Giới chuyên gia Nhật Bản dự báo về làn sóng lây lan dịch COVID-19 trong nước
Dịch COVID-19 tại Nhật Bản sẽ tiếp tục lây lan trong ngắn hạn là nhận định chung của các chuyên gia y tế Nhật Bản tại hội nghị do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này tổ chức tối 26/1 nhằm tìm kiếm các giải pháp ứng phó làn sóng lây nhiễm đang diễn biến phức tạp.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại hội nghị, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Nhật Bản đã tiến hành phân tích các dữ liệu liên quan, bao gồm nguyên nhân, độ tuổi, vùng miền… cũng như thảo luận các giải pháp ứng phó trước mắt cũng như lâu dài.
Về nguyên nhân, các chuyên gia nhận định dịch bệnh gia tăng chủ yếu do Nhật Bản có các đợt nghỉ lễ dài ngày trong tháng 1, người dân có nhiều hoạt động tập thể, tụ tập vui chơi đông người và di chuyển giữa các địa phương. Cộng với tốc độ lây lan nhanh hơn của biến thể Omicron, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần này liên tiếp ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới.
Về độ tuổi mắc COVID-19, tại hầu hết các địa phương ở Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 ở độ tuổi 20-30 có xu hướng giảm nhưng lại tăng ở trẻ dưới 10 tuổi. Riêng ở tỉnh Okinawa, trong khi số ca mắc mới COVID-19 giảm ở hầu hết lứa tuổi trẻ, trường hợp người trên 60 tuổi nhập viện ngày càng tăng. Xu hướng này đang có dấu hiệu lan ra nhiều địa phương khác, trong đó có các đô thị lớn như Tokyo và Osaka.
Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế tại các địa phương được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù các ca mắc COVID-19 nhẹ và trung bình có thể được điều trị tại nhà, nhưng việc gia tăng số ca bệnh nặng và người mắc bệnh nền đã nâng tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở điều trị. Các chuyên gia cũng cho rằng cần chuẩn bị sẵn sàng cho phương án có thể tăng mạnh số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển xấu nhanh, phải nhập viện gấp.
Mặt khác, một dòng phụ của biến thể Omicron là BA.2 hiện đang lây lan ở nước ngoài cũng đã được xác nhận xuất hiện ở trong khu kiểm dịch của Nhật Bản. Mặc dù chưa có thông tin rõ ràng về dòng phụ này so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, giới chuyên gia cho rằng cần lưu ý tăng cường theo dõi và phân tích bộ gene, từ đó chủ động các giải pháp ứng phó.
Ông Takaji Wakita, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) kiêm Trưởng nhóm chuyên gia y tế, cho biết rất khó xác định thời điểm đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm lần này. Ở nhiều quốc gia khác, số ca mắc mới COVID-19 tính trung bình trên đầu người cao gấp 10 lần tại Nhật Bản hiện nay, đang có xu hướng đạt miễn dịch cộng đồng và giảm dần mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa thấy rõ các dấu hiệu đó.
Hội nghị các chuyên gia thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 nói chung tại Nhật Bản sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp trong thời gian ngắn sắp tới. Các chuyên gia khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, các công ty cần điều chỉnh cho phép nhiều nhân viên làm việc từ xa, các nhà hàng ăn uống cần bố trí thêm thiết bị thông gió và đảm bảo khoảng cách cho khách hàng.
Ngày 26/1 Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt mốc 70.000 ca/ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các cơ sở y tế của thủ đô Tokyo đã là 42,8%, cách không xa mốc 50% - mốc mà khi đó chính quyền Tokyo sẽ phải tính đến phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.