Gieo mầm văn hóa đọc cho trẻ em vùng sâu, vùng xa
Không chỉ viết cho thiếu nhi, việc gieo mầm văn hóa đọc, đặc biệt ở những nơi còn thiếu thốn, đã trở thành một hành trình thiết thực, bền bỉ của nhiều nhà văn, nhà thơ tâm huyết.

Học sinh Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk hào hứng với những cuốn sách do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk trao tặng
Trong kỷ nguyên số, khi các thiết bị thông minh phủ sóng tới tận vùng nông thôn, núi cao, thì việc đọc sách - vốn từng là nguồn tri thức chủ đạo - lại trở nên lép vế. Văn hóa đọc bị lấn át, thói quen đọc sách dần mai một, nhất là ở những vùng khó khăn. Thế nhưng, trong âm thầm và bền bỉ, vẫn có những người miệt mài mang sách đến tận tay trẻ em, người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, gieo từng hạt mầm tri thức và hy vọng.
Nữ nhà thơ tặng hơn 10 vạn cuốn sách
Nhiều năm nay, Hội đồng Văn học Thiếu nhi trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tình yêu sách. Hàng chục nghìn cuốn sách do chính các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi, đã được gửi đến học sinh ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, các thư viện cộng đồng và cả tận giường bệnh của những bệnh nhân đang điều trị.
Nhà thơ Hoa Mai là một trong những người tiên phong trong hành trình ấy. Với chị, việc tặng sách không bắt nguồn từ một chiến dịch, phong trào nào, mà từ ký ức của chính mình: "Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, từ nhỏ đã rất ham đọc sách. Nhưng điều kiện khó khăn, có khi cả năm mới được mượn một cuốn sách lành lặn. Sách chính là người bạn đồng hành, là kho tri thức giúp tôi giữ được một tâm hồn lành mạnh và một trí tuệ hiểu biết".
Văn hóa đọc: Cuộc chiến thầm lặng trong thời đại số
Không chỉ riêng vùng sâu, vùng xa, mà ở cả đô thị, thói quen đọc sách cũng đang bị lấn át bởi mạng xã hội, các ứng dụng giải trí. Nhà thơ Hoa Mai ví von: "Đây là một cuộc chiến cam go như dành giật thị phần. Chỉ khác là chúng ta đang cạnh tranh với TikTok, YouTube, game di động - những "đối thủ" hấp dẫn nhưng thường khiến người ta thụ động".
Tình yêu đó khiến chị lặng lẽ gom góp từng cuốn sách, từ bạn bè, từ các nhà xuất bản, và từ chính những tác phẩm của mình để mang tặng. "Đến nay tôi đã tặng hơn 10 vạn cuốn sách. Có lần là tặng tủ sách, có lần theo các đoàn từ thiện, có khi chỉ là một chuyến đi riêng lẻ", chị cho biết.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với chị là chuyến đi năm 2018 tới Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Khi đó, 150 phần quà và sách đã được chuẩn bị sẵn. Ban đầu, bệnh nhân còn thờ ơ, khuôn mặt hằn lên nét tuyệt vọng khắc khổ và nước mắt đau buồn. Nhưng khi các nhà văn đọc sách, kể chuyện, giới thiệu sách, không khí dần ấm lên.
"Cả 500 bệnh nhân ngồi tràn từ sảnh ra cả ngoài sân. Từ những giọt nước mắt đau buồn đã biến thành những nụ cười lạc quan. Dự kiến chương trình chỉ tổ chức trong vài giờ đã kéo dài đến nửa đêm. Nhiều bệnh nhân tay vẫn đeo kim truyền cũng xin lên sân khấu hát, có người lên xin mượn sách để về photo vì sách không đủ. Nhiều người lên khiếu nại không phải vì không có quà, mà vì họ không được tặng sách", nhà thơ Hoa Mai nhớ lại.
Tặng sách chưa đủ - cần gieo mầm văn hóa đọc
Tuy nhiên, nhà thơ Hoa Mai thẳng thắn nhìn nhận: Việc tặng sách mới chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn là làm sao để người nhận biết trân trọng, biết đọc và hình thành thói quen đọc sách. Chị chia sẻ: "Cần có những người hướng dẫn, những cán bộ văn hóa ở địa phương biết cách chọn sách phù hợp, tổ chức các buổi đọc sách, giới thiệu sách. Khi người dân hiểu rằng đọc sách là một cách sống đẹp, thì văn hóa đọc mới thật sự được gieo trồng".
