Giới chuyên gia khuyến cáo không lạm dụng thuốc chữa COVID-19 chưa được kiểm chứng khoa học
Ngày 16/11, các chuyên gia Malaysia kêu gọi người dân không nên cả tin vào các loại thuốc chữa COVID-19 chưa được kiểm chứng khoa học, nhằm tránh những hệ lụy không mong muốn về sức khỏe.
Nhiều người dân Malaysia đang tin vào những lời đồn rằng một số thuốc hiệu quả trong điều trị bệnh COVID-19. Các loại thuốc này được quảng cáo nhan nhản trên các nền tảng truyền thông xã hội, nhiều nhất là ivermectin, một loại thuốc từng được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn là thuốc chống ký sinh trùng, chứ không phải thuốc kháng virus được dùng để điều trị COVID-19.
Những người đề xướng sử dụng ivermectin gọi đây là "thuốc cứu tính mạng", cho rằng thuốc này có thể tránh nguy cơ tử vong do COVID-19 và ngăn bệnh này trở nặng. Theo Cơ quan quản lý dược phẩm thuộc Bộ Y tế Malaysia (MOH), những lời đồn này đã khiến nhu cầu mua thuốc ivermectin tăng cao, đẩy giá thuốc lên cao từ RM5 (1,20 USD) lên mức RM60 (14,55 USD) một hộp 10 viên. Trong khi đó, một nghiên cứu lâm sàng do Viện Nghiên cứu lâm sàng thực hiện cho thấy ivermectin không giúp ngăn nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng. Tuyên bố của MOH nêu rõ thuốc này không thể được khuyến nghị sử dụng điều trị bệnh COVID-19.
Bình luận về sự nổi tiếng của ivermectin, giảng viên y khoa thuộc Đại học Kebangsaan Malaysia, ông Fitri Fareez Ramli cho biết niềm tin vào tính hiệu quả của ivermectin trong điều trị COVID-19 đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Vấn đề ivermectin là một ví dụ cho thấy một số người có thể bị lừa gạt dễ như thế nào trước những thông tin chưa được kiểm chứng bằng khoa học. Ông Ramli cảnh báo rằng rất nguy hiểm khi dùng một loại thuốc chưa được kiểm chứng mức độ hiệu quả, có thể dẫn tới những rắc rối y tế không mong muốn.
Khi được thông báo về kết quả của nghiên cứu lâm sàng mới đây liên quan đến ivermectin, MOH cho biết ảnh hưởng của các tác dụng phụ hoặc phản tác dụng cao gấp ba lần ở những người sử dụng thuốc ivermectin, phổ biến nhất là tiêu chảy.
Ông Fareez cũng kêu gọi các chuyên gia chăm sóc y tế cần cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực dược phẩm thông qua các tờ báo đáng tin cậy về y tế và các chuyên môn, trước khi đơn giản hóa thông tin và giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu cho công chúng. Các nỗ lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục mọi người và ngăn họ tin vào những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng. Ông cho biết thêm rằng các nhân viên chăm sóc y tế cũng có thể sử dụng các diễn đàn công cộng để tạo điều kiện cho người sử dụng mạng truyền thông xã hội trực tiếp đặt câu hỏi liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc hoặc cách điều trị bệnh.
Về phần mình, bà Nurul Izzah Ibrahim, cũng là một giảng viên Khoa Dược của trường Đại học Kebangsaan Malaysia, kêu gọi chấm dứt hoàn toàn tình trạng những người vô trách nhiệm tung tin tức giả mạo. Bà nói: "Mọi người cần cảnh giác, không nên tin bất cứ điều gì đọc được trên mạng xã hội. Cần học cách kiểm chứng thông tin đầu tiên và nếu phát hiện điều gì không chính xác, cần báo cáo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả".
Theo Điều 211 và 233 của Luật Thông tin và Đa phương tiện năm 1998 của Malaysia, những người bị kết tội tung tin giả trên truyền thông xã hội có thể bị phạt tới RM50.000 (12.000 USD) hoặc bị phạt tù 1 năm, hoặc cả hai hình thức phạt.
Ngoài ra, bà Nurul Izzah cũng đề cập đến các cơ sở y tế tư nhân cung cấp ivermectin cho bệnh nhân của mình. Bà cho biết: "Hành động của họ chắc chắn dẫn tới thói quen dùng thuốc này. Thật là vô trách nhiệm khi bán ivermectin một cách không chính thức nhằm kiếm lời". Bà kêu gọi chính quyền cần điều tra chi tiết về các thói quen này và có biện pháp xử lý để làm gương cho người khác.
Trong khi đó, bà Nurul Izzah hoan nghênh MOH đã ký một biên bản ghi nhớ với hãng dược Merck Sharp&Dhome để mua thuốc kháng virus molnupiravir dạng viên. Theo các dữ liệu lâm sàng, thuốc này có thể giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 trở nặng. Theo bà, việc MOH mua thuốc trên là một bước đi tích cực nhằm giảm sự lo ngại của công chúng, cũng như ngăn họ bị lừa sử dụng những loại thuốc chưa được kiểm chứng khoa học để điều trị COVID-19.