Gió đổi chiều ở vùng Vịnh sau cơn địa chấn tại Qatar

Màn trình diễn của các đội Ả Rập tại World Cup Qatar làm thay đổi thái độ giữa các đối thủ của Doha ở vùng Vịnh.

Vài tuần trước, khi nước chủ nhà Qatar chạy đua để tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, một số quốc gia Trung Đông, thậm chí, còn có dấu hiệu “vui sướng trên nỗi đau” bởi khâu chuẩn bị cuối cùng không đạt được như mong đợi.

Trước tình trạng khủng hoảng nhà ở, sân bay quá tải khi nhiều cổ động viên đổ về Qatar, hay lệnh cấm bia rượu gây tranh cãi vào phút cuối, những nước đối thủ ở vùng Vịnh đã nở nụ cười chế nhạo.

Nhưng chỉ 4 ngày diễn ra các trận đấu, với màn trình diễn vượt ngoài mong đợi của các đội Ả Rập và đặc biệt là cơn địa chấn Saudi Arabia, World Cup đã tiếp thêm năng lượng cho một khu vực đang cùng nhau chia sẻ niềm tự hào tập thể muộn màng.

Từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đến Morocco, sự kiện thể thao toàn cầu của năm đang được đón nhận nồng nhiệt, theo Guardian.

“Cách đây không lâu, chúng tôi đều là kẻ thù của Qatar”, Salah al-Oleimi, một doanh nhân Saudi Arabia đến từ Jeddah, nói.

“Không phận của họ bị đóng cửa, thương mại bị cấm và không có quan hệ ngoại giao”, ông đề cập đến cuộc tẩy chay kéo dài ba năm của 4 quốc gia Trung Đông do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman dẫn đầu. “Mọi thứ đều đóng cửa. Chúng tôi đã không gặp một người Qatar nào trong suốt 5 năm”.

“Nhưng bây giờ tất cả đã là quá khứ. Bóng đá là một công cụ tuyệt vời để lấp đầy mọi khoảng cách”, ông cho hay.

 Các cầu thủ Saudi Arabia ăn mừng sau trận đấu. Ảnh: Reuters.

Các cầu thủ Saudi Arabia ăn mừng sau trận đấu. Ảnh: Reuters.

Lý do để hòa thuận

Trước trận khai mạc vài ngày, tại Dubai, nơi chỉ cách thủ đô Doha của Qatar vỏn vẹn 45 phút bay, gần như không có dấu hiệu nào cho thấy World Cup đang đến gần.

Tuy nhiên, hôm 23/11, các quán cà phê dọc Đại lộ Mohammed bin Rashid của thành phố đã kín chỗ khi tuyển Đức thua Nhật Bản, và chật cứng người hâm mộ một ngày trước đó sau chiến thắng đáng nhớ của đội bóng Saudi Arabia trước Argentina.

“Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là một nhóm anh em họ thù địch và không thực sự thích nhau”, một quan chức của UAE cho biết. “Nhưng bóng đá đã cho chúng tôi lý do để hòa thuận với nhau trong một thời gian”.

Thế giới Ả Rập nói riêng đã chứng kiến một khoảnh khắc xuất thần hiếm có. Hend Amry, một tiếng nói người Hồi giáo nổi danh trên Twitter, đã lưu ý về cách người Ả Rập ăn mừng chiến thắng như thế nào “bất kể chính trị khu vực ra sao”.

“Bóng đá có khả năng đưa mọi người (xích lại với nhau) từ các quốc gia khác nhau và vượt qua những bối cảnh chính trị khác nhau mà không có gì khác có thể làm được. Và khi bàn thắng khó tin đó mang về chiến thắng lịch sử cho Saudi Arabia. World Cup của Qatar thực sự được tôn vinh là World Cup của thế giới Ả Rập”, Washington Post dẫn lời bà Amry.

Tại Kuwait, quốc gia thành viên của GCC, nhiều lời khen ngợi đã được dành cho màn trình diễn xuất sắc của Saudi Arabia, Maroc và Tunisia. Một số người thể hiện hài lòng trước cảnh đối thủ Iran bị Anh vùi dập, nhưng cũng có một chút ghen tị với chủ nhà Qatar.

“Xin thượng đế ban phước lành cho họ và giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi không có thành tích nào để ăn mừng”, một cổ động viên Kuwait viết trên Instagram.

 Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (trái), chụp ảnh cùng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại lễ khai mạc ở Doha. Ảnh: ABACA.

Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (trái), chụp ảnh cùng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại lễ khai mạc ở Doha. Ảnh: ABACA.

Phấn khích sau chiến thắng 2-1 trước Argentina, Saudi Arabia gần đây đã trở thành tâm điểm của vùng Vịnh. Người ta nhìn thấy Hoàng tử Mohammed đang cầu nguyện và ôm những người thân sau trận đấu.

Trong khi đó Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, đã vẫy cờ Saudi Arabia rồi quàng quanh cổ - một cử chỉ không thể tưởng tượng được khi chỉ vài năm trước hai bên coi nhau như kẻ thù.

