Giờ ra chơi nên cho học sinh giữ điện thoại 'cục gạch', chỉ cấm smartphone
Cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong nhà trường là việc nên làm, tuy nhiên các em học sinh vẫn nên sử dụng điện thoại cục gạch để liên lạc với gia đình.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM mới đây yêu cầu nghiên cứu phương án cấm học sinh trên địa bàn sử dụng điện thoại di động tại trường, kể cả giờ ra chơi (trừ khi được giáo viên cho phép) từ năm học 2025-2026. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất lớn của dư luận.
Ai cũng rõ tác hại của việc "cắm mặt vào điện thoại" đối với trẻ em. Ngay cả trong giờ ra chơi ở trường, trẻ cũng nên tham gia các hoạt động vui chơi, kết nối với bạn bè thay vì chơi game, lướt TikTok... và khi vào tiết mới tâm trí vẫn còn đắm chìm, mê mải, không thể tập trung học hành.
Tuy nhiên, giống như băn khoăn của nhiều phụ huynh được bày tỏ trên các diễn đàn mạng, tôi hơi lo lắng về việc "đứt liên lạc", vì có những tình huống phụ huynh cần thông báo hay trao đổi ngay với con cái. Sẽ rất bất tiện và mất nhiều thời gian nếu "đi đường vòng" qua việc liên lạc với nhà trường, nhờ tìm kiếm đứa trẻ trong sân để nghe điện thoại hoặc chuyển thông điệp.
Đây không thể là lý do để dễ dãi với học sinh trong chuyện dùng điện thoại ở trường học. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn có một giải pháp trung hòa, đó là vẫn cho phép các em mang theo điện thoại dạng "cục gạch" và được bật máy trong giờ ra chơi. Trong giờ, phải tắt máy và có thể tập kết ở tủ, kệ trong lớp, dưới tầm quan sát của cô giáo.
Tôi có con trai học lớp 5, năm học tới sẽ lên lớp 6. Vì cơ quan xa nhà, tôi thường xuyên đi đón muộn giờ nên cẩn thận dặn dò con đợi ở cổng trường trong khi chờ đợi. Con được học cách sử dụng điện thoại sớm - loại chỉ có chức năng liên lạc cơ bản - để bố mẹ có thể gọi. Tôi cũng dạy con để chế độ im lặng trong giờ học, chỉ dùng khi tan trường, lúc có việc cần thiết mới gọi cho bố trong giờ ra chơi.
Một lần đường tắc cứng nhưng điện thoại hết pin nên tôi không thể báo với con là sẽ đón muộn. Cháu gọi cho bố không được nên đã đợi một mình ngoài cổng trường nửa tiếng trước khi được bác bảo vệ gọi vào phòng chờ. Khi tôi đến, cháu bật khóc vì sợ, còn tôi càng nhận thấy tầm quan trọng của việc kết nối liên lạc để đảm bảo an toàn và an tâm.

Điện thoại "cục gạch" chỉ có chức năng liên lạc cơ bản. (Ảnh: The Guardian)
Cấm học sinh dùng điện thoại cả trong giờ ra chơi, mục đích là ngăn trẻ lạm dụng game, mạng xã hội cũng như tình trạng dán mắt vào thiết bị điện tử chứ không phải ngắt liên lạc - chức năng nguyên thủy của điện thoại. Vì thế tôi nghĩ việc cho phép trẻ dùng điện thoại cục gạch trong giờ ra chơi sẽ không hại gì.
Trường có thể yêu cầu học sinh nộp lên giá trước lớp vào đầu buổi, nhận lại cuối buổi hoặc khi có cuộc gọi. Tuy nhiên, ngay cả khi được tự bảo quản, vì không thể lướt mạng, xem video hay chơi game, tôi tin rằng trẻ sẽ không để tâm đến điện thoại trừ khi bố mẹ gọi đến, vào giờ ra chơi vẫn vui đùa với các bạn như thường.
Thực tế, nhiều quốc gia phát triển cho phép học sinh tiểu học hay trung học mang điện thoại chỉ có chức năng nghe. Năm 2024, Hà Lan cấm mọi thiết bị thông minh (smartphone, máy tính bảng, đồng hồ thông minh) trong lớp học nhưng các em học sinh vẫn được phép sử dụng điện thoại di động cơ bản để nghe - gọi trong trường hợp cần thiết. Tại Đức, hầu hết các trường học cấm dùng smartphone trong lớp nhưng học sinh vẫn được mang theo điện thoại "cục gạch" để phục vụ việc liên lạc khẩn cấp.
Mục tiêu chính của chúng ta là ngăn con trẻ xao nhãng học hành, "nghiện" thiết bị điện tử thông minh, lệ thuộc công nghệ, hoặc bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội... Vì thế, việc cấm sử dụng điện thoại ở trường chỉ cần áp dụng với smartphone là đủ. Với loại thiết bị này thì tôi ủng hộ cấm tuyệt đối việc sử dụng trong phạm vi trường học, dù là trong các hoạt động giáo dục hay giờ ra chơi.
Ngoài điện thoại cục gạch, những phụ huynh có điều kiện có thể sắm đồng hồ thông minh cho con để tiện thông báo và "chỉ đạo" khi có việc thực sự cần thiết.