'Gieo' luật giữa mây xanh
Tôi đã từng đi dọc dài biên giới, qua nhiều vùng đất cam khó bậc nhất Việt Nam, đã từng theo chân nhiều đoàn cán bộ Tòa án đi xét xử lưu động ở những xã, bản vùng cao. Ở những nơi xa xôi, cách trở, nhọc nhằn như thế, tôi đều thấy sáng lên cái tình của những người cán bộ Tòa án. Dẫu còn nhiều thiếu khó, họ vẫn cố gắng mỗi tuần, mỗi tháng kì cụi 'cõng' phiên tòa về bản để những mong hạt 'luật' sẽ nảy mầm giữa mây xanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
Cách đây ít lâu, tôi đã từng có dịp được cùng đoàn cán bộ của TAND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, đi xét xử lưu động tại một số xã vùng cao trong huyện. Ở đó, bà con đa số là người dân tộc Thái, Mông đời đời kiếp kiếp sống giữa biển núi cao và mây mù đặc quánh. Có những xã vùng sâu, vùng xa mà đồng bào ở đây nhiều người từ lúc sinh ra, lớn lên rồi chết đi vẫn chưa hề bước qua đỉnh núi trước nhà, chưa hề biết mặt chiếc ti vi. Tuy chỉ cách trung tâm huyện náo nức ngoài kia có vài mươi cây số, nhưng thế giới mà họ đang sống nó buồn tẻ và hoang biệt đến tội tình. Bên bờ suối Nậm Ngam, nhà sàn đìu hiu nép giữa hoang vu, giữa tiêu điều xóm núi.
Xa xôi, cách trở là thế, đến “đường nhựa còn không bò vào bản được”, vậy mà trong khoảng 20 năm trở lại đây, đã có quá nhiều người ở cái huyện xa xôi, khuất nẻo của tỉnh Điện Biên này bị “con ma túy, HIV “bò” vào đem đi mất”. Khi đặt chân lên bất cứ bản làng nào, người ta cũng có thể bắt gặp vô số những gia đình, những phận đời bầm dập vì ma túy.
Đại họa ma túy, nó như “cơn gió độc” cuốn đi toàn những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám đôi mươi, vâm vam, sức vóc. Mà ma túy nó lại là “cây cầu ma quái” dẫn dụ con người ta đến với tử thần. Thật khó để thống kê hết được có bao nhiêu người nghiện, dùng chung kim tiêm, rồi dính “ết”, rồi “giã biệt đường trần” ra nằm bên lối đá hoang vu.
Nghiện – dính “ết” – rồi chờ chết, cái “vòng luân hồi chết chóc” ấy đã hủy hoại quá nhiều mái đầu xanh ở nơi này, đẩy nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh: Mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ con côi cút như đá cuội.
Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông Lương Tiến Phương bảo, muốn ngăn được đại họa ma túy, HIV/AIDS, không cho nó tiếp tục tàn phá các bản làng, trước hết phải ngăn chặn, đẩy lùi được tội phạm và các tệ nạn về ma túy, kiểm soát và kiềm chế được số người mắc nghiện. Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào. Thế nên, việc đưa các vụ án ma túy về những nơi thâm sơn cùng cốc như thế để xét xử lưu động là vô cùng quan trọng. Bởi, những phiên tòa ấy sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của những sơn dân nơi rừng thẳm.
Trước hôm xét xử, tôi cùng với anh em trong đoàn công tác đã phải mang toàn bộ những trang thiết bị như bục xét xử, loa đài, biển bảng vượt hàng chục cây số đường rừng để vào UBND xã Pú Nhi, một trong những điểm nóng của không chỉ Điện Biên mà còn của cả nước về ma túy. Đường bò ngoằn ngoèo bên sườn núi, thăm thẳm một bên là vực, bên kia là dốc đá dựng trời. Vào đến nơi, chuẩn bị xong hội trường xét xử, ai nấy đều chân tay người ngợm rã rời.
“Đây là còn mượn được Hội trường của UBND xã, chứ nhiều khi vì nhiệm vụ, anh em phải “cõng” cả phiên tòa vào bản. Băng rôn, phông bạt, khẩu hiệu cuộn lại, vài anh cán bộ trẻ vác qua rừng qua núi rồi kiếm một bãi đất trống, sau đó mới đào hố, chôn cột dựng lên thành “Hội trường xét xử”. Hôm nào trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ nếu lỡ giông gió bất kỳ thì sự khó khăn, vất vả chả văn bút nào tả xiết”, Thẩm phán Lương Tiến Phương chia sẻ.
Hôm diễn ra phiên tòa, ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân kéo đến sân ủy ban để chờ xem “pháp luật trừng trị đứa buôn ma túy thế nào”. Trong suốt quá trình xét xử, HĐXX liên tục phải giảng giải, phổ biến cho bị cáo và đồng bào những kiến thức về pháp luật như: Buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thì vi phạm pháp luật ra sao, và sẽ bị trừng phạt như thế nào. Đến ngay cả cái chuyện động viên, khuyên nhủ đồng bào từ bỏ tập tục trồng cây thuốc phiện, chủ tọa phiên tòa cũng phải khéo léo lồng ghép vào quá trình xét xử để cho mọi người dễ nghe, dễ hiểu.
Anh Phương chia sẻ, để tổ chức được một phiên xét xử lưu động, anh em trong Tòa án huyện phải bỏ ra rất nhiều công sức. Trước hết phải họp với các cơ quan ban ngành trong huyện như VKS, Công an để thống nhất về lịch xét xử, địa điểm xét xử và các phương án chuyên chở bị cáo, bảo vệ phiên tòa.
