Gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình trong thời kỳ mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại thì mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nhận thức được điều đó, nhiều gia đình luôn biết cách tạo dựng, giữ gìn những nét văn hóa ứng xử, nền nếp gia phong, xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa.

Vợ chồng anh Trần Duy Linh biểu diễn tại hội thi Karaoke gia đình văn hóa tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

Vợ chồng anh Trần Duy Linh biểu diễn tại hội thi Karaoke gia đình văn hóa tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

Bảo lưu các giá trị truyền thống

Trong số các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, chung thủy rất được coi trọng, được người dân đánh giá cao nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, chia sẻ việc nhà, hòa hợp và có thu nhập... Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 41,6% coi chung thủy là quan trọng và 56,7% coi chung thủy là rất quan trọng trong hôn nhân. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy hiện tượng bảo lưu những tiêu chuẩn như vẫn còn khắt khe với phụ nữ và vị tha hơn với nam giới trong vấn đề chung thủy (giá trị chung thủy quan trọng hơn với phụ nữ có tỉ lệ đồng ý cao là 66,2%). Điều này cho thấy, chung thủy vẫn là thước đo phẩm giá của người phụ nữ khi họ được kỳ vọng là nhân tố giữ gìn sự êm ấm, hạnh phúc tốt đẹp của gia đình và xã hội.

Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) quan niệm chung thủy là một trong những yếu tố hàng đầu giúp duy trì hạnh phúc, tình yêu và sự bền vững của mỗi gia đình. “Vợ chồng tôi xác định khi đã kết hôn thì cả hai phải luôn tin tưởng lẫn nhau, tình cảm trước sau như một, không thay đổi trước bất cứ sóng gió, cám dỗ nào của cuộc sống”, chị Thu thổ lộ.

Còn anh Trần Duy Linh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) chia sẻ: Xã hội hiện đại, gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Nhiều cặp vợ chồng sống thoáng hơn nhưng đối với tôi: “Đạo nào bằng đạo phu thê/ Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau” vẫn là yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn và xây dựng hạnh phúc gia đình như ông bà ta đã đúc kết.

Lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới luôn xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước... Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kế hoạch 33-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 178/KH-UBND về triển khai thực hiện kế hoạch này. Căn cứ kế hoạch, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện Chỉ thị 06, Kế hoạch 33 và chức năng, nhiệm vụ, tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế; tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 06 và Kế hoạch 33 đến cán bộ, đảng viên, chi bộ và Nhân dân; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách, pháp luật về gia đình, lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, đảm bảo sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác gia đình...

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở VH-TT-DL đã tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) theo hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL; triển khai các đề án, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; đẩy mạnh công tác PCBLGĐ và thực hiện các chỉ thị, kế hoạch về công tác gia đình và PCBLGĐ... Đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao gắn với công tác gia đình nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác gia đình và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình, bình đẳng giới trong gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp...

Vợ chồng tôi xác định khi đã kết hôn thì cả hai phải luôn tin tưởng lẫn nhau, tình cảm trước sau như một, không thay đổi trước bất cứ sóng gió, cám dỗ nào của cuộc sống.

Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn, huyện Tuy An

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/280771/gin-giu-van-hoa-truyen-thong-cua-gia-dinh-trong-thoi-ky-moi.html