Gìn giữ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam

Gia đình là tổ ấm để yêu thương. Trước thực tế xã hội, hiện tại hệ giá trị của gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định. Vì thế việc bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa gia đình truyền thống, đồng thời tiếp nhận, chắt lọc những giá trị mới để làm giàu thêm đa dạng bản sắc văn hóa gia đình dân tộc cần được thực hiện từ chính mỗi gia đình để tạo nên một cộng đồng xã hội thống nhất và ổn định, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển.

Gia đình cô Nguyễn Thị Thanh Châu ở thôn Cao Việt, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong coi trọng bữa cơm của gia đình -Ảnh: T.L

Gia đình cô Nguyễn Thị Thanh Châu ở thôn Cao Việt, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong coi trọng bữa cơm của gia đình -Ảnh: T.L

Mỗi chúng ta, dù ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội đều đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu, luôn mong muốn trở về với gia đình mỗi khi hạnh phúc hay trải qua những biến cố, nguy nan trong cuộc sống. Điều này cho thấy gia đình quan trọng như thế nào trong mỗi một con người. Những giá trị từ gia đình như: giáo dục, đạo đức, ứng xử, tình yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, động viên, khích lệ... không gì có thể thay thế được.

Gia đình cô Nguyễn Thị Thanh Châu ở thôn Cao Việt, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong là tấm gương sáng về giáo dục đạo đức trong gia đình nhiều thế hệ. Lấy việc nêu gương, tình yêu thương, trách nhiệm và gắn kết tình cảm ruột thịt để giáo dục con cháu trong gia đình, cha mẹ của cô luôn sống mẫu mực cho các con, cháu nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Con cháu được giáo dục lễ phép, kính trên nhường dưới. Sự yêu thương, chăm sóc, dạy bảo con cháu luôn là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của ông bà, cha mẹ. Đồng thời, lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà trở thành thước đo quan trọng đạo đức, nhân cách của mỗi người.

Con cháu trong gia đình cô luôn lấy thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển và phấn đấu tu dưỡng bản thân, không ngừng học tập vươn lên, mang lại vinh dự, tự hào cho gia đình.

Gia đình cô đã đặt ra những quy tắc riêng như tôn trọng thời gian bữa cơm tối, xem việc cùng nhau ăn bữa cơm là làm cho tình thân trong gia đình ngày một sâu đậm hơn, không dùng điện thoại trong lúc ăn cơm, người lớn không mang công việc xã hội về nhà...

“Bố tôi thường dạy bảo con cháu: Gìn giữ giá trị gia đình không phải ngày một, ngày hai mà có được, đòi hỏi một quá trình bền bĩ, sự chung sức, chung lòng của mỗi thành viên. Gia đình có nền nếp, hạnh phúc, tiến bộ thì mới hình thành được nhân cách, lối sống cho thế hệ con cháu”, cô Thanh Châu cho hay.

Trong lúc đại đa số gia đình kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt, đề cao lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, thủy chung giữa vợ chồng, mọi thành viên trong gia đình cần có trách nhiệm với nhau, thì không ít gia đình ngày nay chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nhiều cha mẹ sao nhãng sự quan tâm, chăm sóc dành cho con cái.

Một số gia đình giao việc giáo dục nhân cách, lối sống của con mình cho nhà trường và xã hội. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Lệ H. ở tại TP. Đông Hà cho biết, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, vợ chồng bà còn tranh thủ làm thêm một số dự án để nâng cao thu nhập nuôi con ăn học nên thời gian dành cho hai con hạn hẹp. Các con của bà, ngoài thời gian ở trường, hoàn toàn tiếp xúc với người giúp việc của gia đình.

Sáng sớm cha mẹ đi làm thì các con chưa ngủ dậy, chiều tối cha mẹ về nhà thì các con đang học thêm. Việc đưa đón con cũng giao phó cho một người chạy xe ôm trong khu phố. Một tuần ông bà chỉ gặp được con vài giờ vào ngày Chủ nhật, mà gặp cũng chỉ để la mắng, quát nạt. Khi các con lên cấp THPT, ông bà gửi vào một trường nội trú ở thành phố lớn.

“Các con tôi rất giàu tình cảm, chúng luôn cần cha mẹ bên cạnh để chia sẻ, đồng hành. Nhưng ngặt nỗi khi các con cần thì cha mẹ không ở bên. Bây giờ thì đã quá muộn, con trai lớn của tôi mắc chứng trầm cảm. Cháu học xong đại học nhưng không muốn đi làm việc, chỉ ở nhà lủi thủi một mình, suốt ngày dùng điện thoại. Tôi hối hận vì đó là phần lớn do lỗi của cha mẹ, của người lớn trong gia đình... Lúc này vợ chồng tôi cũng bắt đầu bất đồng ý kiến”, bà Lệ H. buồn bã nói.

Trong xã hội hiện đại, để duy trì được hạnh phúc gia đình thì mỗi người đều cần vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người chung quanh để văn hóa gia đình Việt Nam luôn được phát huy tối đa.

Mỗi gia đình và toàn xã hội cần chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh, để gia đình thật sự là tế bào mạnh khỏe của xã hội.

Nhằm kế thừa và phát huy hơn nữa giá trị gia đình truyền thống Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1206/QĐ-BVHTTDL ngày 4/5/2024 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tạo sự lan tỏa về các chuẩn mực, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam góp phần nâng cao, làm chuyển biến trong nhận thức của đông đảo quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình, từ đó có hành động thiết thực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gin-giu-gia-tri-van-hoa-gia-dinh-viet-nam-186499.htm