Giới chuyên gia nhận định về quan hệ Trung-Nhật sau khi Thủ tướng Abe từ nhiệm

Nhiều nhà quan sát đã đưa ra nhận định trái chiều về mối quan hệ Trung-Nhật sau việc Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức.

Người dân Nhật Bản truyền tay tờ báo nói về việc Thủ tướng Abe tuyên bố từ chức ngày 28/8. Ảnh: AFP

Người dân Nhật Bản truyền tay tờ báo nói về việc Thủ tướng Abe tuyên bố từ chức ngày 28/8. Ảnh: AFP

Ông Xu Jingbo, lãnh đạo hãng thông tấn Asian tại Nhật Bản nhận định rằng trong thời gian Thủ tướng Abe cầm quyền, ông đã áp dụng phương pháp không quá cứng rắn với Trung Quốc, dù phải chịu sức ép từ Mỹ. Theo ông Xu Jingbo, Thủ tướng Abe đã cho thấy sự hợp lý trong giải quyết quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản mặc dù tranh chấp liên quan đến quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư vẫn diễn ra.

Hiện tại, giới quan sát đang tập trung vào thông tin ai sẽ là người kế nhiệm ông Abe. Tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia Da Zhigang tại Viện Nghiên cứu chiến lược Đông Bắc Á đánh giá: "Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và Nhật Bản-Mỹ sẽ không thay đổi đáng kể khi Nhật Bản có thủ tướng mới".

Về kinh tế, có hơn 32.000 công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin từng nhấn mạnh rằng mặc dù xảy ra dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương giữa nước này và Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020 vẫn đạt gần 150 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản hiểu rằng kinh tế nước này cũng được hưởng nhiều lợi ích từ giao thương với Trung Quốc.

Theo chuyên gia Da Zhigang, có khả năng thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ khôi phục đàm phán qua chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên kế hoạch đến thăm Nhật Bản trong tháng 4 nhưng sự kiện này bị hoãn lại do dịch COVID-19. Hiện vẫn chưa rõ liệu nhà lãnh đạo này có triển khai lại kế hoạch đến thăm Nhật Bản hay không.

Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng quan hệ Bắc Kinh-Tokyo có thể theo chiều hướng đi lùi nếu người kế nhiệm ông Abe có quyết định khác biệt.

Theo họ, có khả năng thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản có thể chấp thuận tham gia Liên minh tình báo Ngũ nhãn và trở thành “con mắt thứ sáu” cùng với Canada, Australia, New Zealand, Anh và Mỹ. Đây là điều khiến Trung Quốc "để mắt".

Một điều đáng chú ý là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Mỹ Mark Esper trong tháng 1 đã nhất trí hợp tác hướng tới thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa mới sau khi Tokyo hoãn kế hoạch triển khai Aegis Ashore. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc sẽ lo lắng về việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung ở Nhật Bản hơn cả hệ thống phòng thủ tên lửa. Bắc Kinh cho rằng tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia Trung Quốc.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuyen-gia-nhan-dinh-ve-quan-he-trungnhat-sau-khi-thu-tuong-abe-tu-nhiem-20200831175615590.htm