Giờ học thực tế bổ ích

Thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn cuộc sống, trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường THPT triển khai cụ thể, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế.

Trường THPT Sơn Dương đã lựa chọn mô hình trường học gắn với cây chè để học sinh tham gia trải nghiệm, học tập. Do diện tích vườn trường có hạn, trường đã tiến hành hợp đồng thuê đất hoặc đăng ký với các gia đình trồng chè tại địa phương để tạo môi trường cho học sinh học tập và trải nghiệm. Nhà trường còn phối hợp với Công ty cổ phần Chè Tân Trào cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc hoặc tổ chức cho học sinh tham quan dây chuyền sản xuất chè tại Công ty.

Thông qua hoạt động trải nghiệm và tìm hiểu, tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, phát triển cây chè, giáo viên và học sinh nhà trường đã sáng tạo các sản phẩm nước uống, đồ ăn, từ lá chè hoặc cải tiến các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chăm sóc cây chè. Đặc biệt, với sản phẩm “Máy chăm sóc và thu hoạch chè” của học sinh nhà trường đã xuất sắc giành giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì toàn quốc, cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh THPT năm 2019.

Học sinh trường THPT Kim Xuyên (Sơn Dương) tìm hiểu nghề trồng rừng tại vườn trường.

Học sinh trường THPT Kim Xuyên (Sơn Dương) tìm hiểu nghề trồng rừng tại vườn trường.

Các trường học, tùy vào hoàn cảnh, thế mạnh của địa phương đã lựa chọn các mô hình trường học gắn với sản xuất một cách phù hợp. Đi đầu trong việc triển khai các mô hình trường học gắn với sản xuất là các trường: THPT Sơn Dương, THPT Tháng 10 (Yên Sơn) phát triển mô hình trường học gắn với cây chè; THPT Kim Xuyên, THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) phát triển mô hình trường học gắn với cây mía; THPT Phù Lưu (Hàm Yên) phát triển mô hình trường học gắn với cây cam… Thầy giáo Nông Khánh Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết, việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn đã tạo hứng thú cho học sinh, giảm áp lực trong học tập. Học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế, cơ hội thể hiện năng lực cá nhân một cách tự nhiên, năng động, sáng tạo hơn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường THPT tham gia mô hình trường học gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của địa phương. Từ những hiệu quả mang lại, trong thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình trường học gắn với sản xuất, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả việc đổi mới hoạt động giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và nghiên cứu cho học sinh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, đều có trên 60% số dự án, sản phẩm khoa học, kỹ thuật của học sinh tỉnh ta dự thi cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia đoạt giải. Điều này cho thấy, những hoạt động dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo động lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/gio-hoc-thuc-te-bo-ich-125631.html