Gieo mùa ấm no nơi biên cương
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Phong trào 'Dân vận khéo', xây dựng 'Đơn vị dân vận tốt' với nhiều mô hình, phần việc thiết thực giúp chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi biên cương gian khó.
Trao sinh kế giúp thoát nghèo
Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt và những nương ngô nếp xanh rờn ở thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đồng chí Hồ Văn Khưn, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng phấn khởi nói: "Nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) mang giống lúa, ngô mới về mà nhân dân trong xã không những không bị đói nữa mà có nhiều gia đình còn vươn lên khá giả".
Trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Phùng, chúng tôi được biết, theo thói quen canh tác, trước đây, mỗi năm nhân dân xã Hướng Phùng chỉ gieo trồng một vụ lúa mà sản lượng lại thấp, nguyên nhân do gieo trồng không đúng thời vụ, nguồn giống bản địa đã bị thoái hóa, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém, khi gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt (mưa dài ngày), lúa thường không phát triển, lép hạt, năng suất kém, mất mùa...
Để giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã tham mưu cho chính quyền các cấp cho phép đơn vị phối hợp với Tập đoàn ThaiBinh Seed thử nghiệm bộ đôi lúa giống TBR97 và TBR225, nếp A Sào vào sản xuất vụ đông xuân 2022 để thay thế giống bản địa chất lượng thấp. Kết quả, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng, chất lượng tốt và năng suất cao.
Vụ hè thu 2022, đơn vị phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương tuyên truyền, vận động và giúp đỡ về giống, kỹ thuật để nhân dân Hướng Phùng đưa giống lúa mới vào sản xuất, vừa cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, vừa phát huy công suất ruộng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, nên nhiều hộ gia đình trước thiếu ăn nay còn dư thừa lúa.
Đưa chúng tôi thăm kho thóc với các bao chất đầy tới mái nhà, ông Hồ Bồng, người dân thôn Cheng tiên phong áp dụng giống lúa mới vào sản xuất, phấn khởi: "Vụ hè thu vừa rồi, tôi và người dân trong thôn thu hoạch khoảng 3 tạ/sào. Năng suất gấp hơn 2 lần so với giống lúa cũ, lại canh tác được 2 vụ/năm nên các hộ trong thôn thừa gạo để ăn, không còn lo đói nữa".
Sau thành công của cây lúa, Đồn Biên phòng Hướng Phùng tiếp tục thử nghiệm trồng giống ngô nếp mới vào sản xuất thành công. Hiện đơn vị đã vận động, bàn giao kỹ thuật cho nhân dân canh tác được 3ha, theo phương pháp gieo gối vụ. Thời gian này, đơn vị hỗ trợ 100% kinh phí giống và phân bón cho người dân...
Trao "cần câu" để người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững là một trong những mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi biên cương Tổ quốc. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị BĐBP hỗ trợ vốn sản xuất cho nhân dân hơn 17 tỷ đồng, giúp 24.812 hộ dân xóa đói, giảm nghèo.
Thông qua các mô hình như: “Hỗ trợ con giống” của BĐBP tỉnh Cao Bằng; "Nuôi cá tầm, cá hồi” của BĐBP tỉnh Lai Châu; “Nuôi bò, dê sinh sản” của BĐBP tỉnh Sóc Trăng; “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo” của BĐBP tỉnh Bình Định; “Con bò 1.000 đồng” của BĐBP tỉnh Trà Vinh; “Mỗi tuần một địa chỉ” của BĐBP tỉnh Long An..., cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã hỗ trợ hiệu quả nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa bỏ dần tập quán canh tác lạc hậu; xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ trợ cấp của các cấp chính quyền, tham gia tích cực vào hoạt động chuyển đổi cơ cấu theo các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Hiệu quả “3 bám, 4 cùng”
“Nhờ có sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Lai Hòa (BĐBP tỉnh Sóc Trăng) mà gia đình mới có cuộc sống ổn định”, anh Thạch Ben Mi, người dân ấp Lai Hòa A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vui vẻ tâm sự.
Gia đình anh Ben Mi là hộ nghèo của ấp. Trước kia, vợ chồng anh cùng 4 người con ở trong căn nhà tạm lợp lá nằm lẻ loi trên khu đất giữa ruộng đồng ở ấp Lai Hòa A, nên ngoài thiếu ăn thì gia đình còn thêm "2 không" (không điện, không nước). Thực hiện tốt chủ trương "3 bám" (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách), "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã nắm bắt tình hình, tìm hiểu các tiềm lực; tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng; cán bộ, chiến sĩ giúp ngày công xây tặng gia đình căn nhà tình thương.
Song song đó, đơn vị còn kêu gọi hỗ trợ khoan giếng để gia đình có nước dùng; hỗ trợ xây chuồng và 1.000 con vịt đẻ để gia đình có thêm nguồn thu nhập; nhận đỡ đầu, tiếp sức cháu Thạch Thị Siêu Y, học sinh lớp 8, đến trường 500.000 đồng/tháng và các nhu yếu phẩm, trang bị, đồ dùng học tập, đèn điện năng lượng mặt trời cho cháu học tập... Nhờ vậy, ngoài tiền đi làm thuê, hằng ngày, gia đình anh Ben Mi có thêm nguồn thu nhập ổn định từ trứng vịt, góp phần giảm bớt khó khăn.
Theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, dân có ấm no thì biên cương mới vững bền, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP luôn xác định giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, ngoài lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương “3 bám, 4 cùng”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Theo đó, Bộ tư lệnh BĐBP và các cơ quan, đơn vị BĐBP chủ động phối hợp với các cấp, các ngành Trung ương, địa phương trong thực hiện công tác dân vận thông qua nhiều chương trình, mô hình, cách làm sáng tạo, như: "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới"; “BĐBP chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Phân công đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phụ trách các hộ gia đình khu vực biên giới”; “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”...
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP khẳng định: "Công tác dân vận của BĐBP trực tiếp nâng cao đời sống của nhân dân và thực hiện chủ trương hướng về cơ sở cũng như phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân vững chắc".