Gìn giữ vẻ đẹp trang phục truyền thống

Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số (DTTS) đang đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Trong đó trang phục truyền thống của nhiều tộc người cũng đang có những biến đổi cần phải quan tâm.

Chính vì thế, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là rất cần thiết.

Cần giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống.

Cần giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống.

1. Theo Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS đã có sự biến đổi rất nhanh. Sự biến đổi đó trước hết là do xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng. Đó là thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa, xã hội. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống DTTS sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. Đồng thời, việc phát huy trên cơ sở bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục cũng không thể thực hiện được.

Chính vì vậy, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (với tổng kinh là 222,9 tỷ đồng) nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; góp phần phát triển bền vững văn hóa; làm cho trang phục truyền thống phổ biến; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Đề án sẽ thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến 2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS; khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh/thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội.

Là người nhiều năm sống và làm việc cùng với đồng bào các DTTS ở vùng miền núi Lào Cai, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Trang phục dân tộc không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc tộc người. Nói cách khác, mỗi bộ trang phục dân tộc được xem là “thẻ căn cước” của tộc người đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trang phục truyền thống của các DTTS đang ngày càng mai một và biến dạng. Trong 53 dân tộc thì có không ít DTTS không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người DTTS còn mang suy nghĩ nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu, vì vậy trang phục đặc trưng của dân tộc rất ít được sử dụng. Đó là thực trạng đáng buồn và đáng suy ngẫm hiện nay.

Chính vì vậy, theo TS Trần Hữu Sơn, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đã đưa ra nhiều nội dung, quy trình phù hợp, từ kiểm kê đến bảo tồn. “Có lẽ chúng ta cũng chỉ nên đặt mục tiêu giới hạn ở các môi trường bảo tồn như trong đề án, mặc trang phục dân tộc trong các ngày lễ, tết, hội, ngày khai giảng, tại các điểm du lịch... Nhưng cũng phải chú ý rằng có những thời điểm hoặc có những vùng khi người dân chuyển sang mặc các trang phục khác thì cần đề nghị đồng bào giữ trang phục truyền thống để mặc vào các thời điểm đặc biệt đó” - TS Sơn nhấn mạnh.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Chăm.

2. Để thực hiện được mục tiêu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu”, theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Đề án đang được triển khai với mục tiêu phấn đấu hoàn tất việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS. Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khôi phục trang phục truyền thống của các dân tộc đã mai một. Tôn vinh các nghệ nhân ưu tú; nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống.

Để triển khai hiệu quả, bà Nhung cho rằng, cần tổ chức các tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục các DTTS trong thời kỳ hội nhập và Cách mạng công nghệ 4.0; Mở lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các DTTS. Xây dựng mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trang phục truyền thống; mô hình bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống. Đồng thời, tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các DTTS, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Ngày di sản Việt Nam...; Xây dựng trang web giới thiệu quảng bá về trang phục truyền thống gắn với quảng bá văn hóa các DTTS. Cụ thể, đến năm 2022, phấn đấu 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Đây là những việc cụ thể, thiết thực để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa theo từng vùng miền, từng dân tộc phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả.

Vi Ngọc Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/gin-giu-ve-dep-trang-phuc-truyen-thong-tintuc460389