'Gieo mầm' tình yêu âm nhạc cổ điển trong cộng đồng
'VYO Grand concert 2023' diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 3-12 tới đây sẽ đánh dấu mốc trưởng thành của dàn nhạc giao hưởng trẻ đa quốc tịch đầu tiên của Việt Nam - VYO, sau một năm ra mắt.
Đêm nhạc cũng tiếp nối hành trình “gieo mầm” và nuôi dưỡng những “hạt giống” yêu thích âm nhạc cổ điển trong công chúng, cổ vũ các dự án sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Sứ mệnh truyền cảm hứng
Với mong muốn đóng góp những dự án nghệ thuật cho Hà Nội - Thành phố sáng tạo được UNESCO ghi danh vào năm 2019, Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Orchestra - VYO) ra đời vào mùa xuân năm 2022, với sự hợp tác của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cùng nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc là nhạc trưởng đầu tiên.
“Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam là một dàn nhạc sáng tạo và cởi mở, ấp ủ sứ mệnh truyền cảm hứng cho người trẻ xây dựng mối quan hệ lâu dài với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển. Qua việc tổ chức những buổi tập luyện, chương trình biểu diễn và các trải nghiệm giáo dục theo một lộ trình cụ thể, VYO đã, đang và tiếp tục hiện thực hóa sứ mệnh này với mong ước kiến tạo một “gia đình âm nhạc” hồn hậu, ấm áp ở Thủ đô, một chốn ươm dưỡng tâm hồn và sẽ luôn được nhớ đến để trở về” - nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc chia sẻ.
VYO quy tụ hơn 70 bạn trẻ từ 12 - 22 tuổi, mang các quốc tịch khác nhau như Việt Nam, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt - Anh..., đều là những người cùng yêu thích và có khả năng chơi nhạc cổ điển. Hơn một năm qua, cứ sáng chủ nhật hằng tuần, các thành viên của dàn nhạc có mặt tại khán phòng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hăng say luyện tập dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và tài năng hàng đầu của âm nhạc cổ điển nước nhà.
Với niềm đam mê trumpet và sự háo hức được chơi trong một dàn nhạc giao hưởng với các bạn cùng trang lứa, từ một năm nay, đều đặn vào mỗi sáng chủ nhật, hai chị em Nguyễn Ngọc Thùy Trang (11 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thi Thư (14 tuổi) lại vượt 50 cây số từ Hòa Bình đến Hà Nội để tham gia VYO.
“Em thấy tập cùng dàn nhạc giao hưởng khác rất nhiều so với tự tập ở nhà, mới mẻ và vui hơn. Ở đây, em tham gia biểu diễn hòa nhạc cộng đồng cùng các thành viên trong dàn nhạc, tiếp xúc với khán giả và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình. Các bạn ở quê em không được tiếp cận nhiều với nhạc cổ điển, nên em ước mơ mình có thể mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với bạn bè và những người xung quanh em” - Nguyễn Ngọc Thi Thư bày tỏ.
Tham gia cố vấn nghệ thuật cho Học viện Âm nhạc VYMI (đơn vị tổ chức và vận hành VYO), nhạc trưởng Honna Tetsuji - Giám đốc âm nhạc, chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhận định, tình bạn và sự kết nối trong âm nhạc của các thành viên VYO tạo nên tính đa dạng về màu sắc, cá tính, góc nhìn cho thế giới âm nhạc cổ điển, và đặc biệt là mang lại đời sống văn hóa, âm nhạc phong phú cho mỗi thành viên trong dàn nhạc.
“Tinh thần và phong cách sống gắn bó với nghệ thuật của các bạn trẻ VYO sẽ dần được lan tỏa tới bạn bè và người thân, từ đó góp phần ghi dấu và tạo thói quen thưởng thức âm nhạc trong đời sống cộng đồng. Điều này sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa thông qua những buổi hòa nhạc của VYO tại các địa điểm công cộng. Tôi cho rằng, VYO và chuỗi hòa nhạc cộng đồng của họ đã và đang góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những thành phố âm nhạc xứng tầm” - vị nhạc trưởng tài ba người Nhật dành lời khen cho hoạt động của VYO.
