Giới chủ Premier League dập tắt cơn phẫn nộ với Super League thế nào?

Những phản đối, chỉ trích của người hâm mộ Anh với Super League dường như đã biến mất chỉ sau một kỳ chuyển nhượng thành công.

Super League được cho là "vết nhơ" của 6 ông lớn Premier League. Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham cùng 6 CLB khác ở châu Âu đứng ra thành lập giải đấu ly khai.

Tuy nhiên, các đại diện Premier League rời khỏi Super League sau chưa đầy 48 giờ. Tiếp đó, Atletico, Inter và AC Milan cũng tuyên bố rút lui. Tới hiện tại, không nhiều người hâm mộ Premier League còn bàn tán về dự án Super League nữa.

 CĐV Man Utd tràn vào sân Old Trafford phản đối nhà Glazer. Ảnh: Reuters.

CĐV Man Utd tràn vào sân Old Trafford phản đối nhà Glazer. Ảnh: Reuters.

Sự thay đổi

Tháng 4/2021, các cuộc biểu tình chống đối Super League của nhóm cổ động viên thuộc "Big Six" Premier League nổ ra trên khắp nước Anh. Họ thể hiện sức mạnh, tiếng nói và thật sự chỉ cho giới chủ đâu là điều đúng đắn.

4 tháng sau khi nổi cơn thịnh nộ làm náo loạn SVĐ Old Trafford, người hâm mộ Man Utd có mặt tại sân Molineux để giơ cao tấm ảnh Cristiano Ronaldo trong chiến thắng 1-0 trước Wolves ở vòng 3 Premier League.

Tương tự tại SVĐ Etihad, nơi những tấm biển "SACK THE BOARD" (tạm dịch: sa thải ban lãnh đạo) từ trận chung kết Carabao Cup sớm được thay thế bằng một loạt băng rôn ca ngợi Jack Grealish.

Tại Anfield, người hâm mộ Chelsea, vốn tố cáo Roman Abramovich và hội đồng quản trị là "lũ khốn tham lam, các người đã hủy hoại câu lạc bộ của chúng tôi" hồi tháng 4, giờ đây hô vang tên tân binh trị giá 97,5 triệu bảng Romelu Lukaku.

Tại sao lại có sự thay đổi đến vậy? Người hâm mộ không phải chính trị gia, chuyên gia phân tích hay nhà hoạt động, có lẽ họ chỉ muốn hạnh phúc và tận hưởng điều tốt đẹp nhất.

Kỳ chuyển nhượng với những bản hợp đồng đắt giá tạm thời dập tắt sự phẫn nộ của người hâm mộ. Trên thực tế, khao khát đổi mới và niềm hy vọng về sự phát triển là một phần cơ bản và không thể tách rời với cổ động viên ở mọi cấp độ.

Giới chủ 6 CLB Premier League nơm nớp lo sợ khi Chính phủ cho phép khán giả trở lại SVĐ cuối mùa giải trước. Khi các hạn chế cuối cùng được dỡ bỏ và cánh cổng SVĐ mở ra, cuộc nổi dậy quy mô toàn diện xuất hiện. Người hâm mộ tẩy chay, đe dọa tấn công nhà tài trợ.

Tuy nhiên, cuộc nổi loạn và bất đồng quan điểm giữa người hâm mộ với giới chủ vốn khiến bóng đá Anh trở thành một mớ hỗn độn hồi tháng 4 dường như biến mất chỉ sau một kỳ chuyển nhượng.

Cuộc biểu tình theo kế hoạch của người hâm mộ Arsenal chống lại chủ sở hữu Stan Kroenke cuối tuần trước chỉ thu hút được vài chục người.

Cổ động viên Liverpool chỉ cảm thấy lo âu khi giới chủ thiếu chủ động trên thị trường chuyển nhượng. Trong khi đó, Chủ tịch Tottenham Daniel Levy đang được ca ngợi như một thiên tài chiến lược khi thuyết phục Harry Kane ở lại.

Rõ ràng, sự bất mãn vẫn còn ở các mức độ khác nhau. Việc coi thường người hâm mộ thông qua sự kiện thành lập Super League có thể không được tha thứ. Nhưng nó đang dần bị lãng quên.

Theo Guardian, giả thuyết hợp lý nhất là các chủ sở hữu đơn giản mua chuộc lòng trung thành và dập tắt cơn giận của người hâm mộ bằng những bản hợp đồng chất lượng.

 CĐV "Quỷ đỏ" vui mừng chào đón sự trở lại của Ronaldo. Ảnh: Reuters.

CĐV "Quỷ đỏ" vui mừng chào đón sự trở lại của Ronaldo. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân sâu xa

Sự thật có lẽ phức tạp hơn một chút, bắt nguồn từ thực tế là các cuộc biểu tình chống đối Super League thường đi kèm với những bất bình tích tụ trong một khoảng thời gian dài.

Ở Man Utd, đó là sự thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng. Màn trình diễn kém cỏi trên sân khiến Arsenal trở thành mục tiêu bị công kích. CĐV Tottenham chán nản với quyết định chiến lược kém cỏi từ đội nhà còn người hâm mộ Liverpool cần sự tương tác nhiều hơn từ giới chủ.

Ngược lại, có sự khác biệt lớn tại Chelsea và Man City. Phần lớn CĐV hài lòng với chủ sở hữu. Hai đội bóng này ngày càng thành công và lớn mạnh. Chính vì thế, có thể hiểu lý do tại sao cơn giận dữ của họ lắng xuống nhanh nhất.

Các bản hợp đồng mới có thể giải quyết những vấn đề này ở một mức độ nào đó. Quan trọng hơn, chúng mang lại cảm giác về sự đổi mới, về sự xoa dịu và về sự lắng nghe.

Theo nhiều cách, Super League là một mục tiêu dễ dàng để công kích. Dự án này là kẻ thù thấy rõ trước mắt mà mọi người đều có thể hiểu được. Nhưng người hâm mộ còn muốn chống lại những điều khác.

Trên TalkSport vài tuần trước, cựu chủ sở hữu Crystal Palace, Simon Jordan, đưa ra cái nhìn sâu sắc. “Tôi nghĩ CĐV Man Utd hơi nũng nịu một chút”, ông nói, “Họ muốn nhà Glazer ra đi. Sau khi 110 triệu bảng được duyệt chi trong mùa hè này, sự ủng hộ dành cho đội bóng mới bắt đầu quay trở lại".

Đây có lẽ là biểu hiện chính xác nhất về cách tầng lớp chủ sở hữu đội bóng nhìn nhận người hâm mộ của họ: Một kẻ cáu kỉnh, một khách hàng cần được nuông chiều.

Người hâm mộ khao khát những bản hợp đồng mới, cơ sở vật chất tốt hơn và danh hiệu. Một khi đáp ứng những điều kiện này, mọi sự phản đối chỉ còn mang tính tương đối.

Cựu tiền vệ Premier League tỏa sáng ở vòng loại World Cup châu Á Alireza Jahanbakhsh, tiền vệ từng chơi ở Premier League trong màu áo Brighton, tỏa sáng với bàn duy nhất giúp Iran hạ Syria ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 đêm 2/9 (giờ Hà Nội).

Hiểu Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-chu-premier-league-dap-tat-con-phan-no-voi-super-league-the-nao-post1259946.html