Năm 2017, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và giao thương với Qatar. Họ cáo buộc nước này hỗ trợ các phần tử Hồi giáo cực đoan và khủng bố, cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của họ, theo New York Times.

Qatar phủ nhận những cáo buộc đó nhưng sự rạn nứt đã âm ỉ trong nhiều năm, ngày càng trở nên gay gắt trước khi nó được giải quyết phần lớn vào năm ngoái. Lệnh cấm vận trên không, trên bộ và trên biển chỉ mới được dỡ bỏ vào tháng 1/2021.

“Trong khu vực của chúng tôi, phẩm giá cá nhân là tối quan trọng và những cử chỉ như thế này có thể có ý nghĩa lịch sử”, Nowf al-Saud, một sinh viên ở Riyadh, cho biết.

“Hãy tập trung vào thể thao”

Sự đón nhận ngày càng tăng của World Cup trái ngược với phản ứng ở nhiều nước châu Âu, nơi hồ sơ nhân quyền của Qatar tiếp tục dẫn đến các tiêu đề gay gắt. Trước đó, nước này đã bị phương Tây lên án về cách đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính.

Thế nhưng, có rất ít sự ủng hộ đối với những lời chỉ trích trên khắp vùng Vịnh, nơi phần lớn được xây dựng dựa trên công sức của lao động nhập cư và nơi đồng tính luyến ái vẫn bị đặt ngoài vòng pháp luật.

“Hãy tập trung vào thể thao”, một thương gia người Bahrain, Ahmad Fakhro nói. “Hãy để các vấn đề văn hóa cho ngày khác”.

Ông nói thêm khi sự kiện này được đăng cai, địa vị xã hội của nước chủ nhà đã được biết đến nhiều và “các giá trị mà họ quảng bá cũng là của khu vực này”.

 Bộ trưởng Thể thao Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Turki Al-Faisal ăn mừng tại trận đấu. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Thể thao Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Turki Al-Faisal ăn mừng tại trận đấu. Ảnh: Reuters.

Người Qatar cho rằng việc đất nước họ bị soi xét trong thời gian gần đây là biểu hiện phân biệt chủng tộc hoặc là một phần trong chiến dịch thù địch do kẻ thù bên ngoài chỉ đạo.

“Nó được dàn dựng một cách có hệ thống”, một doanh nhân trong ngành khí đốt từ chối nêu tên cho biết. “Chúng tôi muốn duy trì cách sống của mình, tại sao chúng tôi lại bị ghét vì điều đó?”.

Mubaraka al-Marri, nữ doanh nhân và nhà hoạt động xã hội ở Doha, chia sẻ: “Chúng tôi biết truyền thông là một trong những công cụ được sử dụng để tác động đến mọi người. Nó giống như một cuộc chiến. Bạn không cần sử dụng súng hay chiến đấu, làm hại các quốc gia, bạn sử dụng phương tiện truyền thông”.

Trong khi đó, Mohammad al-Qassabi (22 tuổi), tốt nghiệp một trường đại học ở Doha, cho biết nhiều người có định kiến về quốc gia vùng Vịnh và một số định kiến đó là sai.

Dù vậy, anh tuyên bố đã nhìn thấy mặt tích cực. “Khi các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả World Cup là một thất bại, nhưng sau đó nó lại thành công, mọi người sẽ rất ấn tượng. Nếu họ có kỳ vọng thấp thì sẽ dễ gây ấn tượng với họ hơn”, anh nói.

Bên ngoài khu vực Trung Đông, World Cup Qatar thường được xem giải là đấu gây tranh cãi nhất từ trước đến nay.

Mới đây, Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA đã đe dọa phạt thẻ vàng cầu thủ đeo tấm băng đội trưởng “OneLove” trong các trận đấu tại World Cup 2022, gây ra nhiều tranh cãi.

Chiếc băng tay có in trái tim cầu vồng được cho là mang thông điệp chống phân biệt đối xử và ủng hộ cộng đồng LGBTQ+.

Cờ và khăn quàng cổ cầu vồng của những người hâm mộ bên ngoài sân vận động cũng bị tịch thu, trong khi bảo vệ ngăn chặn các hành động thể hiện tình cảm nơi công cộng.

“Nó thể hiện sự đụng độ giữa các giá trị văn hóa”, một người hâm mộ UAE ở Dubai cho biết. “Hãy vượt qua nó. Tôi hy vọng cuộc đụng độ giữa các đội bóng sẽ được nhớ đến nhiều hơn”.

CĐV Saudi Arabia: 'Messi, anh ở đâu?' CĐV tuyển Saudi Arabia đã vỡ òa trong vui sướng và châm chọc siêu sao Lionel Messi của tuyển Argentina sau khi đội nhà lội ngược dòng 2-1 trước đại diện Nam Mỹ tại World Cup.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gio-doi-chieu-o-vung-vinh-sau-con-dia-chan-tai-qatar-post1378866.html