Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống
Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo của tỉnh Hà Nam diễn ra sôi nổi thông qua hàng trăm câu lạc bộ dân ca và chèo trải khắp các địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.
Xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân là một trong những địa phương có phong trào hát chèo nổi tiếng từ lâu của tỉnh Hà Nam. Hiện nay, Xuân Khê có 1 câu lạc bộ hát dân ca và chèo của xã và 5 câu lạc bộ hát dân ca và chèo của 5 thôn. Các thành viên đều là nông dân và có chung một niềm đam mê với nghệ thuật chèo.
Trong quá trình tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ, cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các thành viên câu lạc bộ hát dân ca và chèo trong xã Xuân Khê còn tự biên, tự diễn hàng chục tiểu phẩm, trích đoạn với nhiều ý hay, tứ lạ, thấm đẫm tình quê, mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc như: Ngôi nhà xóm lẻ; Bà mẹ sông Hồng, Dòng đời đơn bạc…
Nghệ nhân Trương Duy Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca và chèo xã Xuân Khê cho biết, xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích tiếng hát chèo, các thành viên trong câu lạc bộ dù bận rộn với công việc đồng áng, việc gia đình nhưng đều rất nhiệt tình với các hoạt động của câu lạc bộ. Toàn bộ kinh phí tập luyện, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn… đều do các thành viên của câu lạc bộ tự nguyện đóng góp và vận động nguồn xã hội hóa. Tuy khó khăn, vất vả nhưng ai cũng say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo.
Ông Trần Mạnh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân cho biết, từ bao đời nay, hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ quen thuộc của người dân trong xã. Những năm qua, song song với phát triển kinh tế, Xuân Khê đã đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa. Bên cạnh đó, xã cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo thông qua việc chỉ đạo thành viên các câu lạc bộ tổ chức dạy hát chèo cho các học sinh cấp 1 và 2 của xã. Nhờ đó, các câu lạc bộ hát dân ca và chèo trên địa bàn xã hiện nay đều đã quy tụ được những diễn viên nhí có niềm đam mê hát chèo.
Tỉnh Hà Nam hiện có gần 100 câu lạc bộ hát dân ca và chèo. Thành viên của các câu lạc bộ đều là những nông dân, công nhân không chuyên, nhưng có một tình yêu sâu sắc với nghệ thuật chèo. Chẳng hạn như câu lạc bộ dân ca phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, có 40 thành viên đã hoạt động được hơn 10 năm. Mặc dù không có dàn nhạc chuyên nghiệp như một số chiếu chèo nổi tiếng khác, song các thành viên của câu lạc bộ vẫn luôn nhiệt tình, dành nhiều thời gian và tâm huyết để luyện tập và biểu diễn những làn điệu chèo cũng như truyền bá cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật chèo.
Bà Đặng Tuấn Dung, thành viên câu lạc bộ dân ca phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên chia sẻ, hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều hình thức giải trí nên các loại hình văn hóa văn nghệ truyền thống trong đó có hát chèo ít được quan tâm. Điều trăn trở của bà cũng như các thành viên trong câu lạc bộ là làm sao truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục lưu giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật hát chèo của ông cha. Vì vậy, từ nhiều năm nay, với tình yêu nghệ thuật chèo và mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo, bà Dung cùng các thành viên câu lạc bộ đã không quản ngại khó khăn liên hệ với các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thị xã Duy Tiên để đưa các làn điệu chèo vào các tiết mục văn nghệ của các nhà trường. Hiện nay, rất đông học sinh trên địa bàn đã hiểu, cảm nhận và có niềm đam mê với nghệ thuật chèo.
Với sự nỗ lực và tâm huyết của những người yêu chèo, nhiều chiếu chèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam không những được khôi phục dưới hình thức các câu lạc bộ hát dân ca và chèo mà còn hoạt động sôi nổi, hiệu quả như tại các địa phương: Đồng Văn, Chuyên Ngoại, Châu Giang, Hợp Lý, Đức Lý, Xuân Khê, Lê Hồ…
Ông Ngô Thanh Tuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam cho biết, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo. Hàng năm, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên câu lạc về các làn điệu dân ca và chèo, việc thực hành các nhạc cụ trong dàn nhạc chèo; đồng thời tổ chức các liên hoan dân ca và chèo, đặc biệt vào dịp đầu Xuân năm mới, tổ chức liên hoan các chiếu chèo.
Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu nhạc công trong các câu lạc bộ chèo; thế hệ trẻ ít mặn mà nên lớp trẻ kế cận không nhiều. Hiện nay, thành viên các câu lạc bộ dân ca và chèo của các địa phương trong tỉnh phần lớn có độ tuổi từ 50 trở lên, trong khi đó, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chèo cũng còn nhiều khó khăn…
Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tổ chức các liên hoan chèo nhằm tạo môi trường cho các câu lạc bộ chèo toàn tỉnh giao lưu, học hỏi, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn nghệ thuật chèo; nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân; đưa nghệ thuật chèo vào trường học; đào tạo, tuyển chọn thế hệ diễn viên, nhạc công kế cận.