Gieo màu xanh ở Phìn Hồ

LCDDT - Gần 11 giờ, đỉnh Phìn Hồ gió lồng lộng, nắng chói chang, anh Đỗ Thanh Bình cùng vợ vẫn tất bật giữa vườn rau mới trồng. Đưa tôi xem mấy gói thuốc trừ sâu đang phun, anh bảo: Anh trồng rau sạch hữu cơ, thuốc trừ sâu cũng là loại thuốc sinh học rất an toàn. Chú nhìn xem, anh mới trồng gần 5 vạn cây bắp cải, được hơn tuần rau đã xanh thế này, cây nào cũng 'khỏe như voi', 'đập đầu' không chết, chẳng mấy mà 'bay' xuống các siêu thị ở thủ đô!

Nói rồi anh nghỉ tay, kéo tôi vào căn lán nhỏ pha ấm trà mới, hàn huyên đủ chuyện như cố nhân lâu lắm mới gặp.

Bỏ đồng bằng lên núi trồng rau

Năm nay ngoài 50 tuổi, đã lên chức bố vợ nhưng anh Đỗ Thanh Bình, quê Bình Lục, Hà Nam vẫn ngày ngày cùng vợ bám trụ trên Phìn Hồ, một trong những thôn cao nhất, cũng là nơi khí hậu khắc nghiệt nhất Y Tý (Bát Xát) để trồng rau. Anh nói vui, chuyện anh trồng rau trên này mới sang năm thứ 3 nhưng kể mãi cũng không hết, có thể làm cả bộ phim được.
Người đàn ông tóc đã bạc ấy dáng người nhỏ như chim chích, nhưng tính “thẳng như ruột ngựa”, miệng nói tay làm, mà đã làm thì phải làm “ra ngô, ra khoai”. Lần đầu nghe anh nói chuyện, cứ ngỡ anh này chỉ giỏi “chém gió”. Nhưng kể cũng lạ, cái khiếu nói chuyện của anh cứ hút người ta vào như nam châm hút sắt, vẫn là chuyện trồng rau, nuôi lợn mà nghe mãi chẳng thấy chán.

Anh Đỗ Thanh Bình trên cánh đồng rau mới trồng.

Anh Đỗ Thanh Bình trên cánh đồng rau mới trồng.

Chỉ tay ra những ruộng rau xanh mướt trải dài ngút mắt trên cao nguyên Phìn Hồ, anh Bình nhớ lại những ngày tháng đã qua. “Quê tôi ở vùng chiêm trũng. Năm 1994, tôi đã có mặt ở Lào Cai. 4 năm sau tôi về quê lấy vợ, làm ăn mãi rồi trở lại Lào Cai. Năm 2016, tôi lên Y Tý, phụ trách việc trồng rau sạch cho Công ty TNHH MTV Hoa Lợi. 1 năm sau đó, tôi chuyển hẳn ra đây thuê đất của người dân trồng rau. Thiên nhiên ưu ái ban cho vùng đất Y Tý này thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ tuyệt vời để trồng rau ôn đới mà không đâu có được. Nếu bà con các dân tộc mạnh dạn đầu tư trồng rau thì làm giàu không khó”.

- Vậy mỗi lứa rau anh trồng cho thu hoạch khoảng mấy tấn? - Tôi hỏi.

Anh Bình rít điếu thuốc lào, nhìn tôi cười hể hả: Phải hàng chục tấn ý chứ! Rau bắp cải, su hào, cải thảo, củ cải… Như vụ mới này, tôi đang trồng 5 vạn cây bắp cải, chỉ cần mỗi cây 1,5 kg thì đã thu hoạch 75 tấn rau rồi. Với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg thì cũng được 375 triệu đồng. Rau Y Tý ăn một lần nhớ ngay vì rất giòn, ngon, ngọt, tôi đem xuống thành phố Lào Cai, Hà Nội chào hàng, khách chuộng lắm, có khi bán 10.000 đồng/kg bắp cải, mà mang ra đến đâu bán hết đến đấy.