Điều này đặc biệt quan trọng ở những vùng mà cơ sở vật chất văn hóa còn hạn chế, nơi mà sách được xem như vật dụng xa xỉ. Chị cho rằng, xây dựng đội ngũ "hạt nhân yêu sách" tại địa phương chính là giải pháp bền vững. Đó có thể là thầy cô giáo, cán bộ xã, thanh niên tình nguyện - những người có thể giữ lửa lâu dài cho phong trào đọc sách tại chỗ.



Từ trái qua: Nhà thơ Hoa Mai, nhà thơ Lê Va, nhà thơ Bảo Ngọc là những người tâm huyết đưa văn hóa đọc đến với trẻ em thiệt thòi
Đồng tình với quan điểm này, nhà thơ Lê Va (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Hội đồng Văn học Thiếu nhi) nhấn mạnh yếu tố tặng sách đúng đối tượng: "Không phải cứ đưa sách về là được. Cần khảo sát, tìm hiểu kỹ: tặng sách gì, cho ai, như thế nào. Khi cuốn sách gặp đúng người cần, nó mới phát huy giá trị thực sự".
Từ kinh nghiệm nhiều năm đưa sách về cơ sở, ông cho rằng khó khăn không nằm ở việc vận chuyển hay mua sách: "Một chuyến xe, vài ngày là xong. Cái khó là sau đó: Sách có được đọc không? Có ai hướng dẫn không? Nếu không có người đồng hành, thì tủ sách dễ trở thành vật trang trí".
Thực tế cho thấy, không ít hoạt động tặng sách vẫn còn mang tính hình thức, lấy thành tích là chính. Có nơi, sách được đưa đến trường nhưng bị cất trong kho, không có người quản lý. Có nơi, tủ sách cộng đồng tồn tại… trên giấy tờ. Chính vì vậy, nhà thơ Lê Va đề xuất: Cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà văn, nhà xuất bản, chính quyền địa phương, và cả các tổ chức xã hội - để sách thật sự đi vào đời sống.
"Hiện nay, ở nhiều xã đã có lực lượng công an chính quy bám địa bàn. Nếu kết nối được lực lượng này với phong trào văn hóa đọc, thì hiệu quả sẽ rõ rệt hơn rất nhiều", nhà thơ Lê Va gợi ý.
Khơi dậy ước mơ từ bản làng bằng sách
Nhà thơ Bảo Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi - cho biết, Hội đồng đã kết hợp hoạt động sáng tác với việc mang "tủ sách về bản" tại nhiều tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Quảng Bình… Những trại sáng tác kết hợp gặp gỡ học sinh vùng cao đã trở thành cơ hội quý báu để sách đến gần hơn với các em nhỏ.
"Với trẻ em vùng sâu vùng xa, mỗi cuốn sách không chỉ là tri thức mà còn là động lực. Từ những trang sách, các em tìm thấy niềm đam mê học hỏi, nuôi dưỡng khát vọng vươn xa, dù xuất phát từ một bản làng xa xôi", chị nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách cho học sinh trường Tiểu học Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Tuy nhiên, nhà thơ Bảo Ngọc cũng thừa nhận những khó khăn đặc thù của vùng cao: "Trước hết là rào cản ngôn ngữ. Trẻ em dân tộc thiểu số nếu chưa thạo tiếng phổ thông thì việc tiếp cận sách tiếng Việt là một thử thách. Ngoài ra, sách song ngữ hoặc được thiết kế phù hợp với văn hóa địa phương hiện còn rất hiếm".
Bên cạnh đó, theo nhà thơ Bảo Ngọc, các thư viện trường học hoặc điểm đọc cộng đồng cũng còn hạn chế về quy mô, chất lượng và cách tổ chức. Chúng ta vẫn thiếu những đầu sách thật sự hấp dẫn, sinh động, phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh sống của các em nhỏ vùng cao.
Hy vọng từ "cộng đồng đoàn kết"
Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà thơ Bảo Ngọc tin rằng, chúng ta đang có một lực lượng quý báu - đó là "cộng đồng đoàn kết" gồm giáo viên, tình nguyện viên, cán bộ văn hóa, nhà văn… và đặc biệt là "kho báu trí tò mò" của trẻ em. "Các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa có tâm hồn rất đẹp, ham học hỏi, nếu được khơi dậy đúng cách thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho văn hóa đọc phát triển", chị nói.
Theo nhà thơ Bảo Ngọc, một khi sách được đưa vào đời sống một cách tự nhiên - từ trong gia đình, đến trường học, đến điểm đọc của thôn, bản - thì việc "gieo hạt" văn hóa đọc sẽ đơm hoa kết trái.