Gió tầng nào, mây tầng đó...
Trong một trao đổi cùng vài đồng nghiệp về đề tài giáo dục ở trường công, tôi khá ngạc nhiên khi được nghe những đánh giá đại khái như 'trường công bây giờ xịn lắm, đừng có nghĩ là trường công có điều kiện giáo dục nghèo nàn. Nhiều con ông lớn học trường công lắm đấy'. Và, họ đưa ra dẫn chứng, với những tên trường điểm. Họ không hề sai. Thậm chí, họ còn khiến tôi phải rơi vào trạng thái tương đối hoang mang.
Có những trường điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà chỉ cần nhắc tên, nhiều phụ huynh sẽ lắc đầu lè lưỡi thực sự vì họ biết, không có cơ hội nào cho con mình lọt vào đấy. Đơn cử, nếu bạn sống ở phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, bạn sẽ hiểu rất rõ. Trong địa bàn phường có vài trường tiểu học công lập và có những trường chỉ tiêu xét tuyển gắt gao tới mức ngay cả khi con cái chúng ta có hộ khẩu ở địa phương đó cũng chưa chắc có cơ hội lọt vào danh sách vốn thay đổi hằng năm theo chỉ tiêu phân về từng khu phố. Và, đó đều là những trường chất lượng rất cao. Nhưng, nếu chỉ nhìn khu biệt vào các cái tên nổi trội kia mà đánh giá cả một hệ thống giáo dục công lập cấp tiểu học, e rằng chúng ta đang quá vội vàng và tỏ ra bất công với số đông thiếu nhi hôm nay.
“Gió tầng nào, mây tầng đó” có lẽ là một câu quá hay cho trường hợp đánh giá này. Chúng ta sống ở điều kiện sống nào, chúng ta dễ nhìn nhận xã hội chỉ là thứ bao quanh cái điều kiện sống, môi trường sống khu biệt của mình. Ít khi chúng ta nhìn sang các “tầng sống” khác và nếu có nhìn, có lẽ chúng ta có xu hướng ngước lên để phấn đấu hơn là nhìn xuống để tìm hiểu thực sự mặt bằng và tính công bằng trong xã hội là gì.
Bấy lâu nay, giáo dục tiểu học đã áp dụng chương trình miễn học phí và nó tạo ra một cảm giác công bằng trong xã hội. Nhìn vào cảnh đưa đón học sinh ở cổng các ngôi trường, với đủ loại phương tiện sang - hèn khác nhau, chúng ta có thể tạm hài lòng rằng những đứa trẻ đang được đối xử công bằng như nhau, bất chấp gia đình của chúng có nền tảng và điều kiện khác nhau. Đó là một thứ công bằng mà Nhà nước đã và vẫn phải nỗ lực thực hiện bằng ngân sách. Tuy nhiên, từ cái công bằng phổ quát đó, thực sự trẻ em có nhận được sự giáo dục công bằng hay không lại là chuyện khác. Tùy điều kiện gia đình, những đứa trẻ sẽ được đầu tư cho học vấn khác nhau. Và, khi qua cấp tiểu học, chúng cũng khác nhau rất xa về xuất phát điểm để bước vào trung học cơ sở. Rồi sau đó là các cấp học cao hơn và bước vào đời như những công dân phải tự lập mưu sinh. Có ai dám chắc những bất công bằng trong đầu tư ban đầu sẽ không khiến đứa trẻ sau này thiệt thòi hơn trong cạnh tranh khi đã trở thành một người lớn?
Nếu so sánh một đứa trẻ học tiểu học công lập với đứa trẻ học trường quốc tế, chúng ta đã nhận thấy sự khác biệt rất xa trong hành vi và cả trong kiến thức lĩnh hội. So sánh này tất nhiên là khập khiễng. Một đứa bé được cha mẹ đầu tư cả tỷ bạc một năm chắc chắn khác một đứa bé việc học ở trường được bao cấp bởi Nhà nước hoàn toàn. Và, chúng ta không nhắc tới so sánh này làm gì, bởi nó là cái hiển nhiên mà người lớn phải chấp nhận. Sự thiếu công bằng trong đầu tư không đến từ chính sách, từ hệ thống giáo dục mà đến từ chính nỗ lực cũng như cơ may của phụ huynh. Song, cái khác biệt xa giữa những đứa trẻ ở hai môi trường sống khác nhau đó đủ để chúng ta nói về một so sánh khác, với các bất công bằng khác ở một phạm vi hẹp hơn: Những đứa trẻ cùng học tiểu học công lập với nhau.
