Giới đầu tư bật mí kế hoạch, kỳ vọng vốn FDI tăng theo 'cấp số nhân' vào Việt Nam
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 16/10, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại chia sẻ những kế hoạch lớn đang ấp ủ như xây dựng 'siêu cảng' logistics, phát triển công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn… Đồng thời, giới đầu tư cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính, tạo thông thoáng môi trường đầu tư.
“Intel không tự coi mình là nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi luôn chứng minh mình là nhà đầu tư tiềm năng tiếp theo tại Việt Nam”, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam đã khẳng định điều này tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ.
Nhà đầu tư ngoại còn trăn trở?
Song, đại diện Intel cũng bày tỏ mong muốn rằng doanh nghiệp (DN) FDI rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành. Cụ thể là nguồn nhân lực của ngành bán dẫn. “Vấn đề nhân lực này không chỉ nằm ở năng lực của người kỹ sư, người lao động mà còn cần cả một chính sách liên quan đến đào tạo nguồn cung sớm cho ngành bán dẫn. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần nhiều sự quyết tâm của các bộ, ngành”, ông nói.
Về thuế tối thiểu toàn cầu, đây không phải vấn đề riêng của doanh nghiệp hay Bộ Tài chính mà còn cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác. Vì thế, “những hành động cụ thể của Chính phủ không chỉ là động lực, là bài học cho riêng Intel mà còn cho các doanh nghiệp khác có thể học hỏi, tham vấn và giúp chúng tôi đưa ra những quyết định quan trọng”, đại diện Intel chia sẻ.
Trong khi đó, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho hay hai tuần nữa, sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ để thảo luận ưu tiên của Việt Nam trong tháo gỡ nút thắt huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng…
Ông John Rockhold nhấn mạnh: Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy vậy, các thành viên AmCham vẫn nhận thấy quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của DN cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính”, ông John Rockhold nói.
Với các nhà đầu tư Nhật Bản, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Theo vị đại diện JETRO, Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lượng. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.
“Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng của bất cứ quốc gia nào, nhưng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số”, vị này cho biết.
Ba cam kết với nhà đầu tư
Ở lĩnh vực tài chính, ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus, chia sẻ Warburg Pincus luôn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư của Quỹ, không chỉ ở tầm khu vực mà tính trên bình diện toàn cầu.
“Tháng 11 tới, chúng tôi rất tự hào sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm Đầu tư của Warburg Pincus tại Việt Nam. Hy vọng rằng con số đầu tư hơn 2 tỷ USD như hiện tại của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân trong các năm tiếp theo”, ông Minh Đỗ nói. Đồng thời, Warburg Pincus với vị thế của mình, cũng là cầu nối cho nhiều quỹ đầu tư và các công ty hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.
Theo đại diện Warburg Pincus, điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì và hoàn thiện các cơ chế, thể chế chính sách để góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và một nền tài chính toàn diện của Việt Nam. Đơn cử, Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài.
Trực tiếp đối thoại với nhà đầu tư, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. “Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém”, Phó Thống đốc cho biết.
Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ và thông cảm với các nhà đầu tư về những khó khăn, thách thức gặp phải. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư: Đó là luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
“Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Thủ tướng yêu cầu.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.
Thủ tướng đề nghị các bên phát huy tinh thần "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được", hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng chiến thắng, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH
Thời gian qua, tiếp thu ý kiến của các DN, hiệp hội, Chính phủ đã dành thời gian và quyết tâm sửa Nghị định 152 về quản lý, sử dụng và phát huy nhân lực nước ngoài tại Việt Nam với 7 nội dung mới. Trong đó, giảm triệt để điều kiện, tiêu chí cho chuyên gia, người quản lý, lao động kỹ thuật vào Việt Nam ở mức độ thấp nhất có thể, trừ những điều kiện, nội dung mà Việt Nam đã cam kết với ASEAN không thể thay đổi được. Vừa qua, Bộ LĐTB&XH cũng chấn chỉnh một số địa phương trong việc cấp theo theo Nghị định 152, tinh thần chung là cởi mở nhất, thông thoáng nhất và nhanh gọn nhất.
Ông Ng Boon Teck
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam
Việt Nam – Singapore đã hợp tác xây dựng siêu cảng, trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc. Và, các nhà đầu tư Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, kết nối hạ tầng đường sá, thông tin, kinh tế tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghĩ đến tất cả các quy trình đã thân thiện với môi trường hay chưa? Tôi muốn đề xuất tập trung về cơ chế tài chính, cơ chế đánh thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… làm sao để môi trường "xanh hơn".
Ông Cao Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Về thuế tối thiểu toàn cầu nhiều, Thủ tướng đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, chúng ta phải thực hiện theo cam kết khi tham gia vào Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Chính phủ đã phân công, Bộ KH&ĐT, đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính cũng tham gia vào việc trình báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp này về thuế tối thiểu toàn cầu. Thời gian tới sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.