết: “Nông nghiệp bền vững không thể chỉ bắt đầu từ nhà khoa học hay người nông dân, mà phải bắt đầu từ trong ý thức của thế hệ kế tiếp. Đồng Tháp tự hào là nơi đề xuất sáng kiến, được chọn thí điểm, đồng hành cùng chương trình lần này, không chỉ để giới thiệu mô hình canh tác xanh của địa phương, mà còn để gieo mầm những công dân tương lai yêu đất, hiểu lúa và trân trọng môi trường sống. Đây cũng là dịp để chúng tôi gắn kết giáo dục và sản xuất, văn hóa và nông nghiệp thành một hành trình thống nhất”.

Ông Lê Hà Luân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Môi trường Đồng Tháp.
Các chặng nội dung của hành trình
Chặng 1 - Khám phá di sản lúa Việt tại Gò Tháp, học từ dấu tích - gieo vào tương lai: Giữa lòng Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, thiếu nhi sẽ bước vào hành trình ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử cây lúa Việt qua những dấu tích của nền văn minh Óc Eo – một trong những cái nôi của lúa nước Đông Nam Á.
Chặng 2 - Trải nghiệm hệ sinh thái lúa mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim: Hành trình khám phá thiên nhiên - Học làm nông dân giữa đất trời nước nổi: Nằm trong chặng 2 của chương trình “Kỳ hè nông nghiệp xanh - Hành trình Hạt gạo Tương lai”, Vườn Quốc gia Tràm Chim là điểm đến độc đáo nơi các bạn nhỏ được hòa mình vào hệ sinh thái ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, nơi mà con người và thiên nhiên cộng sinh hài hòa trong chu trình canh tác thuận thiên.
Chặng 3 - Gieo hạt tương lai tại HTX Giống Định An: Gặp gỡ người giữ giống, Gieo ước mơ giữa cánh đồng: Tại Hợp tác xã Giống Định An, nơi nổi tiếng với các giống lúa chất lượng cao và mô hình canh tác thuận thiên, các bạn nhỏ sẽ có cơ hội gặp gỡ “Nhà khoa học của nông dân” - bác Nguyễn Anh Dũng, người dành trọn đời để chọn giống, gìn giữ bản sắc lúa Việt và hướng tới nền nông nghiệp tử tế.
Chặng 4 - Gạo và Di sản nông thôn: Khám phá văn hóa làng nghề – Từ hồn gạo đến hồn ẩm thực: Làng Bột Sa Đéc - nơi có hơn 100 năm làm nghề bột truyền thống, học sinh sẽ được trải nghiệm chuỗi giá trị từ hạt gạo đến bữa ăn quê nhà, đồng thời tìm hiểu các sáng tạo ẩm thực và văn hóa gắn liền với cây lúa. Đặc biệt là bánh dân gian và hủ tiếu Sa Đéc trứ danh.
Chặng 5 - Hạt gạo tương lai, vươn tầm quốc tế tại Sa Đéc: Từ ruộng đồng đến thị trường quốc tế - Gieo giấc mơ nông sản Việt: Hành trình khép lại tại Nhà máy xanh xay xát lúa gạo Sa Đéc, nơi hội tụ công nghệ hiện đại và triết lý sản xuất xanh, là bước cuối để học sinh nhìn thấy quá trình đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới.