Gieo mầm - Bài 3: Xứng danh 'Bộ đội Cụ Hồ'
Gieo mầm - Bài 1: 'Gieo mầm' trên vùng quê mới
Gieo mầm - Bài 2: Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”
LCĐT - Mặc dù trời vẫn mưa tầm tã nhưng chúng tôi vẫn “hô” nhau đi Xuân Hòa (Bảo Yên - Lào Cai) để gặp ông Lô Văn Tính, dân tộc Tày, ở bản Mai Hạ. Thật tình thì trước đó, chúng tôi đã nắm được khái quát “trích ngang” của ông và biết ông là người rất… ghét những ai sai hẹn, không giữ lời hứa.
Anh Đông, con trai ông đón chúng tôi ngay đầu hiên nhà và bảo: Đáng lẽ sáng nay ông lên rừng lấy lá thuốc cho mấy khách hàng đặt từ trước, nhưng thấy nói các anh đến nên ông ở nhà!
Tôi nghe nhầm chăng? Một người sinh năm 1931, tức là năm nay ngót 90 tuổi mà vẫn lên rừng lấy thuốc?
Trong khoảng sân rộng với căn nhà gỗ khang trang, sạch sẽ, ông Tính trong trang phục chỉnh tề đón chúng tôi. Chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy ông vẫn rất khỏe mạnh, lời nói, tác phong dứt khoát - những đặc điểm của người đàn ông vùng cao, lại còn từng tham gia quân đội. ông cười: Chỉ cần ăn ngủ, sinh hoạt điều độ, đặc biệt là luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời là khỏe thôi!
Câu chuyện rôm rả và qua đó, chúng tôi được biết ông nhập ngũ khi mới 16 tuổi (ông phải “khai gian” tuổi để được đi bộ đội) và 3 năm sau, tức là năm 1950, khi 19 tuổi, ông được kết nạp Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang). ông đã trực tiếp tham gia nhiều chiến trường trọng điểm trong kháng chiến chống Pháp như Chiến dịch Sông Lô, Phố Ràng, rồi Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm nhiệm đến chức vụ Trung đội trưởng E165 F312. Đầu năm 1954, ông bị thương tại Điện Biên Phủ, lạc đồng đội, lạc đơn vị khiến mọi người tưởng ông hy sinh nên đã làm giấy báo tử gửi về địa phương…
Năm 1955, ông Tính - thương binh hạng 2/4 - xuất ngũ, trở về địa phương sinh sống cho tới nay.
Trở về quê hương, khi đó là xã Xuân Kỳ, sau là xã Vĩnh Thượng (gồm 3 xã Xuân Thượng, Vĩnh Yên, Xuân Hòa thuộc huyện Bảo Yên hiện nay), ông tích cực tham gia công tác, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị ở xã như phụ trách lớp bình dân học vụ, Ban Thương binh - Xã hội, Trưởng Công an, Chủ tịch Ủy ban rồi Bí thư Đảng ủy xã. Năm 1987, ông nghỉ hưu…
Nhớ lại những năm mới xuất ngũ, ông bảo: Tuy ta đã thắng Pháp nhưng không khí thời chiến vẫn bao trùm, nhiều hoạt động ở địa phương vẫn phải bí mật vì địch với tay sai còn lẩn quất, chống phá. Năm 1955, cả xã chỉ có 4 đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ Xuân Thượng. Kết nạp đảng viên thời ấy khó lắm, thậm chí phải “ngấm ngầm” phát hiện, “ngấm ngầm” giao nhiệm vụ, thử thách. Quần chúng một lòng quyết tâm phấn đấu vào Đảng nhưng nhiều lúc không dám bộc lộ công khai. Xuân Hòa khi đó là căn cứ cách mạng - địa điểm bộ đội tập kết; địa phương lại phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, do đó cần xây dựng, củng cố địa bàn thật vững chắc và muốn vậy, tổ chức Đảng phải đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với vai trò là đảng viên “cốt cán” của chi bộ, ông đã cùng chi bộ kiên trì tìm nguồn quần chúng ưu tú qua các hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương để bồi dưỡng, giáo dục và giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
“Riêng tôi đã trực tiếp giúp đỡ, giới thiệu kết nạp hơn 20 đảng viên ở các xã trong vùng như Yên Sơn, Điện Quan, Thượng Hà, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Dương, Xuân Thượng, Xuân Hòa… Không ít lễ kết nạp Đảng phải diễn ra trong bí mật” - ông Tính kể.
Nhờ nỗ lực của ông Tính và tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng cũng như các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương được củng cố, phát triển, góp phần vào thắng lợi chung.
Động lực để ông Tính luôn nỗ lực hết mình, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao chính là bản thân kế thừa lòng yêu nước, niềm tin son sắt vào Đảng của cha - người đã đặt nền móng cho truyền thống cách mạng của gia đình ông, đó là cụ Lô Văn Mán. Cụ Lô Văn Mán sinh năm 1900, sớm tham gia cách mạng và năm 1947 được Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái (khi đó xã Xuân Kỳ thuộc huyện Bảo Yên, tỉnh Yên Bái) tặng Bằng khen “Để ghi công giúp Chính phủ tiễu trừ thổ phỉ và tề”. ông Tính cũng được nhận nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, trong đó có Huân chương Chiến sỹ hạng Ba (tháng 5/1954), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (tháng 7/1986). Vợ ông là bà Long Thị Cún cũng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1949 đến năm 1954. Vợ chồng ông sinh hạ được 10 người con, trong đó có 4 người được kết nạp Đảng, có người công tác trong ngành công an…
Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông Tính và gia đình luôn phát huy truyền thống, gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức đảng nơi cư trú vẫn thường xin ý kiến ông để xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. “Mình vẫn nói với các đồng chí rằng, trước kia khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là thế mà Đảng không ngừng lớn mạnh. Nay chúng ta được đường đường chính chính hoạt động thì càng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, phục vụ nhân dân tốt hơn nữa” - ông Tính nói.
Không phụ niềm tin, kỳ vọng của các bậc tiền bối như ông Lô Xuân Tính, những người góp phần gieo những “hạt giống đỏ” ở địa phương, các xã ở Bảo Yên đều đã thành lập được đảng bộ; 100% thôn, bản có đảng viên và chi bộ, thực hiện đúng phương châm: Ở đâu có dân, ở đó có tổ chức Đảng!