Chứng lác mắt ở trẻ tăng do sử dụng thiết bị điện tử

Chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng điện thoại thông minh cũng như các thiết bị điện tử trong thời gian dài ngoài gây cận thị còn có thể dẫn đến chứng lác mắt.

Những năm gần đây, số ca mắc lác mắt trên thế giới có xu hướng tăng lên rõ rệt, chủ yếu là lác cấp tính, không phải do bẩm sinh. Một nguyên nhân đáng lo ngại là thói quen sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt ở khoảng cách gần và trong tư thế không phù hợp.

Qua theo dõi, nguy cơ mắc tật lác mắt đang có xu hướng gia tăng do thói quen vừa nằm vừa nhìn màn hình, để màn hình quá gần và mắt phải liên tục thay đổi tiêu điểm từ bên này sang bên kia. Các chuyên gia y tế thuộc Bệnh viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo cảnh báo việc nhìn vào màn hình điện thoại ở khoảng cách gần khiến mắt bị kích thích mạnh. Đồng thời, khuyến cáo các phụ huynh nên quản lý thời gian sử dụng thiết bị của trẻ, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời và đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay nếu phát hiện dấu hiệu bất thường như hai mắt không thẳng hàng...

Ảnh minh họa/Internet

Giáo sư Miho Sato, chuyên ngành nhãn khoa tại Đại học Y Hamamatsu (Nhật Bản), cho biết lác mắt ở trẻ có thể cải thiện nếu thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tử, như giữ khoảng cách an toàn và giảm thời gian tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu bệnh đã tiến triển, việc can thiệp chỉ hiệu quả ở giai đoạn nhẹ nên phòng ngừa vẫn là giải pháp quan trọng nhất.

Tình trạng lác mắt do điều tiết (tạm thời) cũng được ghi nhận trong nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc). Nghiên cứu thực hiện trên 12 trẻ từ 7–16 tuổi, sử dụng điện thoại từ 4–8 giờ mỗi ngày ở khoảng cách 20–30cm, cho thấy một số trẻ xuất hiện độ lác rõ rệt do mắt điều tiết liên tục, kéo dài với cường độ cao.

 Lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng/Ảnh SKĐS

Lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng/Ảnh SKĐS

Ngoài ra, ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị điện tử cũng có thể gây hại lâu dài. Các nghiên cứu chỉ ra ánh sáng xanh làm tăng nguy cơ thoái hóa hoàng điểm – bệnh lý có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Đồng thời, ánh sáng này còn ức chế sản xuất melatonin, gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Lác mắt (hay còn gọi là mắt lé) là tình trạng hai mắt nhìn theo hai hướng khác nhau, không thể nhìn thẳng được. Bệnh nhân bị lác mắt là khi một mắt có thể nhìn về phía trước, mắt kia có thể nhìn vào trong, ra ngoài, nhìn lên hoặc nhìn xuống dưới.

Lác mắt nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân. Ngoài ra, bị mắt lác còn ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/chung-lac-mat-o-tre-tang-do-su-dung-thiet-bi-dien-tu-post1553797.html