Giới chuyên gia đánh giá những điểm tích cực của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung
Truyền thông và giới chuyên gia quốc tế nhận định cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến ngày 15/11 dù không đạt được đột phá quan trọng, song đã thể hiện sự nỗ lực tối đa về cấp độ chính trị: Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy các cuộc trao đổi giữa giới chức hai nước và không để những tranh cãi song phương khiến mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục tuột dốc.
Sau cuộc hội đàm, một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả tinh thần cơ bản của cuộc họp thượng đỉnh vẫn là tôn trọng và thẳng thắn. Trung Quốc cũng mô tả cuộc hội đàm là “tích cực”, đồng thời khẳng định sự kiện này thúc đẩy sự “hiểu biết lẫn nhau”.
Hãng tin Bloomberg nhận định về tổng thể, so với vài tháng trước, cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một điểm tựa ổn định hơn. Hãng tin CNN thì đánh giá đây là một cuộc “tranh luận thẳng thắn”, nhưng không có đột phá quan trọng. Tờ The New York Times cũng có quan điểm tương tự, khi cho rằng tuyên bố được các bên đưa ra sau cuộc hội đàm đều nhấn mạnh những vấn đề tranh cãi quan trọng nhất, và những điều không hài lòng lẫn nhau này đã làm nổi bật mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên. Mặc dù như vậy, hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sẵn sàng dựa vào một phương thức tránh xảy ra xung đột để xử lý những khác biệt giữa hai cường quốc. Chỉ riêng điểm này đã có thể làm giảm khả năng xảy ra va chạm lớn giữa quan hệ hai nước trong năm nay.
Trong khi đó, học giả Susan Shirk tại Đại học California (Mỹ) đánh giá cuộc họp thượng đỉnh Mỹ -Trung có thể thúc đẩy hai nước triển khai các cuộc hội đàm giữa những quan chức cấp thấp, thảo luận cách thức hợp tác về các vấn đề kinh tế và quốc tế. Chuyên gia Daniel Russel tại Viện nghiên cứu chính sách thuộc Hiệp hội châu Á của Mỹ cho rằng không nên coi đây là cuộc họp thượng đỉnh chỉ diễn ra một lần, mà nên coi là một phần trong chuỗi những cuộc hội đàm quan trọng có thể đưa hai nước vào thời kỳ quan hệ tương đối ổn định trong bối cảnh tiếp tục cạnh tranh gay gắt. Theo ông, cuộc họp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình chỉ là một bước để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, cuối cùng sẽ cần lãnh đạo hai nước tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn.
Về phần mình, Dexter Roberts, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Sáng kiến an ninh châu Á thuộc Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, nhận định trong bối cảnh Trung Quốc vừa mới kết thúc Hội nghị Trung ương 6 và đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm sau, trong khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm sau, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều muốn tái khởi động đối thoại. Chuyên gia này cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên đạt được tiến triển từng bước về vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, va chạm thương mại vẫn rất khó tránh khỏi.
Scott Kennedy, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã thẳng thắn trao đổi ý kiến về tất cả vấn đề, nhưng không thông báo bất kỳ quyết định hay bước đi chính sách nào. Dường như hai bên đồng ý cần thiết lập một số hàng rào bảo vệ và đảm bảo ổn định để phát triển quan hệ hai nước, song vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách thức thực hiện điều này.