Trong trường công lập, vẫn có những bậc cha mẹ ý thức được sự thua kém của con mình ở vài lĩnh vực so với những đứa trẻ học trường quốc tế, do đó, họ tìm cách bù đắp cho con theo cách vun vén tốt nhất trong điều kiện có thể. Sự thua kém về ngoại ngữ (mà chủ yếu là tiếng Anh) được bù đắp bởi các khóa học thêm ở các trung tâm Anh ngữ từ thấp tới cao tùy theo đồng tiền mà cha mẹ có thể bỏ ra đầu tư cho con hằng tháng. Chính sự chạy đua này mới tạo ra một so sánh khác. Những đứa trẻ học trường công, có cha mẹ là những cán bộ, công nhân có mức sống thấp chắc chắn sẽ có những tụt hậu so với bè bạn của mình trong tương lai. Ai dám chắc chúng không có tố chất hơn những bạn bè cùng trang lứa? Chúng chỉ thua đúng một thứ: Điều kiện gia đình. Từ đó, chúng thua xuất phát điểm và càng có nguy cơ thua kém hơn trong cuộc cạnh tranh kéo dài cả cuộc đời.
Tất nhiên, vẫn có những cá biệt vượt qua mọi điều kiện khó khăn để bước vào cuộc cạnh tranh kia đầy sòng phẳng. Nhưng, những gì đã là cá biệt đều không thể đại diện cho hiện tượng phổ quát. Những gì cá biệt chỉ là điểm nhấn đáng kính phục và là một động lực cho các cá biệt khác trong tương lai mà thôi.
Học phí học tiếng Anh của một đứa trẻ cấp tiểu học ở trung tâm Anh ngữ có tên tuổi dao động từ 15 đến hơn 20 triệu đồng/khóa. Như vậy, trung bình, mỗi tháng phụ huynh sẽ mất khoảng 5 triệu đồng tiền học thêm tiếng Anh cho con mình. Kèm theo mức học phí ấy là gì? Tiểu học miễn học phí nhưng để con học bán trú tại trường, các chi phí khác cho một học sinh cũng nằm ở khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tới các chi phí cho sách vở, giáo trình... Đây là mức chi phí mà một gia đình có mức sống trung bình có thể kham được, tất nhiên là rất cần sự tằn tiện của cha mẹ. Nhưng, nó lại là một khoản đầu tư mà những gia đình lao động phổ thông không thể với tới. Và, điều chúng ta cần quan tâm chính là công bằng cho những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình phổ thông ấy. Chúng có muốn được bằng chúng bạn hay không? Chúng có muốn có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh như chúng bạn hay không? Chúng có muốn được biểu đạt mình trong những đam mê khác của mình (như âm nhạc, hội họa, kịch nghệ v.v... và v.v...) hay không? Chúng muốn và cha mẹ chúng cũng muốn. Nhưng, đời sống lại không cho phép cái muốn đó thành sự thật.
Tôi từng trao đổi với một phụ huynh cùng lớp của con mình về việc cho cháu cùng học thêm Anh văn ở trung tâm ngoài với con mình cho có bạn có bè bởi hai đứa khá thân nhau. Tuy nhiên, câu trả lời tôi nhận được chỉ là nụ cười với lời từ chối khéo. Tôi cũng không dám hỏi thêm lần nữa khi tìm hiểu điều kiện gia đình cháu nhỏ ấy. Mẹ làm công nhân, bố là nhân viên bậc thấp trong một công ty gần như là vô danh với mức lương hằng tháng eo hẹp. Với họ, cho con được học đủ những gì mà trường công cung cấp đã là tốt lắm rồi. Và, tôi vẫn nhớ câu trả lời của người cha, đại ý rằng “ở trường cũng có dạy tiếng Anh mà”.
