Giới đầu tư châu Âu tháo chạy khỏi các tập đoàn năng lượng Nga
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp Nga niêm yết ở nước ngoài, bao gồm cổ phiếu của Gazprom và Rosneft (hai tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Nga). Đồng thời, áp lực chính trị đã thúc đẩy các tập đoàn dầu khí châu Âu thông báo bán cổ phần đang nắm giữ ở hai tập đoàn này.
Các tập đoàn bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine
Giá dầu, vàng leo thang cùng căng thẳng chính trị Ukraine
BP và Shell, hai tập đoàn dầu khí hàng đầu châu Âu, lần lượt tuyên bố thoái vốn khỏi Gazprom và Rosneft, hai tập đoàn năng lượng lớn nhất Nga. Ảnh: MSNBCVào thời điểm thị trường đóng cửa hôm 28-2, giá cổ phiếu hai tập đoàn Gazprom và Rosneft, niêm yết sàn giao dịch chứng khoán London (Anh), lần lượt giảm 53% và 42%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của PJSC Lukoil, một công ty năng lượng đa quốc gia khác của Nga, giảm đến 62,84%.
Nhiều cổ phiếu khác của các doanh nghiệp Nga cũng giảm mạnh, tiêu biểu là cổ phiếu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, giảm sâu 74%. Hôm 28-2, Nga thông báo tạm thời đóng cửa Sở giao dịch chứng khoán Moscow vì các điều kiện bất lợi của thị trường. Vì vậy, cơn bán tháo cổ phiếu doanh nghiệp Nga ở thị trường London sẽ cung cấp cho giới đầu tư các manh mối về phản ứng của thị trường chứng khoán Nga một khi được giao dịch trở lại.
Leonardo Pellandini, nhà chiến lược tại Ngân hàng Bank Julius Baer (Thụy Sĩ), nhận định: “Tài sản của Nga không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm tình trạng bị cô lập của Nga tiếp tục gia tăng”.
Gazprom và Rosneft nằm trong số những doanh nghiệp sử dụng lao động lớn nhất của Nga. Rosneft, nơi có 40% vốn nhà nước, là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất của Nga, đóng góp đến 20% nguồn thu ngân sách của nước này. Trong khi đó, Gazprom, cũng là công ty nơi nhà nước Nga nắm cổ phần kiểm soát, nộp thuế 2,3 ngàn tỉ rúp mỗi năm, tương đương 32 tỉ đô la, chiếm khoảng 6% nguồn thu ngân sách của Nga trong năm 2020, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Dù nhiều doanh nghiệp Nga bị phương Tây trừng phạt trong tuần trước, cả hai tập đoàn này vẫn không bị cấm bán khí đốt sang châu Âu, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của chúng trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Nhưng Gazprom và Rosneft không chỉ đóng vai trò quan trọng về kinh tế đối với Nga. Các quan chức châu Âu cho biết trong những tháng gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng Gazprom, nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất sang thị trường châu Âu, để điều tiết lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, dẫn đến giá mặt hàng năng lượng tăng cao. Trong khi đó, Nga một mực phủ nhận sử dụng năng lượng như một công cụ địa chính trị.
Trong năm 2006 và 2009, Gazprom đã cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống ở Ukraine, gây ra tình trạng thiếu hụt khí đốt trên toàn lục địa này. Lúc đó, các nước Đông Âu chỉ trích Gazprom đã sử dụng đòn bẩy của vị thế thống trị thị trường để áp đặt giá bán cao.
Giờ đây, trong bối cảnh Nga mở tấn công quân sự trên diện rộng ở Ukraine, các nhà đầu tư châu Âu của Gazprom và Rosneft đang đối mặt với sức ép chính trị lớn từ trong nước.
Hôm 27-2, Tập đoàn dầu khí BP (Anh) cho biết sẽ bán 19,75% cổ phần nắm giữ tại Rosneft. Quyết định này sẽ khiến BP phải bút toán giảm giá trị sổ sách lên đến 25 tỉ đô la. Giám đốc điều hành BP, Bernard Looney và cựu Giám đốc điều hành BP, Bob Dudley cũng tuyên bố rời ghế hội đồng quản trị của Rosneft ngay lập tức.
Ông Bernard Looney nói: “Tình hình này khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại về cơ bản vị thế của BP với Rosneft”.
BP đã hợp tác làm ăn ở Nga trong hơn 30 năm qua. Rosneft đóng góp khoảng 1/3 sản lượng dầu khí hàng năm của BP. Song, những gì đang diễn ra buộc tập đoàn này phải đánh giá lại khoản đầu tư ở Rosneft.
BP chịu sức ép ngày càng lớn của chính phủ Anh về việc phải thoái vốn khỏi Rosneft. Các quan chức Anh cáo buộc Rosneft cung cấp nhiên liệu phục vụ cuộc tấn công ở Ukraine.
Hôm 28-2, Shell, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất châu Âu, có trụ sở ở London, cũng thông báo sẽ bán số cổ phần trị giá tổng cộng khoảng 3 tỉ đô la đang nắm giữ ở tất cả các liên doanh với Gazprom, bao gồm 27,5% cổ phần ở dự án khí tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-II, 50% cổ phần ở Công ty phát triển Dầu khí Salym và liên doanh năng lượng Gydan. Shell cũng có ý định chấm dứt tham gia vào dự án đường ống Nord Stream 2, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Shell đang nắm giữ 10% cổ phần ở dự án này, với trị giá khoảng 1 tỉ đô la.
Shell lưu ý quyết định thoái vốn đầu tư sẽ tác động đến giá trị sổ sách tài sản tại Nga của Shell.
Thông báo được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ khiến hơn 3 triệu doanh nghiệp Nga, bao gồm Gazprom không thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính có trụ sở đặt tại London. “Điều này có nghĩa là họ không còn có thể phát hành trái phiếu hay cổ phiếu tại London”, Ngoại trưởng Liz Truss nói trước Quốc hội Anh.
Cùng ngày, Tập đoàn dầu khí Equinor (Na Uy) cho biết sẽ dừng tất cả các khoản đầu tư mới ở Nga và bắt đầu thoái vốn khỏi các liên doanh ở nước này. Hồi cuối năm 2021, Equinor cho biết đang nắm giữ các khoản đầu tư dài hạn trị giá 1,2 tỉ đô la tại Nga. Tập đoàn này đã hoạt động ở Nga trong hơn 30 năm qua và đang hợp tác với Rosneft.
Quyết định trên của BP và Shell cũng đang gây sức ép lên TotalEnergies, tập đoàn năng lượng của Pháp. Trả lời đài truyền thanh France Info hôm 1-3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ Pháp và TotalEnergies sẽ đưa ra quyết định trong những ngày tới về mảng kinh doanh dầu khí của tập đoàn này tại Nga.
TotalEnergies sở hữu khoảng 19% cổ phần tại Novatek, một công ty khí đốt của Nga, và đang nắm cổ phần thiểu số trong liên doanh sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng Yamal LNG, có tổng vốn đầu tư 27 tỉ đô la ở bán đảo Yamal, phía bắc của Nga. Giacomo Romeo, nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết nguồn cung cấp từ liên doanh Yamal LNG đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng của TotalEnergies.
Theo WSJ, Bloomberg, Reuters
Chánh Tài