Giới đầu tư gom mua cổ phiếu công nghệ, Phố Wall bay cao

Chứng khoán Mỹ tăng tốc trong phiên thứ Hai (8/1), khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm giúp nâng đỡ các cổ phiếu megacap.

Các cổ phiếu công nghệ lớn đồng loạt tăng và hỗ trợ mạnh thị trường với Amazon.com tăng 2,66%, Alphabet (Google) tăng 2,29%, trong khi Microsoft và Meta (Facebook) cùng nhích 1,9%, nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 3,966% trước khi có các dữ liệu về chỉ số về lạm phát và nợ chính phủ mới trong tuần này.

Ngoài ra, Apple tăng 2,42% sau khi nhà sản xuất iPhone cho biết thiết bị thực tế ảo Vision Pro của họ sẽ được bán từ ngày 2/2 tại Mỹ.

Các cổ phiếu chip lớn như Nvidia tăng 6,3% và AMD tăng 5,48%, giúp đẩy chỉ số bán dẫn Philadelphia SE tăng 3,28%, bật lên từ mức giảm 5,8% vào tuần trước - mức giảm một tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022.

Nhóm ngành năng lượng S&P 500 là nhóm giảm duy nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, giảm 1,16% do giá dầu thô lao dốc, sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia giảm giá mạnh và sản lượng của OPEC tăng.

Vào thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 đã đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 10, sau khi dữ liệu kinh tế phân hóa khiến các nhà đầu tư thận trọng và khiến họ thu hẹp kỳ vọng về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết hôm thứ Hai rằng, mục tiêu kép của ngân hàng trung ương là giảm lạm phát và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp vẫn chưa xảy ra mâu thuẫn.

Các nhà đầu tư hiện cũng sẽ theo dõi dữ liệu lạm phát trong tuần này với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố, để định hình kỳ vọng về lộ trình lãi suất của Fed.

Thị trường hiện nhận thấy 69,5% cơ hội cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào đầu tháng 3, giảm từ mức hơn 85% trong những tuần cuối cùng của năm 2023, theo công cụ CME FedWatch.

Kết thúc phiên 8/1: Chỉ số Dow Jones tăng 216,90 điểm (+0,58%), lên 37.683,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 66,30 điểm (+1,41%), lên 4.763,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 319,70 điểm (+2,20%), lên 14.843,77 điểm.

Chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng nhẹ, khi tâm lý giới đầu tư dần ổn định và động lực từ nhóm cổ phiếu bán lẻ và công nghệ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,34% lên 478,01 điểm, với cổ phiếu công nghệ và bán lẻ đều tăng 1,23% để dẫn đầu đà tăng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 1,55% do Saudi Arabia tuyên bố giảm giá cho khách hàng ở châu Á và cổ phiếu Shell giảm gần 3%, sau khi cho biết kết quả quý IV sắp tới của họ sẽ bao gồm khoản chi phí tăng vọt lên tới 4,5 tỷ USD.

Kỳ vọng suy yếu về việc cắt giảm lãi suất sớm ở Mỹ đã giữ cho đồng USD lợi suất trái phiếu chính phủ nhích lên, với lợi suất trái phiếu chuẩn 10 năm của châu Âu và Đức tăng phiên thứ ba liên tiếp.

"Bằng chứng hiện tại đang có là tăng trưởng kinh tế vẫn đang khá tích cực trong môi trường lãi suất cao. Điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ không dễ quay trở lại mức mà các ngân hàng trung ương mong muốn trong năm nay", Andrew Bell, Giám đốc điều hành của Witan Investment Trust, cho biết.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức tăng ít hơn dự kiến, trong khi dữ liệu điều chỉnh về xuất khẩu cho thấy mức tăng cao hơn ước tính trong tháng 11, với mức tăng 3,7% so với tháng trước đó.

Kết thúc phiên 8/1: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 4,58 điểm (+0,06%), lên 7.694,19 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 122,26 điểm (+0,74%), lên 16.716,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 29,55 điểm (+0,40%), lên 7.450,24 điểm.

Việc nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cắt giảm giá mạnh và sản lượng của OPEC tăng trong tháng 12/2023 đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 3%.

Kết thúc phiên 8/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 3,04 USD/thùng (-4,1%), xuống 70,77 USD/thùng Giá dầu thô Brent giảm 2,64 USD/thùng (-3,4%), xuống 76,12 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-gom-mua-co-phieu-cong-nghe-pho-wall-bay-cao-post337393.html