Gieo mầm xanh trên miền đất khó
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và nền tảng kiến thức tích lũy nơi giảng đường, họ áp dụng vào thực tế một cách khoa học làm hồi sinh vùng 'đất khó'.
Nhiệt huyết thanh xuân
Từ năm 2009, Tỉnh ủy Gia Lai triển khai Đề án 03 nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã vùng sâu, vùng sa. Thực hiện đề án có 165 sinh viên tốt nghiệp đại học được chọn lựa về công tác tại 165 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngày ấy, các tân cử nhân tinh thần phấn khởi, lòng tràn đầy nhiệt huyết khăn gói lên đường nhận nhiệm vụ. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, họ đã không ngừng nỗ lực gieo những mầm xanh nơi vùng khó, giúp bà con đồng bào phát triển kinh tế. Thấm thoắt hơn 10 năm trôi qua, các cô cậu sinh viên ngày nào, giờ có nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt tại các xã, huyện của tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, họ đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Đắk Rong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai kể hơn 10 năm trước, anh tốt nghiệp ngành Phát triển Nông thôn - Khuyến nông Đại học Nông Lâm Tp.HCM. Thực hiện Đề án 03 của tỉnh Gia Lai, tháng 4/2010, anh được phân công về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, xã Kon Pne. “Sau khi nhận được quyết định điều động công tác, tôi khăn gói đồ đạc lên đường thực hiện nhiệm vụ. Thời đó, đường vào ốc đảo Kon Pne xa tít “chân trời”, muôn vàn khó khó khăn. Đường đất trơn trượt, một bên là vách núi cheo leo, bên kia là vực sâu rất nguy hiểm. Từ trung tâm huyện, tôi xuất phát khi trời tờ mờ sáng, nhưng mãi đến 16h mới đến được xã, một nơi hoang vắng, khiến tôi hơi hoang mang”.
Ban đầu, hơn 4 tháng trời nhận công tác tại đơn vị mới nhưng anh chỉ làm những việc lặt vặt, không đúng chuyên môn, khiến anh chán nản. Phải đến khi xã Kon Pne có Bí thư Đảng ủy mới thì kiến thức chuyên môn của Quang mới có “đất dụng võ”.
Anh Quang hào hứng: “Được giao nhiệm vụ cụ thể, đúng chuyên ngành đã học, tôi đã mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Từ vài héc ta bời lời ban đầu trồng theo kiểu tự phát, đến nay, diện tích bời lời ở Kon Pne đã lên đến hàng trăm héc ta. Tôi vận dụng tất cả những kiến thức tích lũy được ở trường, vừa làm vừa hướng dẫn cho người dân trồng bời lời, nhờ vậy mà mở rộng diện tích”.
Anh Quang cũng đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhờ vậy mà năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, anh cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất cho năng suất cao, diện tích này nay đã tăng lên đến 100 héc ta.
Những đổi thay ấn tượng ấy được anh tóm lược ngắn gọn: “Ngày trước, người dân ở đây còn đói. Bây giờ thì không ai đói nữa mà chỉ lo sản xuất để nâng cao thu nhập”, anh Quang nói. Với những thành tựu ấy, tháng 7/2011, tôi được điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, từ đầu năm 2019 đến nay là Chủ tịch UBND xã Đắk Rong.
Trái ngọt sau hành trình gian nan
Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp anh Phan Nguyễn Vi Sa, Phó Chủ tịch xã Kon Thụp, huyện Mang Yang. Được biết, Sa cũng là một sinh viên tốt nghiệp đại học được chọn về công tác tại xã vùng sâu theo Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai.
Anh Sa tâm sự: “Tôi tốt nghiệp ngành Nông nghiệp Đại học Nông Lâm Tp.HCM. Sau khi ra trường, tôi mong muốn được về phục vụ quê hương. Nghe về Đề án 03 của Tỉnh ủy, nên năm 2010, tôi đăng ký và may mắn được trúng tuyển vào công tác tại bộ phận văn phòng UBND xã Đê Ar, huyện Mang Yang. Lúc đó, từ nhà đến UBND xã mất hơn 80km, lương lại thấp nhưng tôi được sự động viên của lãnh đạo, còn tin tưởng giao những trọng trách trong việc giúp dân phát triển kinh tế, triển khai có mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo”.
Anh Sa bộc bạch thêm: “Mới ra trường, mức lương có gần 2 triệu nhưng bao nhiêu thứ phải chỉ tiêu. Gia đình cũng đã động viên về tìm việc khác để có thu nhập cao hơn. Nhưng lúc đó tôi đã cùng người dân triển khai nhiều mô hình trồng lúa, các cây lâm nghiệp, nếu tôi bỏ ngang thì mô hình cũng đi vào ngõ cụt. Điều này thôi thúc tôi tiếp tục với những trọng trách mà lãnh đạo đã tin tưởng giao cho”.
Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2012, anh Sa được bầu làm Phó Chủ tịch xã Đê Ar. Trên cương vị mới, anh Sa đã mạnh dạn đề xuất cho lãnh đạo xây dựng các mô hình trồng lúa nước, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu. Nhờ thế chỉ hơn 3 năm, bà con đồng bà dân tộc thiểu số đã biết trồng cây lúa để bán, biết trồng cây cà phê phải bỏ phân bón. Đến đầu năm 2017 này, anh Sa được điều về giữ chức Phó Chủ tịch xã Kon Thụp.
Tương tự, anh Nguyễn Công Lộc, chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Tp.HCM, tình nguyện về nhận công tác ở xã Ya Hội. Theo anh Lộc, xã Ya Hội chỉ cách nhà anh khoảng 20km, nhưng là xã vùng III nên cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Người dân trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Ý thức được điều này, chàng kỹ sư trẻ không quản ngại khó khăn, luôn bám làng, bám dân. Dù nắng mưa, khuya sớm anh Lộc vẫn đều đặn đến từng làng để nắm bắt tình hình sản xuất của người dân. Từ đó, anh có những đề xuất kịp thời với chính quyền, hướng đồng bào dần tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.
Anh Lộc chia sẻ, anh thấy vui khi nhiều ngày nghỉ, thậm chí nửa đêm vẫn có người gọi điện cho anh vì bầy heo ở nhà họ bị bệnh hay đẻ khó. Vậy là anh lại lao xe máy về làng, cùng dân kiểm tra và sớm đưa ra biện pháp cứu chữa hợp lý. “Mình thấy rất vui vì được bà con tin tưởng và xem như người của làng. Mình muốn gắn bó lâu dài cùng bà con nơi đây, muốn cải thiện dần đời sống của người dân bằng những kiến thức đã học được”, anh Lộc chia sẻ.
Có 165 sinh viên tốt nghiệp đại học, là con số mà Tỉnh ủy Gia Lai thống nhất chọn lựa từ năm 2009 đến 2014 về công tác tại 165 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Họ là những cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực, là nguồn nhân lực bổ sung, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ tại cơ sở, đồng thời góp phần vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gieo-mam-xanh-tren-mien-dat-kho-a646707.html