Giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan
Cuối năm là dịp để các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) hoạt động mạnh. Tuy nhiên, công tác quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến tình trạng hoạt động tràn lan gây mất vệ sinh.
Ngay đầu cổng chợ Hóp, xã Nam Hồng (Nam Sách), một cơ sở giết mổ gia cầm hoạt động tấp nập hơn thường ngày. Mọi công đoạn giết mổ được tiến hành trong vài mét vuông và ngay dưới nền bê tông nhớp nháp. Toàn bộ nước thải và một phần chất thải được đẩy xuống mương nước. Những chiếc lồng đựng gà, ngan, vịt sống được quây tròn, các loại xô nhựa, chậu đựng nước cáu bẩn để bừa bãi trên mặt đường. Tuy giết mổ hàng trăm con mỗi ngày, nhưng tất cả đều được chủ hàng nhúng chung trong một nồi nước sôi. Bên cạnh những lồng gà, vịt sống là những con gà được thịt sẵn, lông gà và nội tạng hòa lẫn dòng nước thải, bốc mùi hôi tanh.
Cách đó không xa, ở phía bên kia đường là vài điểm giết mổ trâu, bò. Việc giết mổ được diễn ra công khai ngay trên vỉa hè. Nền gạch dính máu, mọi công đoạn từ chọc tiết, lọc xương, thịt đều được thực hiện ngay trước cửa nhà. Mặc cho hàng trăm phương tiện giao thông thi nhau xả khói, bụi bẩn, chủ cơ sở vẫn vô tư giết mổ mà không lo đến chất lượng thực phẩm. Sản phẩm được bày bán tại chỗ. Các cửa hàng nườm nượp người mua bởi "thịt tươi ngon vừa mới ra lò".
Tại TP Hải Dương, cuối năm là dịp để các cơ sở giết mổ gia cầm hoạt động mạnh, bất chấp các quy định của thành phố. Chủ một cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Đông Ngô Quyền cho biết mỗi ngày giết mổ khoảng 300 con gà, vịt. Cũng như các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khác, tình trạng mất vệ sinh diễn ra phổ biến. Phân, lông, máu của gia cầm sau khi giết mổ vương vãi khắp nơi khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng.
Hiện trên địa bàn TP Hải Dương có 15 chợ chính và 4 "chợ cóc", trong đó chỉ có chợ Thanh Bình và chợ gia cầm sống ở Thạch Khôi được phép buôn bán gia cầm sống, ở các chợ còn lại, việc buôn bán và giết mổ gia cầm sống đều bị cấm. Nhưng thực tế, hầu hết các chợ đều có điểm bán và giết mổ gia cầm sống tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Đức Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Hải Dương, chính thói quen mua gà sống và tiêu thụ thịt gà tươi sống đã tiếp tay cho các cơ sở giết mổ gia cầm tràn lan, khó kiểm soát.
Để hạn chế việc giết mổ GSGC tự phát, các huyện, thị xã và thành phố cần quy hoạch các điểm giết mổ tập trung. Đồng thời, các cấp, ngành phải cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, thay đổi thói quen cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/giet-mo-gia-suc-gia-cam-tran-lan-126669