Thông thường, trước ngày diễn ra phiên tòa, cán bộ Tòa án phải vào tận xã để làm việc với chính quyền, chuẩn bị hội trường xét xử. Sau đó, họ lại phải phối kết hợp với các cán bộ thôn, bản ở xã đó đi tuyên truyền, vận động đồng bào đến tham dự. Do đặc thù dân cư thưa thớt, sống rải rác trên các triền núi cao nên nhiều khi để mang thông tin về phiên xét xử đến với đồng bào, các cán bộ phải đi bộ đến vài ngày.
Xua tan u mê, lầm lạc
Không chỉ Điện Biên, mà hầu khắp các tỉnh, các huyện, các tỉnh miền núi phía Bắc đều gặp phải những khó khăn tương tự. Thế nhưng, để những mong góp phần xóa đi những tập tục, lề thói cổ hủ đã ngâm tẩm đồng bào từ đời này sang đời khác, các đơn vị Tòa án vẫn đã và đang cố gắng mỗi tuần, mỗi tháng kì cụi “cõng” phiên tòa về tận bản.
“Đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Hòa Bình nói riêng, phần lớn là dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp quá nhiều khó khăn. Từ đời ông, đời cha, rồi đến đời họ phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng. Nhìn những thiếu nữ mới 15, 16 tuổi đã con bồng con bế, đứa nào đứa nấy đều gầy gò, đen đúa, cóc cáy như nhau vì đói rạc đói rày; nhìn những thanh niên người Mông, người Mường, người Thái vì thiếu hiểu biết mà đổ đời vào ma túy thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức” họ chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc mãi như thế hay sao?”, Thẩm phán Lò Văn Dần, nguyên Chánh án TAND huyện Mai Châu, Hòa Bình đã từng trải lòng với tôi như thế.
Và quả thật, cũng chính vì cái khát vọng muốn “đánh thức”, muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu, u tối, mê muội từ thưở hồng hoang của đồng bào mà đôi khi các cán bộ tòa án phải “cõng” loa đài, phông bạt đi nhiều chục, thậm chí nhiều trăm cây số đường “rừng núi toàn tòng” để tổ chức những phiên tòa lưu động. Bởi, những phiên tòa như thế sẽ góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức, “xóa mù pháp luật” cho đồng bào. Đường rừng quá xa, nhiều đoạn đi cứ như khỉ trên vách núi, chỉ cần sơ sểnh một chút là có khi phải trả giá bằng mạng sống. Thế nhưng, năm này qua năm khác, những người cán bộ Tòa án vùng cao vẫn miệt mài đi mãi về những miền heo hút.
“Ở những điểm nóng về ma túy của Mai Châu, có những gia đình ba bốn đời nối nhau nghiện; có những bà mẹ mang nặng đẻ đau ngót nghét chục lần, rồi kỳ cụi, sấp ngửa, lần hồi nuôi con trong bóng tối. Đến khi chúng vừa mới thấc lên một chút thì nhất loạt cuồng quẫy lao vào ma túy để rồi thằng dựa cột, đứa nghiện phơ phếch, vật vờ như những bóng ma. “Lá xanh” cứ lặng lẽ rụng trước “lá vàng”. Có gia đình chồng lây nhiễm HIV do tiêm chích, rồi trước khi thành người thiên cổ cũng kịp mang con vi rút chết người ấy về hồn nhiên gieo lên đủ khắp vợ con. Hầu như năm nào, chúng tôi cũng phải đưa các phiên tòa ma túy về những điểm nóng đó để xét xử. Bởi, những phiên tòa ấy sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào về ma túy”, Thẩm phán Lò Văn Dần tâm sự.
Nguyên Chánh án TAND tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Lụa cũng đã từng chia sẻ rằng, suốt mấy chục năm công tác trong ngành Tòa án, điều chị cảm thấy trăn trở và đau xót nhất chính là sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào. Nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất nhỏ nhặt và vụn vặt. Vợ giận chồng mải rượu, vặt nắm lá ngón về sắc lên cho chồng uống để trả thù.
Hoặc có trường hợp một cô vợ sau khi nghe lời ngon ngọt của bọn buôn người về một thế giới giàu sang, hào nhoáng phía bên kia biên giới, thị liền về nhà ủ mưu giết chồng cho kỳ được để rảnh rang sang nước bạn làm dâu. Những bữa ăn không mèn mén, những váy áo xênh xang đâu chả thấy, chồng chết, thị đi tù, mấy đứa con dại bơ vơ.
Hoặc có những anh chàng nghi hàng xóm nhà mình là ma chò, ma chài, hay bỏ bùa, bỏ bả làm cho gà, lợn nhà anh ta ốm đau, chết yểu. Mối hoài nghi ấy ngày càng lớn, cho đến một đêm mưa gió, sấm chớp ì oàng, anh ta đã vác súng kíp dí thẳng vào đầu hàng xóm rồi bóp cò...
“Việc tổ chức các phiên tòa lưu động để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng để góp phần xóa đi những phong tục, tập quán, những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào từ thuở hồng hoang là chuyện phải làm. Có như thế, núi cao rừng thẳm mới bớt đi những vụ án đau lòng”, chị Lụa khẳng định.
Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những người cán bộ Tòa án nói chung và cán bộ Tòa án vùng cao nói riêng đã phải vượt qua. Chỉ biết rằng, để cho hạt “luật” nảy mầm giữa mây xanh, họ đã phải bỏ ra rất nhiều mồ hôi và công sức.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/xa-hoi/doi-song/gieo-luat-giua-may-xanh-500978.html