Giờ giao thừa: Người dân về chùa thăm người thân
Giao thừa vừa điểm, chú Đồng (P.1, Q.5) đã có mặt tại chùa Phổ Minh (188/4 Cao Đạt) để thăm ba, mẹ, hai bác và cháu được gửi ở đây. Chú đứng trước di ảnh của từng người thân khấn, gửi những yêu thương và nỗi nhớ. Nhiều người chung hoàn cảnh cũng đến chùa đêm giao thừa như chú.
Trước thời khắc Giao thừa 15 phút, chị Kim Anh (P.1, Q.5) đã có mặt ở chùa Phổ Minh. Chị cho biết, nhà mình cúng Giao thừa trước 30 phút và sau đó, khi nhang cháy được 5 phút, chị và gia đình về chùa để thăm mẹ được gửi ở đây.
"Đêm Giao thừa là lúc cả nhà đoàn tụ cùng nhau. Từ ngày mẹ mất là cả nhà có truyền thống đêm Giao thừa cúng ở nhà xong là con cháu cùng nhau về chùa thăm mẹ, để thỏa nỗi nhớ. Cả nhà cùng nghĩ, lúc sinh tiền mẹ rất thương con cháu, khi mẹ khuất rồi mà Tết được con cháu nghĩ tới, có lẽ nếu biết được hương linh mẹ sẽ cảm thấy ấm áp." - chị Kim Anh chia sẻ.
Cũng giống như chị Kim Anh, cô Mười - nhà gần chùa cho biết, về chùa đêm Giao thừa là truyền thống của gia đình cô. Cô xúc động: "Lúc ba mẹ còn sống thì đêm Giao thừa là về chùa. Giờ ba mẹ đã mất và gửi thờ cúng ở chùa thì tôi càng có lý do để về chùa hơn. Về chùa để thăm ba mẹ, nói một câu 'con về thăm ba mẹ nha' rồi lên chánh điện tụng kinh, đón Giao thừa, sau đó nhận lộc từ Thầy trụ trì. Từ ngày ba mẹ mất thì Giao thừa của tôi là ở chùa. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, ấm áp, sống trong tình yêu thương khi đón ngày đầu năm ở chùa". Thời khắc Giao thừa với cô Mười có nhiều ý nghĩa thiêng liêng là thế.
"Vì nhớ mà về" - đó là bộc bạch của chú Hào và cô Hảo khi về chùa thăm người thân. Chú và cô là hai anh em ruột, cùng về chùa để thăm người Cô ruột.
Chú Hảo trải lòng: "Ở nhà cũng có thờ Cô nhưng vì có gửi Cô ở chùa nên đêm nay chúng tôi về thăm, đó là sự biết ơn, tưởng nhớ. Tôi đứng trước di ảnh của Cô tôi, bao nhiêu ký ức và kỷ niệm với Cô lại ùa về, thương và nhớ lắm"; và với cô Hảo: "Dù Cô đã mất nhưng trong lòng chúng tôi, Cô có vị trí không thay đổi được, những tình thương Cô dành cho không thể xóa mờ. Dù về chùa có một chút nhưng với ý nghĩa là thăm Cô nên hai anh em thấy hạnh phúc lắm".
Trong dòng người trở về chùa đêm Giao thừa, không khó để chứng kiến hình ảnh phụ huynh chỉ cho con trẻ về người thân của mình. "Đó là ông nội đó con, con chào ông đi" - chị Liên vừa nói, vừa đưa tay chỉ vào di ảnh và hướng dẫn con mình chấp tay chào người ông giờ chỉ còn tro, linh vị và di ảnh.
Cũng có nhiều đứa trẻ, vừa đến chùa đã nắm tay bố, mẹ, dừng ở tầng 2 để thăm người thân trước khi lên tầng 3 lễ Phật. Tiếng con trẻ nói trong lúc di chuyển, người bên cạnh nghe ai cũng xúc động. Có lẽ, trong thời khắc Giao thừa, tình thương là điều khiến con người ta cảm thấy ấm áp nhất, dễ dàng đem đến cho nhau hạnh phúc và cũng dễ dàng lan tỏa, chạm đến tim nhau.
Trong thời khắc Giao thừa, chùa Phổ Minh đón rất nhiều Phật tử và người dân đến chùa đón tiết Xuân, lễ Phật và thăm người thân đã khuất gửi ở đây. Dù mỗi người đến chùa với lý do khác nhau nhưng với những cô, bác, anh, chị mà phóng viên báo Giác Ngộ phỏng vấn ngẫu nhiên, tất cả đều bày tỏ cảm xúc và lý do đặc biệt để về chùa. Với họ, chùa không chỉ là địa điểm tâm linh, là điểm tựa tinh thần, mà còn là nơi cho họ niềm hạnh phúc, là nơi nuôi dưỡng cội nguồn, tình yêu thương và trên hết là sự an tâm mỗi khi họ trở về.
Hình ảnh ghi nhận thời khắc Giao thừa tại chùa Phổ Minh, Q.5, TP.HCM:
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/gio-giao-thua-nguoi-dan-ve-chua-tham-nguoi-than-post70414.html