Gìn giữ hương thơm truyền thống

Mỗi dịp tết đến, xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên bàn thờ tổ tiên mỗi gia đình luôn có những nén hương thơm ngát. Ẩn sâu trong hương thơm nồng nàn không chỉ là tấm lòng hiếu kính của con cháu tưởng nhớ ông bà tổ tiên mà còn có cả những câu chuyện về nghề được gửi gắm, gìn giữ qua nhiều thế hệ…

 Việc đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào nghề làm hương góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: TH

Việc đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào nghề làm hương góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: TH

Dù đã sắp bước sang tuổi 70, cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng ông Nguyễn Mỹ và bà Nguyễn Thị Châu, ở Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà vẫn miệt mài với các công đoạn làm hương với mong muốn giữ được nghề truyền thống của ông cha để lại. Dưới cái nắng dịu nhẹ những ngày giáp tết, ông Mỹ vừa thoăn thoắt trải nguyên liệu ra phơi vừa tâm sự với chúng tôi: “Bố tôi là một trong những người đầu tiên gắn bó với nghề làm hương thủ công truyền thống nơi đây. Tôi được ông truyền nghề từ khi mới chỉ 12 tuổi. Bố tôi thường bảo, dâng hương là nét đẹp trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Thế nên, để làm được những nén hương thơm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo mà cần cả cái tâm của người thợ. Phải là người có tâm mới gắn bó lâu dài với nghề. Chính lời chỉ bảo ấy đã giúp tôi gắn bó, duy trì và phát triển nghề truyền thống trong suốt nhiều năm qua. Nguyên liệu chính để làm hương của gia đình tôi là từ các loại gỗ, lá cây rừng như cây bời lời, cây hương bài nên hương khi đốt lên chỉ có một mùi thơm dịu nhẹ duy nhất của cây cỏ chứ không nồng, đa dạng mùi như các loại hương sử dụng hóa chất tạo mùi. Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, cái “tâm” làm nghề không cho phép chúng tôi làm cẩu thả, làm kém chất lượng. Mặc dù lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi nhưng chúng tôi rất yêu nghề và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại”.

Cũng theo vợ chồng ông Mỹ, mỗi nén hương mỏng manh như vậy, nhưng để làm ra là cả một nghệ thuật. Công đoạn đầu tiên là chẻ tăm hương. Tăm hương được làm từ những cây tre lồ ô dài và thẳng được ngâm vài tháng dưới ao, sau đó được vớt lên phơi nắng và chẻ nhỏ, dài chừng 40 - 50 cm. Để que hương cháy đượm, không bị tắt giữa chừng, vợ chồng ông phải phơi tăm hương thật kĩ trước khi đem lăn bột. Vỏ cây, lá cây sau khi lấy trên rừng về được phơi khô, băm nhỏ và xay mịn rồi được pha trộn theo một tỉ lệ nhất định, sao cho đảm bảo độ kết dính và hương thơm. Sau đó đến công đoạn lăn hương, đây là công đoạn vất vả nhất đòi hỏi người làm phải thật khéo léo và nhanh tay. Trước đây, khi chưa có máy lăn hương, vợ chồng ông Mỹ phải làm hoàn toàn bằng tay theo các bước nhúng ướt tăm hương, sau đó đem lăn qua, lăn lại trên lớp bột vỏ cây đã được trộn sẵn, rồi lại tiếp tục nhúng vào xô nước và lăn thêm nhiều lần nữa, cứ như vậy cho đến khi được một nén hương to bằng chiếc đũa. Sau đó đem hương phơi dưới nắng nhẹ, khoảng 2 - 3 nắng, đảm bảo que hương khô, cứng và cháy đượm. “Năm trước, gia đình tôi mua một chiếc máy lăn hương để rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo đảm đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt vào những dịp cao điểm lễ, tết. Khi đã có đầy đủ nguyên liệu, nếu sử dụng máy lăn hương thì bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi làm được khoảng gần 8.000 cây hương, năng suất tăng lên nhiều lần so với giai đoạn lăn hương thủ công. Hương do cơ sở chúng tôi sản xuất khi đốt tỏa mùi thơm thanh khiết, dễ chịu và chắc chắn nếu ai đã dùng thử một lần thì đều sẽ phải quay lại mua thêm nhiều lần nữa bởi những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ thiên nhiên luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Mỹ tự tin cho biết.

Cũng chính cái tâm với nghề đã giúp gia đình ông Mỹ đứng vững trong cơ chế thị trường để giữ nghề và phát triển quy mô sản xuất. Lấy chất lượng làm đầu và không ngừng tìm hiểu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay, mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình ông Mỹ tiêu thụ khoảng 50 vạn cây hương với nguồn thu mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng.

Với gia đình ông Mỹ, bà Châu và nhiều gia đình còn lưu giữ nghề làm hương truyền thống ở Quảng Trị, những nén hương thơm thành kính dâng lên các bậc tổ tiên trong những ngày rằm, lễ, tết như một điểm tựa tâm linh của người Việt Nam, bày tỏ lòng hiếu kính của thế hệ con cháu đối với những người đã khuất, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo qua nhiều thăng trầm lịch sử. Có lẽ, cũng vì ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp này mà những người như ông Mỹ, bà Châu luôn có ý thức giữ nghề làm hương truyền thống bằng cách áp dụng khoa học hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây hương, đồng thời giữ gìn những giá trị cổ truyền của sản phẩm là điều mà những người gắn bó với nghề làm hương truyền thống luôn dặn dò con cháu.

“Tôi luôn tâm niệm, nén hương là phương tiện kết nối tâm linh nên trong sản xuất phải thật tâm, dùng 100% nguyên liệu tự nhiên. Việc đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại cũng là để góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống”, ông Mỹ cho biết thêm.

Thắp hương thờ cúng tổ tiên là tập quán đi sâu vào đời sống tín ngưỡng của người dân và là nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, mặc dù nghề làm hương thủ công không còn phổ biến nhưng nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145775