Nghe anh Bình tính, tôi giật mình. Người ta cứ đau đầu tính chuyện làm giàu ở tận đâu đâu, trồng rau trên Y Tý ra tiền như vậy sao bao nhiêu năm nay chẳng ai làm? Nhưng nghĩ đi rồi cũng nghĩ lại, trước đây vùng đất Y Tý còn quá hoang sơ, người dân chỉ trồng mấy cây rau để ăn chứ mấy ai tính chuyện trồng hàng vạn cây rau để bán. Mà trồng như thế nào, bán ở đâu? Vậy mà có ông nông dân ở nơi đồng bằng chiêm trũng xa lắc xa lơ, chẳng quen dân bản, chẳng quen rừng núi, lại mò mẫm lên đây trồng rau. Thế mà như có phép màu, ruộng nào rau cũng tốt bời bời, cho thu hàng trăm triệu mỗi năm, kể cũng lạ.

Nghị lực vượt qua gian khó

Trở lại câu chuyện về những ngày đầu thuê đất trồng rau trên Phìn Hồ, anh Bình tâm sự: Bây giờ Phìn Hồ đã có tuyến đường đẹp từ xã Trịnh Tường đi lên tận Y Tý, xe cộ đi lại nhiều, chứ cách đây 3 năm, nơi này heo hút lắm, nói là nơi “khỉ ho cò gáy” cũng chẳng sai. Ngày tôi ra đây hỏi thuê đất của mấy hộ để trồng rau, bà con cứ nghĩ tôi nói đùa. Nơi này từ bao năm nay chỉ để cỏ mọc hoang, cây rừng chả lên được, nói gì đến chuyện trồng rau. Tôi đặt vấn đề thuê lại 5 ha ruộng bậc thang của bà con trong 15 năm, mỗi năm nhà nào trồng được bao nhiêu bao thóc, tôi trả đúng bằng đấy bao, quy ra tiền cũng được. Thấy không phải lao động vất vả mà vẫn có thóc như trước, bà con vui vẻ đồng ý. Vậy là vợ chồng dựng lán nhỏ, thuê người dân làm đất gieo trồng rau ôn đới.

Trồng rau ở Phìn Hồ nói thì dễ, nhưng thực ra là cả câu chuyện dài. Anh Bình dẫn tôi ra vườn bắp cải mới trồng, ngồi bên luống rau, lấy cái que nhỏ tỉ mẩn bới đất xung quanh gốc một cây bắp cải bị cụt ngọn héo rũ, nét mặt trầm ngâm: Đấy, chú xem, cây mới trồng mấy hôm đã bị bọn sâu đất chui lên cắn thế này. Đó là chưa kể cách đây một tuần, trời cứ nắng chang chang, gió hanh khô thổi ào ạt, đất lên luống xong khô như chảo cơm rang, mong mãi mới được trận mưa để trồng rau. Mùa đông năm nay lạnh quá, sau tết tôi phải xuống tận Quang Kim gieo rau giống chứ trồng trên này hạt không nảy mầm nổi. Sau đợt sương muối, băng tuyết, gần 5 tấn rau bắp cải đang đến vụ thu hoạch bị ướp lạnh, thối nhũn bên trong như bị luộc, nhìn xót muốn khóc, mà đành chặt hết vứt đi. Trồng rau khác gì chăm con mọn đâu. Được cây rau là mấy tháng trời “ăn gió, nằm sương” đấy chú.

Trong câu chuyện với tôi, anh Bình kể trước khi lên Y Tý trồng rau, năm 2009, vợ chồng anh đầu tư trang trại nuôi lợn hàng tỷ đồng ở huyện Bình Lục. Có lúc trại lợn nuôi 300 - 400 con, với hơn 100 con lợn nái. “Năm 2015, lợn thịt bão hòa, giá lợn lao dốc khủng khiếp, chỉ còn 13.000 đồng/kg lợn hơi, tôi thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Vợ tôi suy sụp vì phá sản, nợ nần. Hai con gái đang học dở lớp 10 cũng phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền giúp bố mẹ trả nợ. Vậy là bỏ lại trang trại cho người ta thuê, vợ chồng ba lô quần áo, dắt díu nhau lên Y Tý làm lại từ đầu”, anh Bình nhớ lại.

