Gio Linh vang mãi truyền thống 'Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường'
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Gio Linh tựa lưng vào bờ Nam sông Bến Hải, trở thành đầu cầu của miền Nam, là 'khu đệm' của hai miền Nam- Bắc. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, Gio Linh trở thành địa bàn đụng đầu quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Gio Linh diễn ra trong nhiều chiến dịch với sự tham gia gần như đầy đủ các binh chủng; là nơi thử nghiệm sức chiến đấu của các lực lượng, trang bị, phương tiện chiến tranh để rút kinh nghiệm bổ sung cho toàn chiến trường miền Nam.
Do địa bàn hiểm yếu và quan trọng, từ trước năm 1972 ở Quảng Trị, địch bố trí lực lượng thành ba tuyến, trong đó vòng ngoài là tuyến phòng thủ mạnh nhất, cơ bản nằm trên địa bàn huyện Gio Linh từ động Ông Do, điểm cao 52, 365, 548, 544, 597 kéo tới Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt... trong đó có hàng rào điện tử Mắc namara. Cùng với đó, địch tổ chức thành từng khu vực phòng thủ cấp trung đoàn, tiểu đoàn, vừa liên kết phòng giữ, vừa độc lập tác chiến với hỏa lực mạnh, được hỗ trợ từ phi pháo, không quân, hải quân. Mỹ- ngụy từng tuyên bố tại Gio Linh đã xây dựng hệ thống phòng thủ “bất khả xâm phạm” và không thể bị đánh bại.
Mở đầu chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/3/1972, pháo binh ta từ nhiều hướng đã tấn công mãnh liệt, bắn trúng các mục tiêu, hoàn toàn áp chế địch, chi viện cho bộ binh tiến công 5 căn cứ: Động Toàn, Ba Hồ, cao điểm 544, 288, 365. Ở hướng Bắc, ta vây hãm Cam Lộ, Cồn Tiên, buộc địch ở đây phải rút chạy về cố thủ ở miếu Bái Sơn. Ở hướng Đông, ta đánh địch trên sông Cửa Việt và duyên đoàn 11 ở cảng Cửa Việt, khống chế đường sông.
Tại Cửa Việt, từ dưới bãi cát trắng, đồng hoang, trong những khu vườn của bà con ngư dân, bộ đội, du kích xuất quân đồng loạt nổ súng vào đội hình bố phòng của địch. Trung đoàn 126 hải quân của ta từ bờ biển đánh vào làm cho địch không kịp đối phó, chịu thiệt hại nặng nề. Nhân dân vùng Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng... cùng với lực lượng cách mạng tại chỗ đã vùng lên làm chủ địa bàn. Ngay từ đêm 30, rạng sáng ngày 31/3/1972, đơn vị đặc công 33 chủ lực đã đánh diệt gọn căn cứ địch ở Bến Ngự.
Cùng lúc đó, C4, C8, C11 bộ đội địa phương huyện và du kích xã Gio Mỹ, Gio Sơn, đội trinh sát vũ trang nổ súng vào chi khu quân sự Gio Linh, trụ sở xã Gio Mỹ, Gio Sơn, 2 trung đội dân vệ, 1 đại đội bảo an đóng tại Quán Ngang, buộc địch phải tháo chạy. Đêm 30/3/1972, tại Dốc Miếu, pháo của ta từ trận địa ở Trung Hải bắn cấp tập, tạo điều kiện để bộ đội, du kích tràn lên, đánh vào các lô cốt, hầm ngầm của địch, gây thương vong nặng 1 tiểu đoàn địch đóng ở căn cứ Dốc Miếu. Tại Gio Lễ, Gio Hải, Gio Hà, Gio Mỹ... lực lượng vũ trang, du kích, bộ đội địa phương tấn công địch kết hợp với Nhân dân vùng lên làm chủ trên một địa bàn nông thôn rộng lớn. Tại khu tập trung Tân Tường, Đội 5 lực lượng biệt động, Đội an ninh vũ trang huyện Gio Linh và du kích các xã Trung Hải, Trung Sơn, Trung Giang vừa được tăng cường đã tiến sâu vào khu tập trung bao vây, truy bức lực lượng dân vệ, bảo an, ngụy quyền xã, thôn của địch, khiến chúng tan rã nhanh chóng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang huyện, du kích địa phương Gio Linh đã tiến công dũng mãnh, tiêu diệt các nhóm bảo an, dân vệ ở các thôn, xóm, các chi khu, đập tan hệ thống kềm kẹp của địch, tạo điều kiện phát động Nhân dân các xã Gio Hải, Gio Mỹ nổi dậy. Ở các khu tập trung Quán Ngang, Tân Tường, tại các xã có lực lượng cách mạng tại chỗ mạnh như Gio Hải, Gio Hà, khi bộ đội chủ lực tiến công áp đảo kẻ địch thì cán bộ cơ sở đã kịp thời phát động quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, bảo an, dân vệ, kêu gọi địch đầu hàng, giành quyền làm chủ.
Nhờ phong trào cách mạng của huyện Gio Linh luôn được giữ vững, phát triển, dân tin tưởng vào Đảng, đội ngũ cán bộ trung kiên, kể cả trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất vẫn bám trụ phong trào, thực hiện xuyên suốt phương châm ba bám: “Đảng bám dân, dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch”, nên đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa tấn công và nổi dậy, nổi dậy với tấn công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Bám sát và thực hiện tốt sự chỉ đạo của cấp trên, từ ngày 30/3/1972 đến ngày 2/4/1972, quân và dân Gio Linh đã đánh 205 trận, diệt 727 tên địch, diệt 1 ban chỉ huy tiểu đoàn, 1 ban chỉ huy liên đoàn bảo an, 2 ban chỉ huy đại đội, bắt sống 104 tên, thu 430 súng, bắn cháy 11 xe quân sự, bắn rơi 6 máy bay và bắn bị thương 5 chiếc khác, bắn chìm 5 tàu vận tải và tuần tiểu, phá 3 khu tập trung dân của địch, giải phóng hơn 15.000 dân. Địch phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 với 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn, 2 chi khu quân sự, đặc biệt, tuyến hàng rào điện tử Mắc namara cũng bị ta xóa sổ.
Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Gio Linh ngày 2/4/1972 đánh dấu bước chuyển biến mới trên cục diện ngày càng có lợi cho các chiến trường toàn tỉnh. Gio Linh cùng với Cam Lộ, Hướng Hóa tạo ra một vùng giải phóng rộng lớn từ miền núi đến đồng bằng, miền biển, nối liền với Vĩnh Linh và miền Bắc XHCN, áp sát các căn cứ và hệ thống phòng ngự còn lại của địch ở phía Nam, tạo gọng kìm để tiếp tục tấn công tiêu diệt địch, đập tan tuyến phòng ngự Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, La Vang, làm cho địch phải thất bại thảm hại, tháo chạy khỏi địa bàn đóng quân, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972.