Gìn giữ, phát huy các giá trị của Di sản Tràng An
Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới, Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Tháng 6/2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đến nay, sau 9 năm được ghi danh, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản theo Công ước Di sản thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cam kết thực hiện tốt quy định trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản, quyết tâm định vị thương hiệu du lịch gắn với di sản, phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch bền vững, tạo thêm sinh kế cho người dân
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích trên 12 nghìn ha; vùng lõi có trên 14 nghìn người trên tổng số 44 nghìn người dân sinh sống ở đây. Từ khi được ghi danh là Di sản thế giới, công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững tạo thêm sinh kế mới cho người dân nơi đây luôn được tỉnh chú trọng. Số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An là trên 10 nghìn người, lao động gián tiếp hơn 20 nghìn người, tập trung vào một số nhóm nghề như: Chèo đò, bán hàng, bảo vệ, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ hoặc vận hành các cơ sở lưu trú du lịch... Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng được nâng cao rõ rệt qua từng năm.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực di sản được đầu tư nâng cấp, cải tạo đã tạo thuận lợi lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chị Hoàng Thị Khuyến, lái đò Khu Du lịch sinh thái Tràng An luôn tự hào, vinh dự khi quê hương có một di sản đẹp và có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. "Cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi rõ rệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới. Nhờ đó, chúng tôi có việc làm ổn định, nâng cao đời sống gia đình. Hơn cả là được gặp gỡ nhiều du khách ở các đất nước, nền văn hóa khác nhau. Từ đó, chúng tôi có điều kiện quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới", chị Khuyến chia sẻ.
Đối với Quần thể danh thắng Tràng An, các mục tiêu phát triển bền vững luôn đặt con người là trung tâm, là mục tiêu cho phát triển. Quản lý di sản nhằm trao truyền cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Vì vậy, để di sản thực sự là tài sản của của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì cộng đồng đang là mục tiêu của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho biết, doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để họ thấy được tầm quan trọng và giá trị của di sản. Qua đó, giúp họ nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di sản, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng.
Cân bằng lợi ích giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển
Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản thế giới, Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Hệ thống các văn bản ban hành đã xác định toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc quản lý và bảo vệ di sản; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công - tư, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên: chính quyền - cộng đồng - doanh nghiệp; trong đó, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản, để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ.
Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chuyên ngành đã tổ chức 65 lớp tập huấn cho gần 9.000 người dân trong khu di sản nhằm nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, quản lý, bảo vệ di sản cho cán bộ quản lý các khu du lịch, di tích lịch sử văn hóa cũng như bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân làm dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp ý kiến vào việc hoạch định các cơ chế, chính sách, tham gia quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản, hình thành sự cân bằng giữa bảo tồn và đảm bảo sinh kế người dân, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành trung tâm trong công tác bảo vệ di sản.
Địa phương đã chú trọng cân bằng lợi ích giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển, lợi ích của các bên liên quan trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An. Quần thể danh thắng Tràng An là một trong số ít di sản ít chịu sự tác động của con người. Con người và thiên nhiên hòa thuận, mang lại lợi ích cho nhau qua việc tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, hài hòa với lợi ích của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh, đến nay, các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới đã được tỉnh thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt. Các khu, điểm du lịch trong Khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình.
Thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục hoàn thiện mô hình hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tập trung vào các vấn đề về cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ lợi ích, sự phối hợp và trách nhiệm giữa các bên liên quan. Đồng thời, tỉnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên không thể tái tạo, hạn chế tác hại của thiên tai và chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, tăng cường năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững. Địa phương tập trung giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát huy giá trị phục vụ phát triển của địa phương.