Gìn giữ nghề, làng nghề truyền thống
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã dành sự quan tâm, ban hành nhiều chính sách để giữ gìn nghề, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhờ đó nhiều nghề, làng nghề được phục hồi và phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo ở vùng đồng bào DTTS, miền núi xứ Thanh.
Mô hình dệt thổ cẩm của dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc.
Có thể thấy, mỗi tộc người có những ứng xử với nhiều điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau, từ đó hình thành những truyền thống văn hóa, ngành nghề khác nhau, vì vậy, tạo nên tính đa dạng trong sản xuất, đa dạng ngành nghề của đồng bào DTTS. Chính sự đa dạng đó đã bảo lưu được những tri thức dân gian đối với các nghề truyền thống. Đó là tri thức trong nghề thêu, dệt thổ cẩm, nghề rèn đúc, nghề làm giấy... Theo thống kê, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có gần 700 thôn, bản có nghề, làng nghề truyền thống đang duy trì hoạt động, trong hộ, nhóm hộ gia đình và các tổ hợp tác... Các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát mây tre đan, đan cót, ủ rượu cần, nấu rượu siêu men lá, rèn... đã hình thành từ lâu đời, trong đó 5 làng nghề được đánh giá là có khả năng phát triển gắn với du lịch, như: Làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá, mây tre đan ở bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh), gắn với du lịch sinh thái thác Ma Hao; làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá bản Thanh Xuân, thôn Thác Mạ, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân), gắn với du lịch hồ Cửa Đặt; làng nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá bản Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước), gắn với du lịch sinh thái thác Hiêu... việc phát triển được những nghề trên đã và đang góp phần giữ gìn nghề, làng nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Một trong những nội dung quan trọng, góp phần giữ gìn nghề, làng nghề truyền thống, đó là ngày 10-11-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, tỉnh ta sẽ đầu tư để bảo tồn 8 nghề truyền thống là nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu ren, nghề đan lát mây tre đan, nghề đan cót, nghề ủ rượu cần, nghề nấu rượu siêu men lá, nghề rèn và nghề làm nỏ. Đồng thời, hỗ trợ để phát triển 27 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập và 9 làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái và khu vực cửa khẩu. Qua đó, nâng tỷ lệ giá trị sản xuất nghề, làng nghề truyền thống lên 20-25% tổng giá trị sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số; góp phần tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động, với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho 27 làng nghề truyền thống...
Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống ở miền núi xứ Thanh không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, miền núi.