Gìn giữ Tết cổ truyền trong cộng đồng người Việt xa xứ
Nỗi niềm của những người con Việt xa xứ đau đáu về cái Tết cổ truyền, với mong muốn được trở về, được sum họp bên gia đình bạn bè.
Tết gọi những người xa quê trở về, gọi những người bận rộn lại với mâm cơm gia đình, bên những chiếc bánh chưng xanh biếc, bên bàn trà nước nói cười râm ran, bên những lời chúc còn thoang thoảng khí xuân rộn ràng...
Với những người con xa xứ, Tết lại càng là nỗi nhớ khôn nguôi, là hành trình mà mỗi người Việt ở nơi xa ấy muốn đi hơn bao giờ hết trong đời người. Vào ngày 30 Tết, khi nhắc đến Tết thì chắc hẳn ai cũng có trong tâm trí bánh chưng, cành đào… sum họp gia đình. Với người Việt xa xứ, họ không có hình ảnh đó, trong họ Tết là nỗi nhớ da diết quê nhà, gia đình.
Nỗi niềm của những người con Việt xa xứ đau đáu về cái Tết cổ truyền, với mong muốn được trở về, được sum họp bên gia đình bạn bè. Trong số hơn 4,5 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, không phải tất cả đều có cơ hội được trở về nhà ăn Tết. Có những người xa quê hàng chục năm mới về một lần, cơ hội về Tết cũng thật hiếm hoi. Nhiều người trong số họ Tết ở Việt Nam là những ký ức rất xa xôi, nhưng vẫn chân thực và gần gũi. Đó là nỗi nhớ về bữa cơm gia đình có các món ăn truyền thống như thịt gà, có nem, bánh chưng, nước tắm mùi xả, hương nhu...
Đối với những người xa xứ, Tết không chỉ là dịp để đón năm mới truyền thống mà còn là dịp để cho con cháu biết về nguồn gốc văn hóa nguồn cội dù đang ở nơi xứ người. Nhiều nhà vẫn giữ nếp Tết xưa cũ, cùng gói bánh chưng, làm giò, làm bữa cơm tất niên và đón giao thừa theo cách riêng của họ.
Chị Cao Hồng Vinh đã xa quê hơn 30 năm. Ở Ba Lan, dù Tết chỉ thu xếp được nghỉ 1 ngày, chị vẫn cùng gia đình chuẩn bị một cái Tết như ở Việt Nam. Với chị, đó là cách để gắn bó với quê hương, giúp các con của chị có thể nhớ về cội nguồn của mình.
Sáng 30 Tết, các con dọn dẹp nhà cửa, chị đi chợ mua hoa và trang trí nhà cửa, nấu bữa cơm tất niên như làm nem, canh măng, nấu bóng thả như ở Việt Nam. Các con của chị cũng biết tục xông đất của Tết Việt. Khi giao thừa đến, người nào được giao nhiệm vụ xông đất sẽ bước vào nhà và trao muối đầu năm cho bố mẹ.
Còn đối với chị Thanh Ngân, một Việt kiều tại Áo, Tết truyền thống của Việt Nam là thời điểm quý giá nhất của gia đình, cho dù có đi bất kỳ nơi đâu: "Ngày 30 Tết, tôi làm một mâm cơm giao thừa đế con có thể tưởng tượng ra một phần nào đó về Tết truyền thống của Việt Nam. Tôi nói với các con tôi rằng: các con nên nhớ ngày 30 Tết là ngày tất cả gia đình đều tụ họp. Thế nên về sau dù thế nào đi chăng nữa các con nên nhớ cứ ngày 30 Tết thì về nhà với bố mẹ" - chị Ngân cho biết.
Với cộng đồng người Việt Nam xa xứ, có một nỗi niềm đau đáu là làm sao để Tết cổ truyền không mai một, tiếp tục được nuôi dưỡng, truyền lại cho các thế hệ con em mình. Tết không chỉ được tổ chức trong gia đình, còn được tổ chức trong cộng đồng Việt ở khắp nơi trên thế giới. Những đứa trẻ còn rất nhỏ, được bố mẹ cho tham gia Tết của cộng đồng, mặc áo dài, múa hát những bài hát Việt. Bởi vì Tết ở vốn xuất phát trước hết là từ cảm giác thân thuộc, những ký ức nuôi dưỡng từ thơ ấu bên gia đình. Với những người Việt ở nước ngoài sẽ thông qua cách này để duy trì Tết cho các thế hệ về sau này./.