Chuyến thưởng ngoạn âm nhạc cổ điển độc đáo
Như nhạc trưởng Honna Tetsuji đã nói, không dừng lại ở cộng đồng yêu âm nhạc cổ điển, nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc cùng dàn nhạc trẻ đa quốc tịch VYO đã lan rộng những giá trị văn hóa thế giới và đưa những tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới đến gần hơn với công chúng Thủ đô thông qua chuỗi hòa nhạc cộng đồng suốt từ khi ra mắt tới nay.
Sau buổi biểu diễn đầu tiên có tên “VYO Grand Concert” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 9-2022, VYO còn dừng chân tại nhiều địa điểm công cộng sáng tạo của Thủ đô, như Không gian xanh (phố Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng), không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, hay ở không gian phố cổ 22 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm)... Buổi biểu diễn nào của họ cũng nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của khán giả, là trải nghiệm âm nhạc khó phai trong lòng công chúng.
“Tôi tin rằng, việc VYO xuất hiện và chơi nhạc ở thật nhiều nơi, cả địa điểm công cộng lẫn những khán phòng lớn, đã đưa âm nhạc cổ điển tới gần khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, tạo hiệu ứng tích cực rất lớn cho cộng đồng” - nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc bày tỏ.
Tiếp nối hành trình tràn đầy cảm hứng dành cho cộng đồng đó, chương trình hòa nhạc cuối năm của VYO mang tên “VYO Grand Concert 2023” tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội là chuyến thưởng ngoạn âm nhạc cổ điển độc đáo, hấp dẫn và giàu tính trải nghiệm. VYO sẽ biểu diễn 6 tác phẩm: “Pomp and Circumstance March No.1” (Edward Elgar), “Capriol Suite” (Peter Warlock), “English Folk Song Suite” (R.Vaughan Williams), “Rhapsody for Orchestra” (Yuzo Toyama), “Thiên thanh” (Trần Mạnh Hùng), “The Sound of Music Suite” (R.Rodgers & O.Hammerstein II). Thông qua những tác phẩm này, khán giả cảm nhận sự hiện diện một cách gần gũi, đời thường của âm nhạc cổ điển, bởi các tác phẩm đều bắt nguồn từ chất liệu dân gian truyền thống của từng quốc gia, vùng miền...
Đặc biệt, chương trình hòa nhạc “VYO Grand Concert 2023” còn có một khu trưng bày ấn tượng với nhiều hoạt động tìm hiểu giàu tính tương tác về các nhạc cụ cổ điển và mô hình dàn nhạc giao hưởng. Đây là một trong những bước tiến mới trên hành trình nỗ lực tìm tòi và sáng tạo của VYO để mang đến những trải nghiệm âm nhạc cổ điển tràn đầy cảm hứng dành cho cộng đồng.
Lý giải về ý tưởng này, nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc cho biết: “Âm nhạc cổ điển vẫn còn xa lạ, khó tiếp cận với nhiều khán giả Việt Nam. Đội ngũ xây dựng chương trình của VYO hình dung được phần nào những rào cản với âm nhạc cổ điển, vì vậy, khi xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi luôn tìm cách bổ sung những điểm chạm để khán giả có thể đến gần hơn và hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này. Đến với “VYO Grand Concert 2023”, khán giả không chỉ được thưởng thức các tác phẩm hay, mà còn được hiểu thêm về một vài khía cạnh của âm nhạc cổ điển, cụ thể là về dàn nhạc giao hưởng, qua đó có thể cảm nhận sâu hơn về thứ ngôn ngữ nghệ thuật đẹp đẽ này”.
Những “hạt giống” yêu thích âm nhạc cổ điển được gieo mầm, nuôi dưỡng từ những thành viên trẻ tuổi, nhiệt huyết của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam không chỉ nảy nở và phát triển trong đời sống, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, mà còn trở thành nguồn cảm hứng, cổ vũ các bạn trẻ sáng tạo nghệ thuật, đóng góp xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/gieo-mam-tinh-yeu-am-nhac-co-dien-trong-cong-dong-649765.html