Gió lành ở Ngọc Wang

Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp tỉnh Kon Tum đã thể hiện rõ vai trò là 'cầu nối' giữa ý Đảng, lòng dân; không ngừng rèn luyện tác phong sâu sát, gần dân, bám nắm cơ sở.

Đặc biệt, với những nỗ lực và cách làm sáng tạo, ngành tuyên giáo địa phương đã có những đóng góp quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi tà đạo Hà Mòn từng một thời tàn phá cuộc sống bình yên của người dân xã Ngọc Wang (Đắc Hà, Kon Tum).

1. Một ngày tháng 7-2020, chúng tôi cùng các cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum về xã Ngọc Wang. Đi trên con đường bê tông uốn lượn kết nối các thôn, buôn, rồi chạy sâu vào các rẫy cao su, xanh mướt lá, cà phê trĩu quả, mà không khỏi ấn tượng về bức tranh mới nơi miền đất vốn còn không ít gian khó. Vào ngày cuối tuần, nhưng bà con dân tộc Xơ Đăng vẫn hối hả lên rẫy, đám trẻ ríu rít bước vào kỳ nghỉ hè. Để có được khung cảnh yên bình ấy, ít ai nghĩ rằng mấy năm trước, Ngọc Wang là một trong những địa bàn bị “cơn gió độc”-tà đạo Hà Mòn tấn công.

 Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum và cán bộ các cấp thăm, trò chuyện động viên người dân trong thôn Kon Gu 1, xã Ngọc Wang.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum và cán bộ các cấp thăm, trò chuyện động viên người dân trong thôn Kon Gu 1, xã Ngọc Wang.

Năm 2012, trên địa bàn thôn Kon Gu 1 (Ngọc Wang), 28 hộ dân với gần 60 nhân khẩu tin theo tà đạo Hà Mòn. Nghe theo lời xúi giục, dụ dỗ của các đối tượng truyền đạo trái phép rằng không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa trị cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ tự được xóa nợ... 28 hộ dân đã tự "xây" quanh mình bức tường ngăn cách với dân làng. Họ không tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, không tham gia các hoạt động cộng đồng, không nhận sự quan tâm giúp đỡ của người thân và bà con trong thôn. Tin vào “đức mẹ Maria hiện hình”, những người dân này tụ tập đọc kinh cầu nguyện, sống khép kín, không tiếp xúc với người lạ. Tà đạo Hà Mòn như liều thuốc độc gây chia rẽ tình đoàn kết của bà con; khiến ruộng nương bị bỏ hoang, làm cho cái đói, cái nghèo càng thêm bần cùng và đeo bám không dứt. Chưa thấy sung sướng, khỏe mạnh chỉ thấy cây trồng khô héo vì không có người chăm sóc, lũ trẻ nheo nhóc không được đến trường; ngày tết, ngày lễ không được quây quần bên những ché rượu cần, múa hát theo điệu cồng, tiếng chiêng truyền thống. Hơn thế, tà đạo Hà Mòn còn tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

2. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xác định một trong những nguyên nhân chính khiến những người nông dân chất phác nghe, tin theo tà đạo Hà Mòn là do trình độ dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin vào lời dụ dỗ của những kẻ tự xưng là "sứ điệp". Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm xóa bỏ tà đạo để bảo đảm an ninh trật tự, mang lại no ấm cho nhân dân. Thực hiện chủ trương đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Đắc Hà triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ bản chất lừa bịp, phản động, mê tín dị đoan của tà đạo Hà Mòn, từ đó tự nguyện từ bỏ tà đạo, trở về sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, yên tâm lao động sản xuất được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Từ nguồn tài liệu tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Công an huyện Đắc Hà biên soạn, các tổ chức cơ sở đảng tiến hành tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người dân nắm rõ cách nhận biết, tác hại của tà đạo Hà Mòn. Các tổ công tác được thành lập và thực hiện bám sát địa bàn 24/24 giờ để đến từng nhà, ra tận ruộng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Các chiến sĩ LLVT tiến hành cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con như “người một nhà” để giúp người dân hiểu rõ bản chất lừa bịp của tà đạo này. Trong điều kiện các đối tượng tin theo tà đạo Hà Mòn tìm mọi cách lảng tránh, không tiếp xúc với người lạ, cấp ủy chính quyền cơ sở, cán bộ tuyên giáo và cán bộ, chiến sĩ LLVT địa phương đã cùng các già làng, người có uy tín tiến hành công tác vận động đến từng hộ, từng đối tượng. Cùng với đó, những người không tin theo tà đạo Hà Mòn cũng được tuyên truyền, vận động để không có thái độ xa lánh, kỳ thị những người tin theo tà đạo; cùng góp sức với chính quyền thuyết phục người thân, láng giềng từ bỏ cái xấu, quay lại sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật, chăm chỉ làm ăn để xóa đói, giảm nghèo.

