Giỏ đồ mẹ gửi

Con đã nói bao lần rồi. Mẹ cứ gửi nhiều quá làm gì? Rồi em nó không ăn kịp, lại vứt hết cho coi! Người con gái còn nguyên bộ đồ lao động, vừa rút chân khỏi đôi ủng đầy bùn đất đặt sát mép hiên nhà, vừa cằn nhằn.

- Con đã nói bao lần rồi. Mẹ cứ gửi nhiều quá làm gì? Rồi em nó không ăn kịp, lại vứt hết cho coi!

Người con gái còn nguyên bộ đồ lao động, vừa rút chân khỏi đôi ủng đầy bùn đất đặt sát mép hiên nhà, vừa cằn nhằn. Bà Tư chỉ “ừ à” rồi nhanh tay xếp bịch cua xuống đáy chiếc giỏ to, bịch cà chua, dưa leo, cây giò chả bọc kín bằng xấp lá chuối, gói chà bông và trên cùng là mấy trái mướp cùng bịch to rau lộn xộn mồng tơi, dền cơm, hoa thiên lý. Bà siết sợi dây ni-lông ngang miệng giỏ để đồ khỏi xô lệch rồi rinh ra cửa để. Người con gái vẻ mặt khó chịu nhưng vẫn bê giỏ đồ ra xếp lên sau xe máy rồi nổ máy và chống chân đứng đợi. Bà Tư lật đật trèo lên sau xe. Chiếc xe nổ máy và chầm chậm đi ra ngõ khi cơn mưa bắt đầu lại lắc rắc rơi.

Ông bà Tư có ba người con. Lan lấy chồng ở xã bên. Hoa đi lao động bên Malaysia. Chỉ còn Phú - cậu út là làm công nhân ở Bình Dương. Ông Tư mất vì bị K thanh quản đã bảy năm nay. Bà Tư ở một mình trong căn nhà nhỏ giữa xóm chủ yếu là người lao động. Hàng ngày, bà làm bánh gói bán dạo. Bánh bà không bỏ hàn the, hợp khẩu vị, nhẹ bụng, lại thương tính bà nhanh nhẹn xởi lởi nên mỗi ngày thúng bánh đầy ú chỉ đi một vòng là người ta mua hết. Thỉnh thoảng vợ chồng Lan chở nhau sang thăm hay đón bà sang nhà chơi. Rồi chừng vài tháng bà lại vào thăm con trai. Mỗi lần vào là bà lại khệ nệ thùng to, thùng nhỏ đem theo đủ thứ vào cho cậu út. Nhưng mấy năm nay, sức khỏe không còn như trước, bà không xuống được nên cứ băn khoăn làm sao gửi thức ăn được cho con. Vừa may, dịch vụ gửi đồ, cả gửi theo xe đò từ trong tỉnh đến ra ngoài tỉnh nở rộ, còn gì tiện bằng hôm nay bịch hoa trái, rau cỏ, thịt gà, thậm chí nồi cá bống kho tiêu ở quê, mai đã đến tay con ở tận thành phố xa tít.

Lan chở giỏ đồ nặng trịch ra để ở ven đường rồi quày quả quay xe chạy về để tránh cơn mưa đang có vẻ nặng hạt lên. Bà Tư và mấy người trong xóm cũng ra gửi đồ cho con cùng ngồi chờ xe trong quán nước của nhà Lợi Tam. Họ lao xao hỏi nhau về sự học và công việc của con cái. Nhìn món đồ gửi cũng thật đa dạng, chỗ này mấy thùng các tông to ngồn ngộn tỏa hương sầu riêng của nhà ông Tân gửi cho ba đứa con cùng sui gia ở Sài Gòn, kia cái hộp xốp gọn gàng của cô Loan gửi hai con gà đã đông đá cho con gái út, nhà Hiền Hòa là một bao to khoai lang có thêm quả mít Thái chín cho nhóm con cháu đông đúc ở Biên Hòa… Tất cả đều là sản phẩm của nhà hay mua lại của những nhà trong xóm, và đều được gói bọc kỹ càng. Với thùng hoa quả người ta còn khoét lỗ cho trái cây không bị ngộp hơi, chín nẫu.

