Gieo việc tốt từ điều bình dị
Bình dị giữa đời thường, ông Lưu Thiện Tính (43 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ba Biển B, xã Tây Yên và ông Trương Trung Quân (76 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tây Sơn 3, xã An Biên, bền bỉ học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, thấm đẫm nghĩa tình.
Học và làm theo Bác
Với quan niệm, học và làm theo Bác không phải là khẩu hiệu suông, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể trong từng việc nhỏ, ông Lưu Thiện Tính luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc ở địa phương. Là Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ba Biển B, ông Tính không ngại khó, càng không ngại đụng đến những việc “khó nói” như vận động hiến đất, góp tiền, giải phóng mặt bằng hay thay đổi thói quen cũ của người dân
Dưới sự dẫn dắt của ông, diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc. Tuyến đường dài 1.300m từ trụ sở ấp đến nhà dân đã được đổ bê-tông khang trang, 3 cây cầu mới được xây dựng nối liền các tuyến kênh. Kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng thực hiện các công trình phần lớn đến từ sự đóng góp của người dân và các nhà hảo tâm.
Là người tự nguyện hiến đất làm móng cầu ngang kênh Nam Yên - Thứ Ba, ông Trương Hùng Thông (ngụ ấp Ba Biển B, xã Tây Yên) chia sẻ: “Chú Tính rất năng nổ, gần dân. Khi vận động bà con xây cầu, đường giao thông, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, chú ấy đi từng nhà thuyết phục. Tôi sẵn sàng hiến đất làm dốc cầu và góp thêm tiền lắp đèn năng lượng để thắp sáng đường quê”.

Ông Lưu Thiện Tính (bên phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ba Biển B, xã Tây Yên trao đổi với ông Trương Hùng Thông về việc xây cầu giao thông nông thôn
Không chỉ dừng lại ở hạ tầng, ông Tính còn tích cực vận động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống người dân. Năm 2024, ấp Ba Biển B tiếp nhận và trao tặng hơn 3.500 quyển tập, 6 xe đạp, gần 20 tấn gạo và 2 căn nhà đại đoàn kết, với tổng trị giá trên 400 triệu đồng. Ông Tính còn chủ động kết nối hỗ trợ sinh kế, mở lớp dạy nghề như: Điện dân dụng, may mặc, trang điểm cho người dân.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ, số hộ nghèo của ấp giảm từ 21 hộ (năm 2017) xuống còn 4 hộ; hộ cận nghèo giảm từ 38 còn 7 hộ. Đặc biệt, ấp Ba Biển B hiện là một trong những địa bàn có tỷ lệ người dân đăng ký định danh điện tử mức độ 2 cao nhất tỉnh, với 99% dân số đã hoàn thành cài đặt.
Ông Tính chia sẻ: “Tôi luôn lấy việc học và làm theo Bác làm “kim chỉ nam” trong công tác. Mỗi năm, tôi yêu cầu đảng viên xây dựng chuyên đề học Bác riêng. Tôi cũng học thêm từ sách, Internet, báo chí và trao đổi với cấp trên để việc học Bác dễ hiểu, gần dân và mang lại hiệu quả thiết thực”.
Sống nghĩa tình
Ở ấp Tây Sơn 3, xã An Biên, nhắc đến ông Trương Trung Quân, nhiều người đều biết và kính trọng. Sinh ra trong gian khó, từng tham gia chiến đấu, ông Quân mang trong mình tinh thần của người lính Cụ Hồ. Ông sống nghĩa tình, cống hiến âm thầm cho cộng đồng.
Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tây Sơn 3, ông Quân tổ chức tốt các buổi sinh hoạt định kỳ, đồng thời đổi mới cách tuyên truyền bằng cách kể chuyện Bác từ những điều gần gũi, đời thường. Nhờ đó, sinh hoạt hội trở nên sinh động, trở thành nơi lan tỏa tinh thần sống đẹp, sống có trách nhiệm. Từ 2021 - 2025, ông và chi hội tổ chức hơn 500 buổi sinh hoạt, thu hút hàng ngàn lượt hội viên và người dân, đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến Nhân dân.
Tấm gương ông Quân còn thể hiện rõ qua nhiều việc làm thiết thực. Mỗi năm, ông vận động quỹ Nghĩa tình đồng đội hơn 38 triệu đồng và hàng trăm phần quà cho hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Ông còn phối hợp xây dựng 15 căn nhà Đại đoàn kết, 35 giếng nước sạch, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
“Tôi học Bác ở cách sống vì người khác. Làm cán bộ hội cựu chiến binh thì phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, người dân mới tin. Tôi chỉ mong còn sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho quê hương” - Ông Quân chia sẻ.
Ông Tính và ông Quân vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/gieo-viec-tot-tu-dieu-binh-di-a423897.html