Gìn giữ nếp xưa ở vùng nông thôn mới

Thôn văn hóa Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Ảnh: LÊ TRÂM

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo và nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Đó là xây dựng NTM gắn liền với việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của làng quê, qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Trong quá trình xây dựng NTM, dù đã có nhiều đổi thay, từ diện mạo nông thôn đến chất lượng cuộc sống, nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống về tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong tốt đẹp… vẫn còn được gìn giữ ở các khu dân cư (KDC).

Thắt chặt tình làng nghĩa xóm

Đến các KDC Tân Phú, Tân Long của xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), đường bê tông nông thôn trải dài, đi ngang cửa ngõ nhà dân, xuyên qua cánh đồng. Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Tân Long chia sẻ: Hồi trước chỉ có con đường từ chợ trung tâm xã ra thôn là khá rộng, còn đường qua các KDC, cũng gọi là đường nhưng chỉ rộng hơn bờ ruộng một chút. Khi xây dựng NTM, người dân ở hai bên hiến đất mở rộng đường. Từ khi đường nông thôn được mở rộng, trải bê tông phẳng lì, ô tô ra vào dễ dàng. Ngày trước, mùa mưa phải lội bộ, nay xe máy chạy thẳng vào đụng hàng ba. Hiện nhiều con đường bê tông thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản; kinh tế gia đình phát triển, đời sống người dân nâng cao, học sinh đến lớp đến trường trong những bộ đồng phục tươm tất, không lo dính bùn đất.

Cũng theo ông Trung, ngoài phát triển kinh tế, người dân trong xóm còn chú trọng việc học. Ông bà, cha mẹ nhắc nhở, dặn dò con cháu, đi đâu, làm gì cũng phải học, phải hiểu biết mới giàu sang, hạnh phúc. Vì vậy mà vùng NTM này hầu như nhà nào cũng có con học đến cao đẳng, đại học.

Từ xã An Thạch xuống xã An Ninh Tây rồi qua xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), hai bên đường nhiều KDC sầm uất chẳng khác gì ở thị trấn. Không ít ngôi nhà to đẹp mọc lên. Xóm nhà ngắt quãng, đoạn đường qua cánh đồng giáp ranh giữa An Ninh Tây với An Ninh Đông được trang trí bởi bồn hoa, cây cảnh, làm đẹp NTM.

Hiện là thời điểm cày ruộng chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa hè thu. Chiều, ông Trương Văn Vinh ở xã An Ninh Tây cầm tấm lưới ra ruộng trũng ở cánh đồng Ngũ Chủ thả cá. Trong khi chờ cá dính lưới, ông Vinh đi dọc bờ ruộng nhà mình nhét lỗ mậu cua đùn rồi thuận tay đắp giùm trổ ruộng bên cạnh.

Ông Vinh thổ lộ: Người dân trong vùng sống rất là tình thương mến thương. Hôm rồi lên Gia Lai thăm người thân, vợ ở nhà lo con nhỏ, tôi nhờ người anh gần nhà đi thăm ruộng thấy lúa chậm phát triển thì vãi cho thúng phân. Khi tôi về, chiều đi ra con đường hoa trước nhà thăm ruộng, anh bận việc thì nhờ tôi đắp giúp trổ nước. Cuộc sống người dân ở đây chan hòa, không so đo thiệt hơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống

Nét đẹp truyền thống tối lửa tắt đèn có nhau đã và đang được người dân các xã NTM Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc, Hòa Trị…(huyện Phú Hòa) phát huy. Minh chứng rõ nét là việc người dân địa phương hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, vận động con cháu xa quê đóng góp xây dựng nhà họ tộc bị xuống cấp, chỉnh trang nhà cửa, làm đường bê tông vào khu di tích lịch sử…

Mùng 5 tết, ông Phan Văn Minh cũng như bao người dân ở xã Hòa Thắng đến nhà họ tộc thắp nhang, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng. Ông Minh nhớ lại, hồi mẹ ông còn khỏe hay kể chuyện về nhà họ tộc cho anh em ông nghe. Rằng thời kỳ kháng chiến, đây là nơi ẩn nấp hoạt động của cán bộ cách mạng, du kích địa phương nên bị địch bắn phá dữ dội. Kết thúc chiến tranh, người dân chung tay xây cất lại ngôi nhà thờ họ tộc. Thường ngày rằm, nhiều người đến cúng vái, cầu mong cuộc sống ấm no, yên bình, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Rồi mọi người xúm xít nấu nướng, ăn cơm cùng nhau, bàn chuyện sản xuất, hùn vốn làm ăn, người có của kẻ có công. Trong xóm có người già neo đơn thì phân công giúp đỡ, chăm sóc…

Chiều muộn, bà Bùi Thị Hiền ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) đến nhà người quen trong xóm thăm chơi. Để ngửa cái nón trước thềm, bà Hiền cùng người bạn ngồi bàn chuyện sáng sớm hôm sau làm vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp. “Đường bê tông xuyên qua các thôn, trước mỗi xóm nhà. Bà con trong xóm góp công, góp sức làm vệ sinh, trồng hoa... Đường sạch đẹp, mình đi thăm đồng cũng sướng cái chân. Trong xóm có đám cưới đám hỏi, phụ nữ mặc áo dài đi trên đường bê tông quang đãng thêm tự tin, thấy hạnh phúc…”, bà Hiền nói.

Theo bà Trần Thị Ngọc Đỉnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Mỹ Tây, nét đẹp nghĩa tình, đoàn kết cộng đồng được chị em và người dân địa phương phát huy trong xây dựng NTM. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong các cấp phụ nữ. Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp đường nông thôn, trường học, trụ sở sinh hoạt văn hóa...

“Khi xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hội phụ nữ đã chỉ đạo các chi hội phối hợp cùng các hội, đoàn thể khác tuyên truyền cho người dân biết và đồng thuận chủ trương. Các chi hội tăng cường động viên chị em trồng những hàng rào xanh vừa để tạo môi trường mát mẻ, vừa giữ lại vẻ đẹp, nét bình yên của làng quê. Hiện nay, phụ nữ xã Hòa Mỹ Tây đã trồng và chăm sóc bờ rào xanh ở khắp các đường thôn, ngõ xóm, góp phần gìn giữ màu xanh nông thôn”, bà Đỉnh chia sẻ.

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy và chính quyền địa phương còn coi trọng tiêu chí xây dựng văn hóa. Từ đó giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống ở các làng quê mãi trường tồn với thời gian. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền lắm của, ăn ngon mặc đẹp, mà còn ở sự bình yên trong tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT,

Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/277242/gin-giu-nep-xua-o-vung-nong-thon-moi.html