3. Bằng sự kiên trì, khéo léo, thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, áp dụng phương pháp tuyên truyền phù hợp, đến tháng 4-2017 trên địa bàn huyện Đắc Hà đã xóa bỏ thành công tà đạo Hà Mòn. Các hộ dân ở thôn Kon Gu 1, xã Ngọc Wang từng tin theo tà đạo không còn tụ tập đọc kinh trái phép, tham gia đầy đủ các hoạt động cộng đồng, quay về sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật. Các hộ gia đình đã chủ động gặp gỡ với cán bộ chính quyền để được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế; tham gia đầy đủ các lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Hiện tại, 21/28 hộ gia đình (từng theo tà đạo) được vay vốn hỗ trợ với tổng số tiền 875 triệu đồng. Một số hộ được các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ giống cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động... để phát triển kinh tế.

Đến thăm gia đình ông A Phát, thôn Kon Gu 1-một trong những hộ từng tin theo tà đạo Hà Mòn. Trong căn nhà tình nghĩa mới được trao tặng, các cánh cửa luôn được mở rộng để mời đón bà con dân làng đến thăm chơi. Không còn xa lánh mọi người, vừa dọn dẹp nhà cửa, ông A Phát, vừa cười tươi, nói như khoe: “Nhờ có sự giúp đỡ của các cán bộ, gia đình mình đã có cái nhà mới để ở, cái bụng cũng được no hơn ngày trước. Sáng cái đầu ra, giờ càng thấy hối hận lắm vì đã nghe kẻ xấu, đi theo tà đạo...”.

Không chỉ được hỗ trợ phát triển kinh tế, 100% thành viên của các hộ gia đình này còn được tham gia bảo hiểm y tế; được bà con dân làng và chính quyền các cấp tạo điều kiện để hòa nhập với cộng đồng. Các hộ gia đình xóa bỏ mặc cảm, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; con em được đi học. Các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, cờ Tổ quốc được treo trang trọng, rực rỡ tung bay trước mỗi mái nhà. Kon Gu 1 đã trở lại với sự yên bình vốn có. Nhờ các chính sách hỗ trợ và tâm lý yên tâm lao động sản xuất, đời sống các hộ đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhiều so với đầu năm 2017. Các hộ đều có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; đa số được sử dụng nước sạch sinh hoạt và điện lưới quốc gia.

Ông A Hờ Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Wang cho biết: "Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thu nhập bình quân đầu người/năm của xã ước đạt 32 triệu đồng (tăng 8 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Từ việc đạt 9/19 tiêu chí, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt địa phương được đổi mới, khang trang và văn minh hơn. Đạt được kết quả ấy là nhờ sự đồng thuận cao và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; nhất là đóng góp của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ tà đạo Hà Mòn.

Về với Kon Gu I hôm nay, “khách lạ” sẽ bỗng trở nên thân quen, gần gũi; bỗng mến yêu đến cháy bỏng tên đất, tên người; sẽ được hòa vào tình người ngọt lịm, hoang sơ, hồn nhiên nâng chén rượu cần, rồi ngân vang lời hát ngợi ca về một cao nguyên với bao huyền thoại, về một Kon Tum trung dũng, kiên cường với những câu chuyện về người thượng, người kinh một lòng đoàn kết, một dạ sắc son đi theo ánh sáng của Đảng, Nhà nước trên con đường đổi mới!

Bài và ảnh: ANH ĐÀO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/gio-lanh-o-ngoc-wang-629574