Gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu
Điệu múa Tung tung da dá thường được biểu diễn trong đám cưới, dịp Tết, hay các lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới, dựng làng, dựng nhà Gươl… Việc đưa vũ điệu này vào chương trình biểu diễn phục vụ du khách là cách gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Từ tháng 6/2022, Tung tung da dá (còn gọi là vũ điệu dâng Trời) chính thức được biểu diễn ở Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài (gọi tắt là Khu du lịch Núi Thần Tài tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) để phục vụ du khách. Một năm qua, nhiều du khách biết đến điệu múa này, đời sống của bà con dân tộc ở xã Hòa Phú theo đó dần được cải thiện.
Thu hút du khách
Có mặt tại Khu du lịch Núi Thần Tài trong những ngày tháng 3/2023, anh Nguyễn Hữu Phú (35 tuổi) - hướng dẫn viên du lịch đến từ TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - bày tỏ ấn tượng khi thấy các nam thanh niên Cơ Tu đóng khố, vai đeo tấm choàng thổ cẩm, đi chân đất, tay cầm khiên; các cô gái mặc váy thổ cẩm để vai trần, cổ đeo vòng cườm, bước chân uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác.
"Tôi tham gia đoàn khảo sát tour, đến đây thấy vũ điệu Tung tung da dá thú vị vì điệu múa nhộn nhịp, mạnh mẽ, nhưng cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, phù hợp với cả nam lẫn nữ du khách muốn múa cùng đồng bào Cơ Tu", anh Phú nói.
Đứng bên cạnh anh Phú, chị Phạm Quỳnh Nga (TPHCM) không rời mắt khỏi đội múa Tung tung da dá đang biểu diễn. Chị Nga đi cùng nhóm bạn người Hàn Quốc đến Khu du lịch Núi Thần Tài và thấy mãn nhãn với vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu.
Khi trống chiêng nổi lên, các cô gái múa trước, sau đó các chàng trai bước ra và nối tiếp vào. Họ xếp thành một vòng tròn, nếu vẫn dư người múa thì tạo thêm một vòng tròn khác, nhưng luôn tuân nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam.
Chị Nga chia sẻ: "Các bạn của tôi đến từ Hàn Quốc, chưa biết về điệu múa Tung tung da dá. Tôi cũng lần đầu thưởng thức vũ điệu vừa sinh động trong tiếng cồng chiêng, vừa độc đáo với trang phục đầy màu sắc các họa tiết hoa văn và những động tác uyển chuyển của các chàng trai, cô gái. Tôi cảm nhận thông điệp được thể hiện trong điệu múa, đó là nguyên lý âm - dương hài hòa để người sinh vật thịnh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no và hạnh phúc".
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Lê Thị Bích Hương - Giám đốc Truyền thông và Marketing Khu du lịch Núi Thần Tài cho biết, Khu du lịch này hoạt động theo phương châm kinh doanh gắn liền với giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, cụ thể là nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
"Vào các dịp lễ lớn hoặc những sự kiện quan trọng, Khu du lịch Núi Thần Tài luôn lồng ghép hoạt động tham quan, vui chơi và trải nghiệm những buổi biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ Tu. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu đến gần hơn du khách, góp phần quảng bá thêm nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong lòng du khách trong và ngoài nước", bà Hương cho hay.
Thôn bản rộn ràng, đời sống được cải thiện
Chị Za Râm Nguyệt - Đội trưởng đội múa Cơ Tu thôn Phú Túc cho biết, điệu múa Tung tung da dá thường được biểu diễn vào dịp mừng lúa mới, vụ mùa bội thu; đám cưới; các lễ hội như đâm trâu, dựng làng, dựng nhà Gươl; đặc biệt là dịp Tết…Tung tung theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa. Da dá có nghĩa thẳng hàng, mang ý nghĩa tâm linh là tạ ơn trời đất.
Không giấu niềm vui sau khi đón nhận những tiếng vỗ tay của du khách tán thưởng tiết mục múa, chị Za Râm Nguyệt chia sẻ: "Chúng tôi được biểu diễn để phục vụ du khách tham quan Khu du lịch Núi Thần Tài. Đây cũng là cơ hội để điệu múa Tung tung da dá được bảo tồn, quảng bá, lan tỏa đến mọi người, gìn giữ được nét đẹp văn hóa của người Cơ Tu".
Cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang hiện có khoảng 1.450 người, sống tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú). Riêng thôn Phú Túc có 170 hộ với gần 700 nhân khẩu; người dân chủ yếu làm dịch vụ, khai thác keo, trồng keo…
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ khu dân cư thôn Phú Túc cho biết, từ khi có các khu du lịch trên địa bàn, đời sống của bà con được nâng lên. Không những thế, các khu du lịch còn đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong thôn.
Có những thanh niên được nhận vào đội múa Tung tung da dá. Cả đội khoảng 25-30 người, một buổi biểu diễn mang lại thu nhập cho một người khoảng 200.000 đồng.
"Bà con phấn khởi lắm. Các khu du lịch góp phần thu hút du khách tới địa phương, giúp bà con chúng tôi có cơ hội giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa truyền thống như điệu múa Tung tung da dá, rượu cần… Chúng tôi cũng đang khôi phục nghề dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ để giới thiệu đến du khách trong cũng như ngoài nước", ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ niềm vui khi con cháu người đồng bào tại địa phương không những có công ăn việc làm mà còn tham gia giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
"Chúng tôi có thêm cơ hội được trình diễn, quảng bá bản sắc văn hóa người đồng bào mình đến với du khách. Con cháu có thu nhập, thôn bản thêm rộn ràng", ông Nghĩa bày tỏ.