Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng của ý chí đoàn kết dân tộc

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba. Câu ca ấy bao đời nay vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Dù ở nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ tổ, hàng chục triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, lại cùng nhau hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (tỉnh Phú Thọ) ngút ngàn linh khí, tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên.

Gắn kết cộng đồng

Trong những ngày tháng 3 đặc biệt này, tại không gian đậm giá trị văn hóa, di sản được thế giới vinh danh - Phú Thọ, hàng trăm nghệ nhân, chủ thể của 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã cùng hội tụ về. Những hát Xoan Phú Thọ, nghệ thuật Xòe Thái, dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, đờn ca tài tử Nam bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… cùng tỏa sáng, đã không chỉ nhân lên niềm tự hào ở mỗi nghệ nhân, chủ thể di sản, mà còn khẳng định sức hút, giá trị của nguồn lực bất tận cho sự phát triển bền vững được tạo nên từ những “kho báu” vô giá này. Mỗi loại hình di sản đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt và khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào mang tên “Việt Nam”.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy. “Các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

“Hàng năm, những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của dân tộc và gia đình là những hình thức kết nối, phương thức gặp gỡ có tác dụng tiếp thêm sức mạnh để mọi người vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn còn đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hôm nay...”, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT-DL) khẳng định.

Lan tỏa tinh thần dân tộc

Người Việt đi đến đâu cũng mang theo tâm thức về Quốc tổ, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có đền thờ các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội, khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là sức mạnh củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Lễ rước kiệu của các xã, phường vùng ven di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, ngày 26-4-2023. Ảnh: VIẾT CHUNG

Lễ rước kiệu của các xã, phường vùng ven di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, ngày 26-4-2023. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Từ đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, ngoài địa điểm chính là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, trong đó nhiều tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ cho đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang... Tại các nơi này, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một hình thức sinh hoạt cộng đồng được người dân thực hành và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân dâng hương, hoa, lễ vật là sản vật địa phương cùng với bánh chưng, bánh giầy... kính cáo với các Vua Hùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội đã đạt được.

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, với mục đích trao truyền, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhiều chương trình giáo dục về giá trị di sản, đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học… đã được triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bạn trẻ. Phú Thọ tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, song cùng đó cũng ý thức được trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa truyền thống cộng đồng. Giá trị văn hóa chỉ trường tồn khi trở thành nét truyền thống, một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt Nam.

Sáng 28-4, tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), đã diễn ra lễ tế dân gian Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Đây là nghi lễ nằm trong chuỗi hoạt động của lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tại tỉnh Hà Tĩnh. Tại lễ tế, bà con nhân dân thị xã Hồng Lĩnh và đông đảo du khách thập phương đã dâng cúng những mâm bánh chưng xanh, hoa quả và các vật phẩm đặc trưng mang hương vị truyền thống lên các Vua Hùng.

DƯƠNG QUANG

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gio-to-hung-vuong-bieu-tuong-cua-y-chi-doan-ket-dan-toc-post687682.html