Gìn giữ và lan tỏa hương vị mắm cổ truyền làng nghề Tam Thanh

Bỏ việc công ty nước ngoài thu nhập cao để về tiếp nối truyền thống gia đình làm mắm là điều chị Lê Thị Ngọc Tầm không nghĩ mình dám làm. Nhưng giờ đây, khi đã bước đầu đạt được những thành công với nghề cổ truyền của cha ông, chị càng vững tin để tiếp tục nỗ lực đưa hương mắm làng nghề Tam Thanh bay xa với những dự án ấp ủ để nâng tầm thương hiệu sản phẩm nước mắm quê hương …

Đã chuẩn bị sẵn tinh thần tới làng mắm người sẽ bị… ám đầy mùi mắm và phải ngửi mùi mắm cá nồng nặc. Nhưng lo lắng ấy đã không xảy ra khi chúng tôi tới làng nghề truyền thống làm mắm Tam Ấp, xã Tam Thanh, cách TP Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 7km. Trái lại, chúng tôi có một trải nghiệm nhẹ nhàng, dễ chịu khi đi xuyên qua làng bích họa Tam Thanh xinh đẹp, yên bình để tới làng mắm nằm ven bãi biển Tam Ấp.

Theo hướng dẫn của cán bộ chính quyền xã, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Lan ở thôn Hòa Trung do chị Lê Thị Ngọc Tầm làm Giám đốc. Được nghe chị Tầm giới thiệu về nước mắm của làng mắm Tam Ấp do có bí quyết riêng mà có mùi thơm tự nhiên, dễ chịu chứ không nặng mùi như thường thấy ở các loại mắm truyền thống khác, chúng tôi hiểu vì sao. Kể cả tới khu ủ chượp, khi mở nắp chum mắm ra cũng vậy.

 Chị Lê Thị Ngọc Tầm.

Chị Lê Thị Ngọc Tầm.

Từng chai nước mắm được chiết rót theo phương pháp thủ công có màu vàng đẹp. Chị Tầm cho biết, nước mắm Tam Thanh được người miền Bắc rất ưa chuộng, nhất là người Hà Nội hay mua để nấu phở vì nấu bằng nước mắm này nồi nước dùng có hương vị thơm ngọt tự nhiên.

Nhưng có một lý do nữa không vui cho làng mắm đó là cũng vì không còn mấy nhà giữ nghề cổ truyền của cha ông. Chỉ còn 40 hộ làm mắm nhỏ lẻ nằm rải rác quanh làng, nên tiếng là làng mắm nhưng khách lạ vào tận nơi nếu không được giới thiệu cũng khó biết đây là làng mắm.

Sự xuất hiện của nước mắm công nghiệp khiến nước mắm làng nghề chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường. Đời sống đi lên, Tam Ấp không còn được chứng kiến cảnh các bà, các mẹ tảo tần gánh mắm nhà làm đi bộ lên tận vùng núi Trà My đổi lấy gạo, chè mang về. Một số hộ gia đình vẫn cố gắng giữ nghề nhưng không làm thương hiệu, trong khi cạnh tranh với nước mắm công nghiệp rất khốc liệt, nên đã khó càng khó hơn.

 Nước mắm được chiết rót theo phương pháp thủ công.

Nước mắm được chiết rót theo phương pháp thủ công.

Chị Tầm cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các kênh phân phối thông thường khó duy trì, để tiêu thụ được, nước mắm phải bán chủ yếu trên mạng. Bà và mẹ cao tuổi không làm được nên chị quyết định bỏ làm việc ở công ty để về tập trung hỗ trợ bà, mẹ bán nước mắm và duy trì hoạt động của xưởng mắm gia đình. “Quyết định vào thời điểm đó với tôi cũng không dễ dàng. Nhưng thấy sản phẩm nước mắm của nhà mình vẫn được yêu thích và được người dùng tìm mua ở siêu thị, tôi thêm vững tin mình có thể làm được”, chị Tầm chia sẻ.

Khi quyết định toàn tâm toàn ý với nghề cổ truyền của cha ông, điều đầu tiên chị Tầm nghĩ tới đó là phải làm thương hiệu và định hướng làm theo kiểu thương mại, chuẩn chỉnh bao bì nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình OCOP. Làm thương hiệu như vậy không chỉ có giá trị đối với xưởng mắm gia đình mà còn góp phần đưa hình ảnh làng nghề lên một tầm cao hơn, sản phẩm nước mắm của làng nghề Tam Thanh được nhiều người biết đến hơn.