Lúc nào cũng thấy “thèm người”

Nhìn cánh đồng ruộng bậc thang rau xanh mướt rộng 5 ha, tôi dường như không tin chỉ có vợ chồng anh Bình và 1 lao động làm thuê có thể làm hết được.

“Có gì đâu chú, tôi cày và lên luống bằng máy, khi trồng rau và thu hoạch mới cần thuê thêm người. Trên này hoang vắng, vợ chồng ngày nào cũng ra vườn lấy công việc làm vui. Ngày mới lên đây, chưa quen ai cả, tiếng dân tộc cũng không biết câu nào, hai vợ chồng cứ thui thủi như người rừng. Có đêm nằm nghe mưa dầm, gió hú xung quanh, vừa lo sợ, vừa nhớ các con không sao ngủ được. Bao thất bại mình còn vượt qua được, chỉ có nỗi buồn là khó vượt qua nhất”, anh Bình tâm sự.

Trò chuyện với “vua rau” ôn đới Y Tý, tôi cứ có cảm giác như đã gặp anh trong câu chuyện nào đó. Mỗi lần chúng tôi lên Y Tý, qua cánh đồng rau Phìn Hồ, chỉ cần nhìn thấy xe ngang qua là anh Bình gọi lại, hồ hởi như gặp khách quý, bỏ cả công việc ngồi trò chuyện cạn cả mấy ấm chè. Anh cứ say sưa kể chuyện như sợ khách nói hết phần. Phải rồi, người hay chuyện như anh phải sống giữa nơi heo hút thế này hẳn là “thèm người” lắm!

“Thèm thật ý chứ. Trên này không gì quý bằng có người trò chuyện chú ạ. Nhiều hôm tôi làm vườn chán quá, lại chạy về lán pha ấm chè đợi xem có ai đi qua gọi vào nói chuyện cho khuây khỏa. Đợi mãi chả có ai qua, lại ra ruộng nói chuyện với rau”, anh Bình cười hể hả. Những nếp nhăn xô lại trên khóe mắt và gương mặt sạm đen vì nắng gió Phìn Hồ.
Câu chuyện của tôi với anh Bình đang dở thì có mấy thanh niên người Mông dừng phịch xe trước lán vào hút thuốc lào, hỏi chuyện trồng rau. Thì ra đó là mấy người ở thôn Phan Cán Sử sang đây học cách trồng rau sạch. Anh Bình lại vô tư chia sẻ kinh nghiệm trồng rau hữu cơ cho bà con, nào là chuyện chọn giống, làm đất, bón phân gì, dùng thuốc gì phòng bệnh, chữa bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mảnh đất Y Tý hôm nay không chỉ anh Bình trồng rau trái vụ, mà đã phát triển lên tới 40 ha rau ôn đới ở các thôn: Phìn Hồ, Trung Chải, Mò Phú Chải, Lao Chải… Rau sạch Y Tý dần khẳng định được thương hiệu. Nhưng câu chuyện về vợ chồng người Hà Nam bỏ quê lên đây “ăn gió, nằm sương” mở đất trồng rau, kết nối đưa rau Y Tý ra thành phố Lào Cai, về Hà Nội sẽ còn được kể mãi. Anh Bình bảo: Tôi cũng nhiều tuổi rồi, chẳng biết ở đây được bao nhiêu năm nữa, chỉ mong bà con giữ đất, giữ ruộng trồng rau, biến nơi đây thành vùng rau sạch rộng lớn, giúp người vùng cao Y Tý thoát nghèo bền vững, có cuộc sống thêm ấm no…

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/gieo-mau-xanh-o-phin-ho-z3n20200522085055086.htm