'Giờ không như thời bao cấp đem ra chợ bán cái mình có'
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các chủ thể OCOP phải mang ra chợ bán những gì người dân cần. Thị trường và xu hướng tiêu dùng đều đã thay đổi.
Phải bán cái thị trường cần
Tại hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng ĐBSCL và đặc sản Cà Mau”, sáng 11/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 6 năm triển khai, cả nước có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể. Trong đó, 37,9% chủ thể là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
“Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một ‘đại sứ’ của từng vùng miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho rằng, sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương.
Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương.
Thứ trưởng Tiến cho rằng, các chủ thể OCOP cần thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh. Thay đổi để phù hợp hơn với yêu cầu của thị trường bên cạnh việc phát triển sản phẩm. Bản thân chủ thể cần nâng cao năng lực quản trị và khả năng tham gia vào các kênh phân phối hiện đại.
“Mình phải mang ra chợ bán những gì người dân cần. Bởi, bây giờ không như thời bao cấp mà mang ra chợ bán những gì mình có nữa”. Thứ trưởng nói và cho biết, sau đại dịch Covid-19 các chuỗi cung ứng bị gãy, thương mại điện tử phát triển mạnh, thị hiếu tiêu dùng cũng khác nên người làm ra các sản phẩm cũng cần thay đổi để thích ứng.
Các sản phẩm OCOP phải có thương hiệu
Ông Paul Le - Phó Chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam, cũng cho rằng các chủ thể OCOP cần hiểu rõ được người tiêu dùng cần gì. Theo ông, cách làm đơn giản nhất là kể câu chuyện về sản phẩm và cho người tiêu dùng ăn thử.
“Nếu 100 người thử mà không ai mua thì chứng tỏ sản phẩm có vấn đề. Người sản xuất cần xem xét lại vấn đề chất lượng sản phẩm của mình làm ra”, ông lưu ý. Theo ông, siêu thị đều sẵn sàng đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng nhưng phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm phải có đặc trưng, tính khác biệt.
Kệ siêu thị chỉ 1,2m nên sản phẩm OCOP phải có bao bì nhãn mác phù hợp với không gian này. Thời gian người tiêu dùng lướt qua một sản phẩm cũng chỉ có 2 giây nên thương hiệu phải ấn tượng, bắt mắt nhất mới tạo được dấu ấn, ông Paul Le lưu ý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, nhận định các chủ thể OCOP hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ. Thế nên năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế.
Các chủ thể OCOP khẳng định họ có năng lực sản xuất, song đưa vào các siêu thị, cửa hàng phải chiết khẩu tới 30-36%. Như vậy, người sản xuất không còn gì, làm sao có thể làm tiếp.
Bàn về giải pháp để khơi thông thị trường cho sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay các sản phẩm phải cạnh tranh bằng sự độc đáo, bằng những câu chuyện về sản xuất gắn với văn hóa vùng miền và bằng thương hiệu. Cả nước có 10.811 sản phẩm OCOP thì phải có từng đó thương hiệu. Khi có thương hiệu, việc xúc tiến thương mại cũng dễ hơn.
“Chúng ta có thể hình thành các điểm giới thiệu OCOP, đưa sản phẩm này đến các điểm dừng chân cùng với đó tạo cảnh quan, trải nghiệm vùng miền… Khi khách có cảm xúc sẽ mua sản phẩm”, ông Tiến chia sẻ.
Vừa qua, trung tâm đã phối hợp với các tỉnh tổ chức phiên chợ OCOP. Hashtag OCOP có 1,2 tỷ người xem. Các phiên chợ thu hút 300 triệu người xem, doanh thu rất cao. Do đó, các chủ thể cần tiếp cận thương mại điện tử, bởi đây là xu hướng tiêu dùng hiện nay.
“Trên nền tảng mạng xã hội cho phép kể những câu chuyện về sản phẩm của mình thông qua các video ngắn. Chủ thể OCOP có thể liên kết với nhà sáng tạo nội dung cùng thực hiện”, ông gợi ý.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thế giới chuyển động nhanh chóng, sản phẩm OCOP sẽ tăng nhanh nên phải thay đổi sao cho phù hợp với xu hướng thị trường. Ông cho rằng, không có gì là không thể nếu chủ thể OCOP có sự đồng hành của cơ quan chức năng, doanh nghiệp.