 Những chai nước mắm nhỏ được sản xuất bán cho khách du lịch.

Những chai nước mắm nhỏ được sản xuất bán cho khách du lịch.

Chị Tầm, sinh năm 1986, kể làng chị chủ yếu người lớn tuổi làm mắm nên muốn phát triển làng nghề cũng khó. Các bà, các mẹ chỉ biết làm theo công thức thủ công truyền thống, trong khi điều cần thiết là phải nắm bắt được nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng ra sao, phân phối thế nào… Theo chị, làng nghề muốn phát triển hơn, những người trẻ như chị phải thực sự có tâm huyết giữ nghề của cha ông và bắt tay nhau cùng làm.

“Nhất cá biển ngang, nhì mực nang một nắng”, nhưng không thể chỉ dựa vào ưu thế nguồn nguyên liệu như trước để nói rằng “nước mắm của Tam Thanh ngon” vì sử dụng nguyên liệu từ cá của biển ngang - vùng biển không có bãi rạn, không có cửa sông và độ mặn cao nên cá ở đây ngon. Sản phẩm chất lượng nhưng không được nhiều khách hàng biết đến thì cũng không hiệu quả. Ngoài mô hình cơ sở sản xuất hộ gia đình, làng nghề cũng có hợp tác xã làm mắm nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp trong khâu phát triển thương hiệu nên nước mắm Tam Thanh mới chỉ loanh quanh "ao làng" chưa thể vươn xa ra các thị trường khác. Nước mắm Tam Thanh chỉ phổ biến chủ yếu ở khu vực tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và được tiêu thụ ở một số địa phương phía Bắc. “Hướng xuất khẩu ra nước ngoài vì thế vẫn còn là một mục tiêu khó khăn. Nước mắm làng nghề Tam Thanh vẫn đang chật vật tìm hướng để đưa sản phẩm ra nước ngoài”, theo chị Tầm.

 Những chum ủ mắm ở làng nghề Tam Thanh.

Những chum ủ mắm ở làng nghề Tam Thanh.

Chị Tầm cho biết cơ sở của chị là một trong số ít dám dũng cảm rời hợp tác xã để tìm hướng đi riêng cho mình, vừa để gìn giữ nghề cổ truyền, vừa để hướng đến những mục tiêu cao hơn. Cũng như các gia đình còn bám nghề khác ở làng, quy mô cơ sở nhà chị vẫn còn nhỏ, chỉ có 6 nhân công làm thường xuyên, vào chính vụ ủ mắm, tết hay có đông khách du lịch mới thuê thêm nhân công. Để làm theo định hướng phát triển thời gian tới, trong vòng 2 năm nữa chị mong sẽ bảo đảm được nguồn nguyên liệu thông qua liên kết với các chủ tàu cá. Thứ nữa là phải liên kết làng nghề để có khả năng đáp ứng được số lượng lớn sản phẩm. Đây chính là hạn chế khi đi giao dịch với các đối tác thương mại và phải giới thiệu về năng lực sản xuất.

Được biết, địa phương cũng hỗ trợ các hộ còn giữ nghề cổ truyền trong làng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, đào tạo chuyển đổi số, giới thiệu sản phẩm ở một địa phương khác, nhưng chưa thể đủ. Chị cho biết, tận dụng lợi thế làng nghề nằm trên địa bàn xã Tam Thanh nổi tiếng là điểm đến du lịch của tỉnh Quảng Nam với làng bích họa Tam Thanh, bãi biển sạch đẹp, hoang sơ…, xưởng mắm nhà chị và các hộ làm mắm đã mở cửa đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm mắm. Đây cũng là một cách để quảng bá sản phẩm khá tốt để không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế cũng biết tới nước mắm Tam Thanh. Có những khách nước ngoài tuy không ăn được nước mắm nhưng vẫn mua các chai nhỏ về làm quà như một sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, khách nước ngoài tới tham quan làng bích họa cũng thích thú tới làng nghề và ngạc nhiên vì làng mắm vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/gin-giu-va-lan-toa-huong-vi-mam-co-truyen-lang-nghe-tam-thanh-740755