Tầm hơn 19 giờ là xe khách liên tỉnh bắt đầu chạy nhiều. Khi còn cách điểm nhận hàng chừng 20km, nhà xe đã gọi để thông báo khách đi hay người gửi hàng chuẩn bị ra đón. Rồi những chiếc xe đường dài, đèn xanh đỏ nhấp nháy từ phía bên kia đèo chạy chậm chậm rồi dừng hẳn lại khi đến đoạn lố nhố người và thùng gói bên ven đường. Cánh cửa xe mở ra, chàng phụ lái nhảy xuống, xướng to số cuối điện thoại của khách đặt gửi: “698 gửi hàng đi Sài Gòn đâu?” Và trong nhóm người đứng đợi kia bước ra khi là ông bố khi là bà mẹ. Chàng phụ xe mở cốp, bưng món đồ xếp vào, cẩn thận hỏi và ghi số điện thoại người gửi rồi thu tiền cước. Rồi chiếc xe lại rì rì đi tiếp. Người gửi đồ xong chầm chậm đi về nhà, còn lại những người chưa gửi được lại tiếp tục ngóng về phía đỉnh con dốc, chờ những ánh đèn chớp xanh đỏ của những chuyến xe đang sắp đến trên hành trình xuống TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành lân cận.

- Ai gửi đồ đi Vũng Tàu đâu?

Tiếng phụ xe hỏi sát bên tai, bà Tư sực tỉnh. Bà líu ríu bước đến bên chỗ giỏ đồ. Chàng phụ xe nhanh nhẹn mở cốp xe, bưng đến để gọn gàng rồi quay sang bà: Cước trước nha cô! 50 ngàn ạ.

Chiếc xe chuyển bánh tiếp. Đã 21 giờ đêm, mưa đã tạnh, xe thưa dần. Bà Tư là người ra về sau cùng. Vừa đi bà vừa khẽ vung vung cánh tay khi nãy cố bưng, giờ mới thấy hơi ê ẩm. Bà lại nhớ đến vẻ mặt cau cau của con gái. Bà biết thực ra Lan chỉ là thương bà đứng đợi rồi chắt chiu tiết kiệm, com cóp gửi đồ cho con cái mà quên tẩm bổ cho bản thân nên mới nhằn bà như vậy. Chứ bà vẫn biết ba chị em chúng luôn thương yêu nhau. Rồi bà lại như thấy vẻ mặt bồi hồi cùng nụ cười của Phú khi mở thùng đồ thơm mùi mướp hương, rau ngò cùng những hoa trái vườn nhà.

- Chu choa! Mẹ gửi như này… Ở đây cũng có bán mà, mẹ gửi chi cho cực vậy trời? Như vừa xếp đồ vào góc tủ vừa lụm bụm: Lại còn cua nữa… Em đâu biết làm đâu!

Cất mấy quả mướp và bịch rau tập tàng vào hộc tủ lạnh, Phú nhìn Như cười độ lượng. Như nhỏ hơn anh gần chục tuổi và họ yêu nhau đã hai năm nhưng cô không quen làm bếp nên hoặc là Phú nấu, hoặc là họ đi ăn ở tiệm.

- Canh cua với rau mồng tơi và mướp ngày ở nhà mẹ hay nấu cho anh ăn. Mẹ luôn vậy. Dành dụm, chắt chiu cho các con. Mà toàn đồ sạch của nhà nên mẹ gửi cho tụi mình đó.

- Từ từ anh bày em nấu nha.

Phú nheo mắt hóm hỉnh:

- Con dâu tương lai tập nấu đi, nay mai về quê nấu cho mụ gia ăn chứ. Á… Á! Phú cuống quýt dãy tay. Một con cua đang cặp chặt rìa bàn tay anh. Nó bướng bỉnh không chịu nhả ra. Phú nhảy lò cò, vẩy rồi đập mạnh tay vào cạnh bàn gỗ. Con cua rớt xuống đất mà cái càng vẫn bám trên tay Phú. Như cười khúc khích. Phú nhìn cô, xoa chỗ tay đau rồi cũng bật cười thật to, mà khóe mắt lại ngân ngấn nước. Trong căn phòng, mùi thơm của mướp hương, của hoa thiên lý vẫn thoang thoảng như ở khu vườn nhà ở quê.

Truyện ngắn của Bích Thiêm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202009/gio-do-me-gui-8184267/