Gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống trong gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người. Dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi, xã hội ngày càng hiện đại, song truyền thống văn hóa trong mỗi gia đình Việt vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.

Được thành lập từ năm 2008, CLB gia đình hạnh phúc khu Cầu Tây, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của thành viên trong xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Được thành lập từ năm 2008, CLB gia đình hạnh phúc khu Cầu Tây, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của thành viên trong xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống
Trải qua nhiều thế hệ, truyền thống gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực đạo đức, giá trị tốt đẹp: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận thủy chung, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, biết kính trên nhường dưới... góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, vun đắp các mối quan hệ tốt đẹp để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường”, các thành viên trong gia đình ông Đỗ Văn Chước ở khu 15, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao vẫn luôn giữ được nền nếp gia phong, cùng sinh hoạt chung trong một mái ấm với 4 thế hệ mà không hề có tiếng bấc, tiếng chì. Với họ, khoảng thời gian ý nghĩa nhất là lúc cả nhà quây quần vào bữa cơm tối, cùng chuyện trò, chia sẻ với nhau sau một ngày làm việc, học tập. Khoảng thời gian sinh hoạt chung chính là sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.Ông Chước chia sẻ: “Việc duy trì gia đình 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, vui vẻ dưới một mái nhà là điều không hề đơn giản, vì mỗi người có quan điểm sống, cách nghĩ riêng… Bản thân tôi luôn gương mẫu và là sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dành thời gian để bảo ban, nhắc nhở con cháu phải biết kính trên nhường dưới, quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ; các thành viên tôn trọng nhau, bình đẳng bàn bạc, tháo gỡ những vấn đề phát sinh để sống vui vẻ, hòa thuận. Có như vậy gia đình mới êm ấm, hạnh phúc”. Ngày nay hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống hiện đại dẫn đến gia đình Việt Nam đang có những thay đổi lớn, xu thế chung đang dịch chuyển dần từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hai thế hệ, nhất là ở khu vực đô thị, mô hình hai thế hệ trong gia đình ngày càng phổ biến. Song dù hai hay nhiều thế hệ thì những nền nếp, gia phong, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt vẫn luôn được những người làm cha, làm mẹ gìn giữ.Là một trong những gia đình được Hội LHPN tỉnh khen thưởng tại hội nghị biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020, gia đình anh Hoàng Xuân Tùng và chị Nguyễn Thị Thúy Hòa khu Gò Làng, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê là hình mẫu đại diện cho mẫu gia đình trẻ, hiện đại hai thế hệ.Mặc dù bận rộn với công việc trồng rừng, có những hôm trời nắng nóng phải dậy từ 2-3 giờ sáng để lên đồi chăm cây đến tối mịt mới về, con cái còn nhỏ, song vợ chồng anh chị vẫn luôn quan tâm, chăm sóc, nuôi dạy con cái, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các con, chia sẻ công việc nhà và dành cho nhau sự quan tâm để gia đình luôn luôn tràn ngập tiếng cười.Chị Hòa tâm sự: Tôi luôn nghĩ quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái là yếu tố tích cực góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là sự yêu thương, trôn trọng, sẻ chia, là trách nhiệm, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình, là con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, biết nghe lời bố mẹ…”.Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho mỗi gia đình cơ hội có cuộc sống đủ đầy, khá giả, thậm chí giàu có hơn trước. Song mặt trái của kinh tế thị trường cũng đặt ra không ít thách thức, hệ lụy tác động trực tiếp đến các giá trị văn hóa truyền thống. Từ chỗ thiếu ăn thiếu mặc đến nay điều kiện kinh tế phát triển đã nảy sinh những bất cập từ chính những sản phẩm của xã hội hiện đại, đó là điện thoại, máy tính, mạng internet.Không ít gia đình mỗi người có một máy điện thoại hoặc máy tính, sử dụng tự do trong không gian riêng, hạn chế giao tiếp, chính điều này đã khiến cho sợi dây kết nối các thành viên trở nên lỏng lẻo, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về cách cư xử, lối sống và cả sự ích kỷ, không chia sẻ, thậm chí trốn tránh trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy như: Bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn…, rồi cả những tệ nạn xã hội cũng len lỏi, xâm nhập vào không ít gia đình.Theo số liệu thống kê, năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 141 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 45 vụ bạo lực tinh thần, 92 vụ bạo lực thân thể, bạo lực kinh tế bốn vụ. Đã có 88 người phải áp dụng các biện pháp xử lý, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; bảy người áp dụng các biện pháp giáo dục; 33 người bị xử phạt vi phạm hành chính; ba người bị xử lý hình sự. Có 132 người là nạn nhân bị bạo lực gia đình, trong đó 10 nam, 116 nữ… Chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc
Ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam và chọn tháng Sáu là tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là cơ hội để mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của gia đình, tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết- Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình - Sở VH-TT&DL cho biết: Nhằm phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng; kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập được gần 1.000 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 661 số điện thoại đường dây nóng, 1.569 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 798 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình... góp phần quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống gia đình trong thời đại ngày nay là điều hết sức quan trọng, trong đó phụ nữ giữ vai trò chủ đạo. “Giữ lửa” hạnh phúc là nhiệm vụ của người phụ nữ và để nhân lên những gia đình văn hóa tiêu biểu Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, xây dựng các Câu lạc bộ (CLB) gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình gắn với Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Được đánh giá là CLB hoạt động có hiệu quả, CLB “Gia đình hạnh phúc” khu Cầu Tây, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê không chỉ trở thành “cầu nối” giữa Hội với các gia đình, mà còn là sân chơi bổ ích để thành viên chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề trong quan hệ hôn nhân, nuôi dạy con cái góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.Bà Trần Thị Hùng - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Khi mới thành lập CLB chỉ có vài thành viên nhưng sau khi tôi trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền nhiều chị đã vận động chồng cùng tham gia. Đến nay CLB gia đình hạnh phúc khu Cầu Tây đã thu hút 20 gia đình tham gia sinh hoạt”. Nhờ có CLB gia đình hạnh phúc nên thời gian qua khu Cầu Tây không xảy ra tình trạng mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình và là khu dân cư văn hóa tiêu biểu của xã Tiên Lương.Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện, các cấp hội trong toàn tỉnh có 696 CLB “Gia đình hạnh phúc”. Thông qua CLB đã trang bị kỹ năng ứng xử cho các cặp vợ chồng, nâng cao nhận thức về pháp luật trong bảo vệ phụ nữ và chăm sóc trẻ em, kiến thức về bình đẳng giới, giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam góp phần vun đắp nếp nhà hạnh phúc. Để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồng Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202106/gin-giu-va-phat-huy-net-dep-truyen-thong-trong-gia-dinh-177917