“Ở trường cũng có dạy tiếng Anh mà” khiến tôi nhớ tới khoản phụ thu của trường được định danh “Anh văn bản ngữ K45” vẫn còn trên phiếu thu hằng tháng. 75.000 đồng/tháng, cho 2 hay 3 tiết Anh văn hằng tuần. Nếu chúng ta có con cái học trường công và không cho học thêm khóa học Anh văn bên ngoài nào, tự chúng ta lẳng lặng kiểm tra trình độ Anh văn của con cái mình (thông qua những gì chúng thể hiện), chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đó là một dạng học “cưỡi ngựa xem hoa” đúng nghĩa. Vốn liếng tiếng Anh ấy khó có thể phát huy được gì khi lên cấp trung học cơ sở. Tất nhiên, vào lớp 6, các em sẽ được học lại tiếng Anh từ đầu, như một môn chính, với xuất phát điểm bị xem là “ngang nhau”. Nhưng, cũng có những trường trung học cơ sở tuyển đầu vào có kèm thêm các đánh giá trình độ Anh ngữ để phân loại lớp. Rõ ràng, ngay từ đầu, đã có những sàng lọc mang tính bất công bằng dành cho trẻ em mà sự thua thiệt so với chúng bạn lại không phải lỗi do các em.
Song song với Anh ngữ là tin học, cũng với một mức phụ thu khiêm tốn không kém và một chất lượng đào tạo cưỡi ngựa xem hoa không kém. Những môn học tưởng như là phụ ấy thực ra đang ngày một đóng góp tầm quan trọng ở mức độ không thể thiếu trong thời đại này.
Trong xã hội, sự phân tầng không chỉ được thực hiện bằng khác biệt của cải, vật chất mà còn đến từ khác biệt tri thức. Nỗ lực học để thay đổi vận mệnh của mình vẫn là một khát vọng của nhiều gia đình, ở nhiều quốc gia, nhiều hình thái xã hội khác nhau. Và, để học, đầu tư là chuyện tất nhiên nhưng tạo ra nền tảng xuất phát ban đầu không chỉ là câu chuyện của đầu tư gia đình. Mặt bằng chung của giáo dục tiểu học cần phải càng tránh được bất công mới càng có thể tạo ra được những thế hệ có sự công bằng tối ưu nhất ở xuất phát điểm. Điều gì sẽ xảy ra nếu như ở bậc tiểu học, ngoại ngữ, tin học được xem là môn học có sự đầu tư nghiêm túc đủ để mỗi phụ huynh không còn phải mang nỗi lo lắng tới mức đưa con mình đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài?
Đó là chúng ta mới chỉ nói đến trẻ em đô thị mà thôi. Còn trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì sao? Chúng sẽ cần ưu tiên được cộng 2-3 điểm khi xét tuyển đại học hơn hay cần được trang bị những kiến thức đồng đẳng với bạn bè cùng trang lứa, ít nhất là để khi bước vào lứa tuổi trung học cơ sở, lứa tuổi có thể có ý thức tự học tốt hơn, chúng cũng có một nền tảng xuất phát tốt hơn?
“Gió tầng nào, mây tầng đó”, tôi hoặc những phụ huynh có điều kiện sống tương đồng tôi có thể yên tâm một phần khi gửi con mình học thêm Anh ngữ, tin học... ở trung tâm ngoài khi điều kiện còn cho phép. Nhưng, đó chỉ là sự an tâm vị kỷ của những cá thể nhỏ bé trong xã hội mà thôi. Nếu chúng ta muốn thay đổi cả một mặt bằng chung, chúng ta không thể chỉ nhìn vào mỗi “tầng mây” của mình. Ở những tầng thấp hơn về thu nhập, về đời sống, có những đứa trẻ vẫn phải vô tư đón nhận thiệt thòi bởi sự vất vả của chính cha mẹ chúng. Thứ duy nhất mà cha mẹ chúng còn giữ được chỉ là khát vọng đổi đời của con cái mình. Tuy nhiên, khát vọng thì có đấy, nhưng ai tạo điều kiện cho những khát vọng ấy thành sự thực lại là chuyện khác.
Muốn tạo một xã hội công bằng, văn minh, có lẽ, cái cần làm nhất trong giáo dục là phải cải thiện từ cấp tiểu học để tất cả các con em khi rời mái trường đầu đời đều tự tin rằng chúng không hề thua thiệt gì so với bạn bè cùng trang lứa.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/gio-tang-nao-may-tang-do--i694757/