Gìn giữ di sản văn hóa Mo Mường
Tháng 5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của các huyện tiếp tục gìn giữ giá trị di sản văn hóa Mo Mường.
Là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường, Mo Mường được cấu thành bởi lời mo, môi trường diễn xướng và chủ thể thực hành diễn xướng mo. Trong đó, lời mo có nội dung phong phú với nhiều câu thơ, câu văn, được sáng tác theo vần điệu và tuân thủ theo nguyên tắc diễn xướng nhất định. Môi trường diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình, nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo, là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, phong tục, là người có uy tín được cộng đồng tin tưởng.
Thuộc thế hệ thứ 2 trong gia đình làm thầy mo, ông Hà Văn Trung, bản Lằn, xã Mường Do, huyện Phù Yên, cho biết: Để được làm thầy Mo, trước hết trong gia đình phải có người từng làm thầy, truyền nghề lại cho con cháu. Bên cạnh đó, người được chọn làm thầy Mo phải có tâm, đức, giữ gìn được nền nếp, gia phong trong gia đình và thông thạo phong tục tập quán, những lễ nghi của dân tộc...
Qua tư liệu khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn 4 huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, với khoảng 40 thầy mo. Trong đó, những thầy mo lớn, biết tất cả các loại mo chỉ còn khoảng 12 người và số lượng học trò khoảng 15 người. Các nghi lễ có tên gọi là Mo tại địa phương, gồm mo trong lễ tang, mo vía, mo cúng mụ, mo giải hạn, mo xin số, mo cưới, mo làm nhà mới, mo đôi đũa, mo mát nhà... Trong đó, mo trong lễ tang là loại hình đặc sắc nhất.
Ông Hà Văn Trung cho biết thêm: Khi tiến hành lễ tang, thầy mo đọc lời mo cùng trống, chiêng, khèn, chuông. Đây là bài mo dài nhất, trước đây, thầy mo phải thực hiện trong 12 ngày đêm, nhưng hiện nay được rút gọn lại còn 2-3 đêm tùy theo từng gia đình. Vì vậy, nội dung một số bài Mo được cắt bớt, giản lược và Mo gộp các đoạn để đảm bảo các nghi lễ được thực hiện đầy đủ. Người Mường không có chữ viết riêng, nên trong quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu Mo, bài Mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Mường Sơn La nói chung và di sản văn hóa Mo Mường nói riêng không nhiều...
Hiện nay, Mo Mường đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, việc giao thoa, du nhập văn hóa của các dân tộc khiến di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Số lượng thầy mo trong các bản Mường ngày càng ít dần, trong đó nhiều thầy Mo đã trên 80 tuổi. Thế hệ kế cận có khả năng theo học Mo không nhiều, do phải ghi nhớ một khối lượng câu Mo rất lớn, đặc biệt người học phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng (kiếm, chuông đồng, rìu đá, rìu đồng...) đời cha, ông đã từng làm nghề truyền lại.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Tỉnh Sơn La đã phối hợp với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình, thống nhất xây dựng hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là đề án được tỉnh Hòa Bình chủ trì, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh đó, tỉnh ta tiếp tục rà soát nghệ nhân, đánh giá theo tiêu chuẩn để xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để tôn vinh và đãi ngộ đối với những thầy mo có đóng góp lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường. Tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa Mo Mường tại các xã, nơi đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá di sản văn hóa Mo Mường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mo Mường trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/gin-giu-di-san-van-hoa-mo-muong-AmVhHUvSg.html