Gieo hạt tử tế
'Cơn bão' Covid-19 vẫn không ngừng 'càn quét', phủ bóng đen u ám lên toàn cầu. Giữa lúc ấy, những câu chuyện về sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn giống như cơn mưa tưới mát cho mặt đất cằn khô, tiếp thêm niềm tin để nhân loại vượt qua đại dịch.
Hiện không phải là Giáng sinh, thế nhưng ở một khu phố của thành phố Lisbon, bang Iowa (Mỹ), người ta lại thấy một cái cây treo nhiều món quà đầy màu sắc trông không khác gì cây thông Noel. Những món quà ấy là những chiếc khẩu trang do một người phụ nữ tên Deb Siggins tự làm ra. Nhằm chung tay giúp đối phó với tình trạng thiếu hụt khẩu trang nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội thời Covid-19, bà Deb Siggins đã may hàng trăm chiếc khẩu trang vải với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, sau đó treo lên một cái cây gần nhà và thông báo trên mạng xã hội Facebook để ai cần thì đến lấy. Số khẩu trang được treo trên cây thường hết sạch chỉ trong một ngày nên bà Deb Siggins phải liên tục may thêm. Người phụ nữ 55 tuổi còn may khẩu trang tặng các nhân viên y tế, lính cứu hỏa, bệnh nhân cao tuổi... “Tôi là một người cho đi và không nhận lại. Tôi luôn hạnh phúc khi giúp đỡ mọi người”, bà Deb Siggins chia sẻ trên CNN.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhóm tình nguyện mang tên Critical NHS tại thủ đô London (Anh) do vợ chồng ông Niall Barret và bà Janneke Diemel đứng đầu đã lập một dịch vụ vận chuyển các bữa ăn miễn phí cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Nhóm Critical NHS nhận thức ăn từ các mạnh thường quân địa phương và trao tận tay các y sĩ, bác sĩ tại Bệnh viện St George ở phía nam thủ đô London 3 lần mỗi ngày. “Không chỉ có thức ăn, chúng tôi còn được tặng cả thiết bị bảo hộ cá nhân, bút đánh dấu, biển tên và cả radio. Thức ăn, radio và biển tên-những thứ nhỏ bé này đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn”, Reuters dẫn lời nữ y tá Anthea Allen của Bệnh viện St George bày tỏ.
Virus SARS-CoV-2 không phân biệt giàu nghèo. Cuộc sống của không ít người dân châu Phi vốn đã khó khăn nay lại thêm cơ cực vì Covid-19. Nhiều người dân ở những khu vực xa xôi của “lục địa đen” đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch. Cũng chính trong thời khắc khốn khó ấy, phi công kỳ cựu Menno Parsons đã khởi xướng thành lập đội bay The Covid Flight, tập hợp một số phi công tự do, trong đó vài người sở hữu trực thăng riêng, với sứ mệnh chuyên chở miễn phí hàng cứu trợ khẩn cấp đến các khu vực vùng sâu, vùng xa của đất nước Nam Phi. Chỉ sau một tuần kể từ khi chuyến bay đầu tiên cất cánh, đội bay The Covid Flight đã đưa hàng chục tấn hàng cứu trợ đến nhiều địa chỉ khác nhau ở Nam Phi. Không chỉ có các tổ chức từ thiện, The Covid Flight còn nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ trang trại và hộ nông dân-những người sẵn sàng chia sẻ các nông sản tốt nhất do mình làm ra với người dân đang túng thiếu. “Tôi rất vui khi thấy cộng đồng chung tay đóng góp cho những chuyến hàng từ thiện”, ông Menno Parsons chia sẻ trên tờ The Sunday Times.
Cũng không cần phải nói đâu xa, những ngày vừa qua, cây “ATM gạo” tại Việt Nam đã “gây bão” với dư luận quốc tế. “Một chiếc máy phát gạo miễn phí nghe có vẻ khó tin. Thế nhưng những cây “ATM gạo” đã xuất hiện khắp Việt Nam để giúp đỡ người khó khăn trong đại dịch Covid-19”, CNN viết. Bình luận bài viết của tờ The Straits Times trên mạng xã hội Facebook, tài khoản người dùng có tên Dele Lux đã nhận xét: “Việt Nam không phải là đất nước phát triển nhất thế giới nhưng chắc chắn là một trong những đất nước nhân ái nhất”. Và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác về tinh thần "tương thân tương ái" của người dân Việt Nam giữa đại dịch. Đó là hàng loạt điểm phát thực phẩm miễn phí cùng lời nhắn nhủ ấm áp: “Nếu khó khăn, xin cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Đó là những món ngon từ “bếp nhà”, những ly cà phê nóng, những chai nước cam tặng các y sĩ, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch...
Người ta vẫn thường nói tới chuyện cổ tích giữa đời thường nhưng không phải ai cũng để ý rằng, phép màu lại được tạo nên từ những việc làm nhỏ, những con người rất đỗi bình thường. Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không có nghĩa là ngừng yêu thương. Sự tử tế, dù nhỏ thế nào, cũng không bao giờ là lãng phí bởi gieo đi một hạt tử tế, nhận về một rừng cây hạnh phúc. Những câu chuyện về sự sẻ chia trong thời điểm dịch bệnh cam go giúp ta tin rằng, lòng tốt chẳng phải là một vài đốm sáng lóe lên đâu đó trong âm u mà thật sự là một nguồn mạch không dứt kết nối nhiều trái tim xung quanh mình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/gieo-hat-tu-te-616292